Bà tôi - Mẹ Việt Nam Anh hùng

10:12 27-07-2022

VOV.VN - Câu chuyện này như một nén tâm nhang thành kính dâng tới Bà tôi, tới tất cả những bà mẹ Việt Nam đã có con, có người thân của mình vĩnh viễn nằm lại khắp nơi trên mảnh đất này cho đất nước ta được độc lập, tự do.

“Bảo ơi ngươi có gặp thằng Bắc nhà tớ không". Bảo là tên một chú bộ đội ở cùng xóm đến thăm nhà tôi khi về phép, còn Bắc là tên bố tôi, bố là con độc nhất, chưa thuộc diện phải nhập ngũ nhưng bố tôi đã xung phong vào chiến trường miền Nam.

Bà tôi luôn hỏi như vậy khi gặp tất cả những ai mặc quần áo bộ đội, bà nghĩ rằng chiến trường miền Nam chỉ như một huyện, một xã chứ đã bao giờ được bước chân ra khỏi lũy tre làng đâu mà biết chiến trường miền Nam mênh mông, rộng lớn và khốc liệt đến mức nào.

Thế rồi bà lại òa lên khóc, mẹ tôi cũng khóc, còn tôi một đứa trẻ ba tuổi đầu cũng chạy vào buồng gục đầu trên bao thóc nức nở khóc, chẳng hiểu khóc vì sao, khóc vì cái gì, chỉ biết nước mắt cứ rơi, cổ họng cứ nghẹn lại, thỉnh thoảng lại nấc lên từng tiếng mà không nói được thành lời.


Ông Vũ Hải Quang - Phó Tổng Giám đốc VOV thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ
Nhà tôi chỉ có ba người, bà tôi, mẹ tôi và tôi nhưng chẳng biết từ bao giờ trong mỗi bữa ăn, bà tôi luôn lấy ra bốn đôi đũa và bốn cái bát, cơm trong nồi bao giờ cũng còn lại một ít, mặc dù thời đó không dư dả như bây giờ, nhà nào khá giả lắm thì cũng chỉ đủ ăn cơm ngày ba bữa.

Tôi cũng không dám hỏi bà về điều đó, chỉ sợ bà lại khóc, đến tận mãi sau này khi lớn lên tôi mới hiểu cái bát, đôi đũa đó, phần cơm đó là bà ngụ ý để dành cho bố tôi, biết đâu đang trong bữa ăn thì đùng một cái, bố tôi lại khoác ba lô về thì sao, đây là suy nghĩ của bà tôi, là niềm mong mỏi, khát khao đến cháy ruột cháy gan của một người mẹ với đứa con độc nhất trên đời.

Ông tôi mất sớm do sốt rét, ngã nước vì bị bắt đi phu cho Pháp từ khi bố tôi mới được hơn một tuổi, bà tôi mới 22 tuổi, bà tôi cũng chẳng đi bước nữa mà cứ như vậy ở lại thờ chồng, nuôi con, tôi được nghe mọi người kể như vậy.

Rồi năm tháng cứ thế trôi đi, gia đình tôi sống trong nước mắt, chiến trường miền Nam ngày càng khốc liệt. Bà tôi, mẹ tôi thường xuyên nín thở nghe tin những người của ta bị địch bắt, những người đã hy sinh để may ra có chút thông tin gì về bố tôi được phát đi hàng ngày trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Trong những tháng ngày cô quạnh của một gia đình với hai người phụ nữ góa bụa, một đứa trẻ thơ, nhà tôi luôn được sự đùm bọc bởi tình thương của anh em, họ hàng và hàng xóm láng giềng, nhưng cũng có người thật ác nghiệp lại trêu đùa tôi: “Trời mưa bong bóng phập phồng, mẹ đi lấy chồng con ở với ai” vào những lúc trời mưa, mỗi một lời vô tâm như vậy nó làm xé nát cả tâm can, xé nát cả một tâm hồn thơ bé của tôi, và tôi cũng chẳng biết phải phản ứng thế nào, chỉ biết cố kìm nén để không bật khóc trước đám đông, rồi như một thói quen mọi khi chạy về nhà và gục đầu trên bao thóc để khóc một mình, rồi lại lau nước mắt, cố giấu kín không cho bà tôi, mẹ tôi biết.

Rồi đến một ngày, vào một buổi sáng thật sớm, tôi thấy nhà mình đông hơn mọi ngày, cứ mỗi lúc một đông hơn, tôi cũng không biết điều gì đang đến với nhà mình, chỉ cảm nhận thấy một điều gì đó chẳng lành, bà tôi bắt đầu òa lên khóc, mẹ tôi cũng khóc, tất cả mọi người đều khóc.

Tôi thấy hàng xóm khênh một cái bàn đặt giữa sân, chặt hai cây chuối nhỏ đặt lên bàn, ông Bí thư xã đốt cả một bó hương cháy ngùn ngụt cắm lên một cái bát rất to, bà tôi lịm đi không còn đủ nước mắt để khóc nữa, mẹ tôi cũng vậy.

Ông Bí thư chậm rãi đọc điếu văn, mắt tôi nhòa đi vì ngấn lệ, chỉ loáng thoáng nghe được vài câu: “Tổn thất này vô hạn nỗi thương đau…”, giọng ông Bí thư cũng chìm dần đi trong tiếng khóc của mọi người.


Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm nhưng những khốc liệt của cuộc chiến, những hậu quả của nó để lại vẫn không bao giờ nguôi ngoai trong ký ức mỗi người con nước Việt
Vẫn biết rằng điều bố tôi hy sinh là sự thật không thể chối cãi nhưng bà tôi vẫn ngày đêm cầu trời khấn Phật, vẫn đi làm muôn điều thiện để hy vọng ”ông trời có mắt”, hy vọng cái giấy báo tử kia chỉ là sự nhầm lẫn, hy vọng và cứ thế hy vọng…

Sau đó là những năm tháng, gia đình nhỏ bé và yếu ớt của tôi sống trong sự lo âu, phấp phỏng và đợi chờ… nhiều lúc giật mình nghĩ lại chẳng biết chờ ai, đợi ai nữa. Bây giờ nhớ lại, tôi mới thấy nghị lực phi thường của hai người đàn bà góa bụa, những lúc trời yên biển lặng thì còn đỡ nhưng những khi bão giông ập đến thì hai tấm thân gầy kia biết lấy gì làm nơi nương tựa. Tôi vẫn còn nhớ nhiều đêm những trận bão cấp 11-12 gió cứ rít lên từng hồi, cả nóc nhà tôi cứ rung lên bần bật, cả mẹ tôi, bà tôi đều trấn ra dưới trời mưa tầm tã, gió quật liên hồi, để chặt những cây chuối chèn lên từng cánh cửa sổ bằng liếp, tránh gió đánh tung ra, làm đổ nhà.

Bão gió thiên nhiên cho dù đến cấp 11-12 thì hai người đàn bà kia vẫn vượt qua, để phải sống, phải vượt qua để nuôi tôi, tôi là niềm hy vọng cuối cùng của cả bà tôi, mẹ tôi nhưng bão tố cuộc đời, những cơn bão lòng thì làm sao vượt qua được, chính điều đó đã làm cho bà tôi mỏi mòn, mẹ tôi thì tiều tụy…Rồi đến một ngày bà tôi đã không còn hy vọng được nữa, bà đã ra đi, lời trăng trối cuối cùng là: “Thằng Bắc bây giờ nó ở đâu, đi tìm nó về đây cho mẹ” rồi cứ thế bà lịm đi, mắt vẫn mở như vẫn cố chờ, cố đợi.

Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm nhưng những khốc liệt của cuộc chiến, những hậu quả của nó để lại: Mẹ mất con, Vợ mất chồng, Con mất cha…vẫn không bao giờ nguôi ngoai trong ký ức mỗi người con nước Việt.

Câu chuyện này như một nén tâm nhang thành kính dâng tới Bà tôi, tới tất cả những bà mẹ Việt Nam đã có con, có người thân của mình vĩnh viễn nằm lại khắp nơi trên mảnh đất này cho đất nước ta được độc lập, nhân dân ta được tự do, hạnh phúc như ngày hôm nay.

Trong số những người đã hy sinh, có những người may mắn đã được trở về với đất mẹ, có người đã được quy tập về các nghĩa trang, nhưng cũng còn không ít những người như bố tôi cho đến tận bây giờ vẫn chưa biết đang nằm lại ở cuối rừng hay đầu suối! Ở nơi xa kia không biết Bà tôi đã tìm gặp được “thằng Bắc” mà bà đã hai mươi năm cơm phần để nguội! Khi trút hơi thở cuối cùng nhưng mắt bà không hề nhắm lại như những trang Kiều kia chưa khép lại bao giờ./.

theo vov.vn