Lấn chiếm hồ đập tràn lan tại Đắk Lắk: Vi phạm tràn lan, bom nước chực chờ

10:15 08-07-2022

VOV.VN - Nguy cơ mất an toàn hồ đập tại Đắk Lắk là rất đáng báo động khi có nhiều công trình đã xuống cấp, hư hỏng. Đáng lo hơn, khi tình trạng vi phạm các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước đang diễn ra phổ biến. Nhiều sai phạm dù đã được phát hiện nhưng không được ngăn chặn kịp thời.

Hồ thuỷ lợi Ea Tul 1, xã Băng Adrênh, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk được xây dựng từ những năm 1990 với dung tích thiết kế khoảng 350.000 m3 nước, cung cấp nước tưới cho hàng chục ha lúa và cây công nghiệp phía hạ nguồn. Điều khiến người dân trong vùng bức xúc nhiều năm qua là không rõ vì sao một hộ dân lại được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thửa đất nằm ngay sát với chân đập, trong phạm vi bảo vệ đập. Hộ dân này đã đào 2 cái ao ở sát chân đập, khiến cho hồ thuỷ lợi luôn rình rập nguy cơ vỡ đập, trở thành nỗi lo cho người vùng hạ nguồn mỗi khi mùa mưa về.

Một người dân sống ở cạnh hồ thuỷ lợi bức xúc: “Ai cho đào ao? Ai cấp đất để đào ao ngay chân đập đó? Nguyên tắc của luật đất đai, đê điều cũng không cho phép việc này. Anh nào cấp đất, anh nào làm trái pháp luật thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, vì cái này rất nguy hiểm cho dân sinh, diện tích rất lớn”.


Tình trạng vi phạm, lấn chiếm hồ đập tại Đắk Lắk khiến nhiều công trình thêm nguy cơ mất an toàn.
Ông Nguyễn Đức Phú, Giám đốc Chi nhánh huyện Krông Ana - Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk cho biết, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn hồ đập hiện đang diễn ra phức tạp tại hầu hết 15 công trình hồ đập do đơn vị quản lý. Có một số công trình, chính quyền địa phương đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân trong phạm vi bảo vệ đập. Từ đó dẫn đến những vi phạm nghiêm trọng, có nguy cơ làm vỡ đập. Đáng chú ý, nhiều vi phạm đã được báo cho chính quyền cơ sở nhưng thời gian dài không được xử lý dứt điểm dẫn đến các vi phạm ngày càng tăng và khó xử lý.

“Các công trình thuỷ lợi của chúng tôi trên địa bàn huyện thường hay bị xâm phạm. Chúng tôi cũng đã báo với chính quyền cấp xã và phối hợp với chính quyền cấp xã. Chưa xử lý nghiêm việc này cho nên chây ỳ một số công trình chưa trả lại mặt bằng. Là một đơn vị khai thác công trình nên về mặt pháp lý chúng tôi không thể cưỡng chế hay xử phạt”, ông Nguyễn Đức Phú nói.

Cũng trong tình trạng các công trình hộ đập bị lấn chiếm tràn lan là tại huyện Ea Kar. Ông Nguyễn Tiến Sỹ, Giám đốc chi nhánh huyện Ea Kar - Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk cho hay, những vi phạm chủ yếu xảy ra từ trước năm 2015, thời điểm các công trình hồ đập do chính quyền cấp xã, cấp huyện và các công ty cà phê, hợp tác xã quản lý. Công tác quản lý giai đoạn này có nhiều bất cập, dẫn đến nhiều thửa đất nằm ngay trên mái đập hoặc trong phạm vi lòng hồ nhưng vẫn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

“Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Mai Trọng Dũng xuống kiểm tra, cây bạch đàn họ trồng trên mái đập. Anh Dũng bảo tại sao các anh không xử lý, bây giờ chúng tôi mà cưa cây bạch đàn thì họ cưa luôn chân. Họ cấp bìa đỏ trên mái đập như thế này, đụng vào thì họ bảo bìa đỏ của tôi đây rồi, các anh không được đụng chạm”, ông Nguyễn Tiến Sỹ cho nói.


Hồ thuỷ lợi tại Đắk Lắk vốn đã có nhiều nguy cơ mất an toàn nay càng thêm nguy cơ khi vi phạm, lấn chiếm diễn ra tràn lan.
Ông Trịnh Quốc Bảo, Trưởng phòng quản lý công trình và cơ điện, Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk cho biết, trong hàng loạt trường hợp vi phạm, lấn chiếm mà đơn vị phát hiện, có những trường hợp đã được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Như những gì đã xảy ra tại huyện Krông Ana hay ở huyện Ea Kar, việc xử lý chậm chạp các hành vi lấn chiếm - xâm hại hành lang hồ đập, càng khiến các công trình thêm mất an toàn.

“Tình trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình vẫn đang diễn ra tương đối phức tạp, dưới nhiều hình thức. Cá biệt có những công trình chính quyền địa phương đã cấp sổ đỏ trong phạm vi công trình, như cấp trong lòng hồ hay cấp thẳng lên mái đập, hoặc sát chân đập. Điều đó vi phạm các quy định của Luật Thủy lợi, và các quy định khác liên quan. Muốn sửa chữa, nâng cấp hoặc tích nước thì người dân cản trở, xảy ra những tranh chấp”, ông Trịnh Quốc Bảo chia sẻ.

Hồ đập tại Đắk Lắk năng lực cung cấp nước vốn đã rất hạn chế, có nhiều nguy cơ mất an toàn do những bất cập trong công tác duy tu, sửa chữa, nâng cấp, nay lại càng thêm nguy cơ khi tình trạng vi phạm, lấn chiếm diễn ra tràn lan./

theo vov.vn