Ba lý do khiến Ukraine khó áp đảo sức mạnh của Nga trên chiến trường

11:31 03-08-2022

VOV.VN - Với quy mô và sức mạnh mà Nga đang có, sự phụ thuộc của châu Âu vào dầu mỏ, khí đốt Nga, một cuộc chiến tiêu hao chắc chắn sẽ rất bất lợi với Ukraine.

Sáu tháng kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, Tổng thống Putin vẫn tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch quân sự tại Ukraine. Nhà lãnh đạo Nga tin rằng, ông có thể tồn tại lâu hơn các lệnh trừng phạt của phương Tây và sẽ sớm đạt được các mục tiêu mà Moscow đặt ra.


Xung đột Nga-Ukraine để lại nhiều hệ quả nghiêm trọng tới các bên liên quan nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung. (Nguồn: Reuters)
Bất lợi trên chiến trường

Về phần mình, Ukraine đang có sự thay đổi chiến lược quan trọng với hy vọng sẽ giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ ở phía Nam khi Nga tập trung binh lực và vật lực ở tiền tuyến phía Đông. Hiện Mỹ đang cung cấp cho Ukraine một số vũ khí cần thiết để giúp các lực lượng nước này tiến hành một cuộc phản công lớn.

Thời gian gần đây, quân đội Ukraine đã phải chịu nhiều tổn thất nghiêm trọng khi cố gắng ngăn chặn bước tiến của Nga ở khu vực Donbass. Các cuộc giao tranh dữ dội đã diễn ra ở Sievierodonetsk và Lysychansk, cuối cùng Ukraine đã để mất 2 thành phố này.

Số binh sỹ Nga thương vong trên chiến trường khá lớn, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng con số này của Ukraine thậm chí còn cao hơn. Tổng thống Zelensky ước tính, có từ 60 đến 100 binh sỹ tử vong mỗi ngày trong giao tranh. Nhà lãnh đạo Ukraine phải thừa nhận rằng, việc cố thủ tại những “thành phố chết” nhằm chống lại hỏa lực áp đảo của Nga là “vô ích”. Ông Zelensky dường như cũng nhận ra một thực tế chính trị thậm chí còn khắc nghiệt hơn: đó là nếu chiến tranh tiếp tục diễn ra, Ukraine có nguy cơ thua trận.

Với quy mô và sức mạnh mà Nga đang có, sự phụ thuộc của châu Âu vào dầu mỏ, khí đốt Nga, một cuộc chiến tiêu hao chắc chắn sẽ rất bất lợi đối với Ukraine. Tuy vậy, Tổng thống Zelensky vẫn đang nỗ lực để thuyết phục chính quyền Biden cũng cấp cho Kiev những vũ khí cần thiết để đẩy lùi Nga ra khỏi lãnh thổ nước này.

Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh châu Âu đang thiếu một mục tiêu cụ thể cho cuộc chiến tại Ukraine. Liệu phương Tây có mục đích làm suy yếu Nga đến mức buộc Tổng thống Putin phải đàm phán? Hay chính sách của họ là muốn nhìn thấy sự thất bại của quân đội Nga ở Ukraine với hy vọng điều này sẽ dẫn đến việc Tổng thống Putin phải rời bỏ quyền lực? Việc theo đuổi một mục tiêu rõ ràng sẽ giúp phương Tây xác định loại vũ khí và thiết bị quân sự cần thiết để cung cấp cho Ukraine cũng như tốc độ chuyển giao chúng. Nhưng họ vẫn chưa thống nhất điều đó.


Lực lượng ly khai thân Nga trên tuyến đường ở vùng Donbass tháng 11/2019. Ảnh: Reuters.
Thời gian không đứng về phía Ukraine

Cuộc phản công của Ukraine ở thành phố miền Nam Kherson – nơi Nga chiếm giữ ngay từ đầu cuộc chiến, giờ đã bắt đầu và Kiev buộc phải thành công nếu muốn có động lực lớn để giành thắng lợi ở những nơi khác. Cựu Phó Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, tướng về hưu Jack Keane nhận định: “Cuộc chiến càng kéo dài, tình hình sẽ càng tồi tệ với Ukraine. Thời gian không đứng về phía họ”.

Ukraine hiện đang đối mặt với nhiều thách thức khi mất đi nhiều chỉ huy cũng như binh sỹ dày dặn kinh nghiệm trên chiến trường, trong khi có số lượng xe bọc thép và đạn dược hạn chế. Trong trường hợp Ukraine tập hợp một lực lượng có đủ quy mô, trang thiết bị và vũ khí để tiến hành một cuộc phản công lớn tại Kherson, thì tuyến phòng thủ của họ ở những nơi khác sẽ bị hổng và chịu rủi ro trước các cuộc tấn công của Nga.

Cơ quan tình báo của Quân đội Ukraine cho biết, Nga đang luân chuyển binh sỹ từ Donbass đến Kherson để phòng thủ trước cuộc phản công tiềm tàng của quân đội Ukraine. Bộ Quốc phòng Anh cũng đưa ra đánh giá tương tự, cho rằng: “Nga có khả năng sẽ tái phân bổ một số lượng đáng kể binh sỹ từ khu vực phía Bắc Donbass đến miền Nam Ukraine. Moscow có lẽ đang điều chỉnh hoạt động ở Donbass sau khi không đạt được bước đột phá quyết định theo kế hoạch mà họ vạch ra từ tháng 4. Họ có khả năng xác định mặt trận Zaporizhzhia của mình là một khu vực dễ bị tổn thương cần được tăng cường”.

Chính quyền Biden đang dẫn đầu nỗ lực hỗ trợ và vũ trang cho Ukraine, đồng thời tập hợp một liên minh bền vững, gồm các nước NATO và EU để áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế cùng nhiều biện pháp khác chống lại Nga. Nhưng ông Biden được cho là đang rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, vì một mặt muốn giúp Ukraine có thể “tự vệ trong thời gian dài”, mặt khác không muốn cuộc xung đột leo thang hơn nữa.

Đây là lý do Mỹ dù cung cấp cho Ukraine một số lượng hạn chế hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) nhưng không gửi cho nước này loại đạn tầm xa có thể bắn tới lãnh thổ Nga. Ngoài đạn M31 tầm bắn 80 km Ukraine đang sử dụng hiện nay, HIMARS còn có thể khai hỏa Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) có thể tấn công mục tiêu cách xa khoảng 300 km. Nhưng Lầu Năm Góc không gửi ATACMS cho Ukraine. Chưa kể, Mỹ vẫn ngần ngại trong việc chuyển giao cho Ukraine máy bay chiến đấu hoặc các hệ thống phòng không.
Cách Nga ứng phó với chiến thuật “thắt miệng túi” của Ukraine tại Kherson

Mỹ đang đuối sức trong nỗ lực viện trợ Kiev

Nhiều chuyên gia quân sự bên trong và ngoài nước Mỹ đã chỉ trích những hạn chế của ông Biden. Phát biểu trong một diễn đàn trực tuyến, cựu Tư lệnh các lực lượng NATO ở châu Âu, tướng về hưu Philip Breedlove cho biết: “Phương Tây dường như đang nói rõ rằng Nga có thể tấn công Ukraine từ Belarus hoặc từ lãnh thổ nước này. Nhưng Ukraine không được tấn công ngược lại lãnh thổ Nga”. Ông cho rằng, những hạn chế như vậy đối với Kiev cần được dỡ bỏ và cần thiết phải thay đổi các quy tắc liên quan đến cuộc xung đột nếu phương Tây muốn Kiev giành được ưu thế.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhấn mạnh sự cần thiết phải buộc ông Putin đến bàn đàm phán để chấm dứt cuộc chiến. Còn Tổng thống Zelensky cam kết tiếp tục chiến đấu thay vì nhượng lãnh thổ cho Nga.

Nhưng các nhà lập pháp Mỹ đã bắt đầu tỏ ra không hài lòng về khoản hỗ trợ an ninh hơn 7,6 tỷ USD và khoản hỗ trợ khác hơn 33 tỷ USD mà chính quyền Biden và Quốc hội Mỹ dành cho Ukraine. Trong bài bình luận trên tờ Wall Street Journal, chuyên gia Jacquelyn Schneider, Đại học Stanford, cảnh báo rằng Washington đang cạn kiệt kho dự trữ vũ khí, chẳng hạn như tên lửa chống hạm Javelin và tên lửa phòng không Stinger.

Mỹ đã chuyển giao 1/3 số lượng tên lửa Javelin và 1/4 số lượng tên lửa Stingers có trong kho dự trữ cho Ukraine trong 4 tháng đầu của cuộc chiến. Theo nhà phân tích Jacquelyn Schneider, Washington sẽ không thể tiếp tục cung cấp cho Ukraine các loại tên lửa với tốc độ hiện tại nếu không có "những cải cách đáng kể đối với chính sách mua sắm và sản xuất quốc phòng". Nhưng với tình trạng chia rẽ tại Quốc hội Mỹ, cũng như sự phản đối trước những thay đổi ở Lầu Năm Góc, khả năng tiến hành cuộc cải cách như vậy rất khó diễn ra./.

theo vov.vn