Giải bài toán “khát” sân chơi cho trẻ em

09:26 20-07-2022

VOV.VN - Tình trạng thiếu sân chơi dành cho trẻ em ở Hà Nội đã tồn tại từ nhiều năm nay. Mỗi kỳ nghỉ hè, việc tìm không gian cho trẻ vui chơi an toàn cho trẻ em là bài toán khó của nhiều gia đình ở Hà Nội.

Thành phố Hà Nội hiện có 200 điểm vui chơi dành cho trẻ em. Tại 4 quận nội thành trung tâm như Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa có gần 30 vườn hoa, điểm vui chơi công cộng, nhưng cũng không đủ chỗ cho trẻ em đến vui chơi vào dịp lễ tết, đặc biệt là những ngày hè.

Điều đáng nói là nhiều sân chơi bị xuống cấp, trang thiết bị vui chơi ngoài trời bị hoen rỉ, gãy, cũ, tiềm ẩn nguy hiểm cho trẻ. Hơn nữa, các hạng mục vui chơi không được đầu tư, trở nên nhàm chán, không hấp dẫn các em nhỏ.

Tại các tòa chung cư đều có khu vực vui chơi công cộng khá rộng rãi nhưng không gian ấy lại bị người dân tận dụng buôn bán, kinh doanh, trông xe hoặc bị người lớn tuổi chiếm dụng để tập thể dục, yoga... Điều này khiến nhiều phụ huynh lo ngại khi đưa con em tới các địa điểm sân chơi công cộng ngoài trời bởi không an toàn.


Ngày hè cho con vui chơi ở đâu? Câu hỏi ấy là nỗi lo chung của nhiều người khi mà sân chơi cho trẻ em bị chiếm dụng và ngày càng bị bó hẹp.


Có sân chơi rộng rãi, thoáng mát cho trẻ nhỏ là ước muốn của nhiều bậc phụ huynh ở Hà Nội.
Có 2 con nhỏ năm nay 3 tuổi và 6 tuổi, chị Nguyễn Thu Hòa ở phường Trung Tự, quận Đống Đa cho biết, thời tiết mùa hè nóng nực, buổi chiều muốn cho con đi “hít khí trời” mà không biết đưa đi đâu. Cả ngày con phải ở nhà với bà giúp việc, chỉ quanh quẩn trong 4 bức tường, 2 anh em chơi với nhau và thi thoảng xem tivi. Chị muốn cho con ra công viên Đống Đa chơi nhưng lại cách nhà tới gần 2 km, vì các con còn nhỏ nên một mình chị đưa đi khá bất tiện.

Chỉ vào ngày cuối tuần, khi cả hai vợ chồng được nghỉ làm thì anh chị mới có thời gian đưa con đi chơi ở công viên xa nhà một chút. Chị Hòa mong muốn, chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư sân chơi cho trẻ em và mỗi kỳ nghỉ hè không còn là nỗi lo của các bậc cha mẹ khi hàng ngày không biết cho con đi chơi ở đâu.

Có cùng nỗi lo ấy nhưng mỗi gia đình lại có cách “tạo sân chơi” khác nhau cho con khi hè về. Do được nghỉ dài ngày, bố mẹ bận đi làm, nhiều gia đình đã chọn cách gửi con về quê nhờ ông bà nội, ngoại chăm sóc. Gia đình nào có điều kiện thì cho con tham gia trại hè quân đội, gửi con vào chùa tu tập hoặc thi thoảng tổ chức các chuyến du lịch dã ngoại vào ngày cuối tuần…

Giải bài toán “khát” sân chơi cho trẻ em

Để giải bài toán "khát" sân chơi cho trẻ, hiện, nhiều phường, quận trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đã quan tâm đến vấn đề này, tuy vậy, mật độ dân số đông và số lượng trẻ nhiều nên mới chỉ giải quyết được một phần nhỏ nhu cầu này.

Anh Ngô Minh Đức - Phó Bí thư đoàn thanh niên phường Phú Đô (Nam Từ Liêm) cho biết, hiện nay, phường có có 5 điểm vui chơi dành cho trẻ em nhưng chỉ có 1 điểm chơi có các thiết bị vui chơi như: cầu trượt, xích đu, còn lại các điểm khác là khu vui chơi công cộng, trẻ chỉ có thể chạy nhảy, đi xe đạp, đá bóng, chơi cầu lông…

Để đáp ứng nhu cầu vui chơi của trẻ nhỏ, đoàn phường đang tính tới phương án xã hội hóa để lắp đặt thêm đồ chơi, thiết bị vui chơi cho trẻ em, tổ chức các lớp sinh hoạt hè. Để thu hút sự tham gia của các em nhỏ, năm nay, đoàn phường còn tổ chức các lớp kỹ năng mềm, kỹ năng sống, mở thêm các lớp dạy nấu ăn cho trẻ em.


Đoàn phường Phúc Xá tổ chức "Sân chơi cuối tuần" cho các em nhỏ.
Anh Nguyễn Đăng Khoa - Bí thư đoàn phường Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, hiện, phường có hơn 1.000 trẻ em nhưng chỉ có 3 sân chơi được lắp đặt các thiết bị vui chơi cho trẻ, những nơi này mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu vui chơi của trẻ em. Nhiều khu vực khác phải tận dụng khoảng không gian, đất trống để làm chỗ vui chơi.

Một số sân chơi khác phải chờ nguồn xã hội hóa hoặc đầu tư công để lắp đặt thiết bị vui chơi cho trẻ, một số nơi người dân xung quanh không đồng ý cho lắp các thiết bị vì họ cho rằng không an toàn cho trẻ.

“Theo sự chỉ đạo của Trung ương, các cấp, các hội, chúng tôi tổ chức sân chơi cho trẻ em vào cuối tuần, đồng thời, phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức các câu lạc bộ nhóm, các môn võ, thể dục thể thao, cùng với đó, tuyên truyền về phòng chống đuối nước, kỹ năng sống cho trẻ em… Những hoạt động này thu hút khá nhiều trẻ em tham gia”, anh Nguyễn Đăng Khoa cho hay.


Mong rằng sẽ có thêm nhiều địa điểm vui chơi với điều kiện tốt được xây dựng cho các em nhỏ.
Trước thực trạng thiếu không gian vui chơi cho trẻ em, ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục chăm sóc và bảo vệ trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, hiện nay, nhiều sân chơi bị người lớn chiếm dụng nên trẻ em không thể tiếp cận được. Sân chơi ở phường thì biến thành điểm bán bia, tập dưỡng sinh của các cụ. Ngoài ra, sân chơi còn bị hàng quán, các điểm trông giữ xe, chợ cóc... lấn chiếm. Nhiều nơi sân chơi không đảm bảo an toàn cho các em như thiếu ánh sáng, quá gần đường giao thông mà không có rào chắn; sân chơi ở xa khu dân cư, dẫn đến nguy cơ mất an toàn, trẻ có thể bị quấy rối, bắt nạt, xâm hại...

Ông An cũng chỉ ra một thực tế, điểm vui chơi công cộng thiếu, không gian sinh hoạt cộng đồng không có, môi trường ngột ngạt dẫn tới thực trạng trẻ có xu hướng thụ động khi ngồi lì ở nhà xem tivi, chơi game, youtube... ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tâm thần. Nhiều nơi không có sân chơi, các em nhỏ phải trượt patanh, đá bóng trên vỉa hè, chơi dưới lòng đường dẫn đến tai nạn giao thông. Nếu ở ngoại thành thì các em thường tìm đến sông, suối, hồ bơi để tắm mát, dễ dẫn đến các tai nạn thương tích thương tâm.

“Để giải quyết vấn đề thiếu sân chơi cho trẻ em Hà Nội, để trẻ có được những ngày hè thật sự bổ ích, lãnh đạo địa phương phải thực hiện đúng chỉ thị số 03 của Thủ tướng trước đây, đó là toàn bộ các khu nhà dân dụng và các khu chung cư cao cấp phải để dành đất xây khu vui chơi giải trí cho trẻ em. Cần tổ chức các trò vui chơi giải trí bằng điều kiện sẵn có của địa phương như tập văn nghệ, hát, múa, cầu lông, thể thao, hướng dẫn trẻ cách tự bảo vệ mình, không bị thương tích, không bị thiếu hụt phát triển văn hóa tinh thần, dễ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và rối nhiễu tâm trí trẻ em”, ông Nguyễn Trọng An cho hay./.

theo vov.vn