Bán ngà voi, sừng tê giác…khiến hình ảnh du lịch Việt Nam xấu xí

09:21 23-06-2022

VOV.VN - Theo tổ chức WWF, nạn buôn bán động vật hoang dã không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam tươi đẹp, thanh bình mà còn giảm sức hấp dẫn của Việt Nam đối với du khách quan tâm đến vấn đề môi trường.

Tại hội thảo "Du lịch có trách nhiệm và bảo tồn động vật hoang dã" do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam tổ chức, bà Nguyễn Đào Ngọc Vân - Quản lý chương trình Chống buôn bán các loài hoang dã (WWF-Việt Nam) cho biết Việt Nam là một trong những "điểm đến" của ngà voi, sừng tê giác bị buôn bán trên toàn cầu.

Chính việc khách du lịch khi đến Việt Nam tìm mua các sản phẩm từ động vật hoang dã đã kích thích việc săn bắt, thu gom, vận chuyển và phân phối những sản phẩm này. Báo cáo của WWF cho biết 59% số người gợi ý khách Trung Quốc tới các cửa hàng bán ngà voi ở Việt Nam là hướng dẫn viên ở địa phương.


Một số sản phẩm làm từ ngà voi bị cơ quan công an thu giữ tại Bình Dương. Ảnh: Thiên Lý
Theo WWF, nhiều điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam có bán các sản phẩm từ động vật hoang dã như ngà voi, sừng tê giác, vẩy tê tê (công khai hoặc không công khai). Năm 2017, tổ chức TRAFFIC khảo sát 13 thị trường ngà voi phổ biến tại Việt Nam, hầu hết là các điểm thu hút khách du lịch Trung Quốc như Hạ Long, Móng Cái, Nha Trang và phát hiện có 6.000 sản phẩm chế tác từ ngà voi bày bán công khai ở 852 cửa hàng.

"Nạn buôn bán động vật hoang dã làm ảnh hưởng đến hình ảnh tươi đẹp, thanh bình của Việt Nam, suy giảm sức hấp dẫn đối với du khách quan tâm đến vấn đề môi trường, khiến cho doanh thu của ngành du lịch sụt giảm. Đại dịch Covid-19 cũng đã cho thấy những rủi ro lây truyền dịch bệnh từ động vật sang người" – bà Nguyễn Đào Ngọc Vân cho biết.

Là điểm đến thu hút khách Trung Quốc, Thái Lan cũng phải đương đầu với nạn buôn bán các sản phẩm chế tác từ ngà voi. Hiệp hội Hướng dẫn viên Du lịch Thái Lan cùng với Tổng cục Du lịch Thái Lan và các doanh nghiệp đã làm việc trực tiếp với những hướng dẫn viên phục vụ khách Trung Quốc, để họ chấm dứt việc đưa khách đi mua những sản phẩm này. Trên các vật dụng phổ biến với khách du lịch Trung Quốc như bưu thiếp, khăn giấy, quạt cầm tay... đều có thông điệp truyền thông về bảo vệ động vật hoang dã. Ngoài ra, hướng dẫn viên tại Thái Lan bắt buộc phải tham gia lớp tập huấn, sát hạch kiến thức về du lịch có trách nhiệm và bảo tồn thiên nhiên nếu muốn được cấp chứng chỉ hành nghề.


Du lịch thân thiện với voi ở Vườn quốc gia Yok Don. Nguồn: Du lịch Yok Don
Ông James Sano (từ WWF-Mỹ) cho rằng toàn bộ ngành du lịch cần phải tham gia ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã. Trong đó, các hướng dẫn viên du lịch "đứng ở tuyến đầu", ngoài ra cả nhân viên lễ tân khách sạn hay các vị trí tiếp xúc trực tiếp với khách du lịch cũng đóng vai trò quan trọng. Các điểm du lịch hay cơ sở lưu trú đều phải sẵn sàng tài liệu truyền thông để mọi du khách hiểu về bảo tồn động vật hoang dã.

Theo bà Nguyễn Đào Ngọc Vân, ngành du lịch Việt Nam cần tham gia và ủng hộ các cam kết chống buôn bán trái pháp luật các loài hoang dã; thúc đẩy du lịch có trách nhiệm gắn với bảo vệ động, thực vật hoang dã. Cần nâng cao nhận thức cho cán bộ ngành du lịch, hướng dẫn viên, du khách về các vấn đề liên quan đến bảo vệ thiên nhiên và bảo tồn động vật hoang dã, trong đó các hướng dẫn viên sẽ trở thành đại sứ thiện chí về bảo vệ động vật hoang dã./.

theo vov.vn