Mỹ và Pháp quản lý, giám sát mạng internet ra sao?

10:55 30-11-2022

VOV.VN - Trên thế giới, mỗi nước đều có hình thức và biện pháp quản lý mạng internet riêng nhằm đảm bảo công dân tham gia vào không gian mạng một cách an toàn, đồng thời giám sát và trừng phạt các cá nhân và tổ chức không tuân thủ việc bảo mật thông tin cá nhân…

Bảo vệ thông tin cá nhân, hướng dẫn công dân tham gia vào không gian mạng một cách an toàn, đồng thời giám sát và trừng phạt các cá nhân và tổ chức không tuân thủ việc bảo mật thông tin cá nhân… là những ưu tiên hành động lớn nhất Uỷ ban quốc gia về tin học và các quyền tự do - CNIL là cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong việc quản lý mạng internet tại Pháp.

Là một tổ chức được thành lập từ năm 1978, Uỷ ban quốc gia về tin học và các quyền tự do - CNIL của Pháp là một cơ quan hành chính độc lập hoạt động nhân danh nhà nước nhưng không đặt dưới thẩm quyền điều hành của nhà nước hay bất cứ bộ ngành nào.

CNIL có 18 thành viên, được chỉ định hoặc được bầu ra bởi hai viện của Quốc hội Pháp, bởi các cơ quan thực thi pháp luật như Toà đại hình, Thẩm kế viện hay các trường Đại học, Viện nghiên cứu. Mỗi thành viên của CNIL được giao phụ trách một lĩnh vực riêng và phạm vi giám sát, điều chỉnh của CNIL trải rộng trên tất cả mọi lĩnh vực chính của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị, tài chính, cho đến an ninh mạng, môi trường, văn hoá, thể thao, công nghệ…

Tại Pháp, CNIL là cơ quan có thẩm quyền cao nhất liên quan đến việc quản lý không gian trên mạng internet. Trong tôn chỉ hoạt động của mình, CNIL cho rằng mình có vai trò cảnh báo, tư vấn và thông tin đến tất cả công chúng nhưng đồng thời cũng có vai trò kiểm soát và trừng phạt các hành vi vi phạm.

Một ví dụ mới nhất cho quyền lực của CNIL là vụ việc diễn ra ngày 17/11 vừa qua, khi CNIL đưa ra án phạt lên tới 800.000 euro đối với Discord, một nền tảng tin nhắn thoại của một công ty Mỹ hiện có hơn 250 triệu người sử dụng, với lí do là Discord đã không tuân thủ đầy đủ Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GRPD) của Liên minh châu Âu. Đây là sự kiện minh chứng cho ưu tiên hoạt động cao nhất trong vài năm qua của CNIL là bảo vệ thông tin cá nhân, đặc biệt là thông tin của những người dùng là trẻ vị thành niên.


Các cơ quan quản lý internet Pháp ngày càng giám sát chặt các mạng xã hội lớn.
Xuất phát từ chính những báo cáo cũng như tư vấn của CNIL, hồi tháng 3/2022, Quốc hội Pháp đã thông qua một bộ luật về việc tăng cường sự giám sát của phụ huynh đối với việc tiếp cận internet của trẻ em. Theo các nghiên cứu của CNIL, khoảng 82% trong số các trẻ em từ 10 - 14 tuổi tại Pháp thường xuyên lên mạng internet mà không có sự giám sát của phụ huynh và nếu tính tất cả các lứa tuổi vị thành niên thì khoảng 70% trẻ vị thành niên thường xem các video trên mạng một mình.

Những con số này đã gióng lên hồi chuông báo động với các nhà quản lý mạng internet và những nhà giáo dục tại Pháp bởi ngày nay, với sự phát triển quá mạnh của các mạng xã hội, trẻ em rất dễ bị lôi cuốn vào các video hoặc các trang web có nội dung độc hại, không phù hợp với lứa tuổi.

Do đó, theo luật mới được Pháp đưa ra, tất cả các thiết bị hoặc các dịch vụ kết nối với internet tại Pháp đều phải có nghĩa vụ thiết lập các hệ thống giám sát của phụ huynh một cách đồng bộ và dễ tiếp cận, qua đó cho phép các phụ huynh kiểm soát tốt hơn thời gian lên mạng internet và nội dung mà trẻ em tiếp cận trên mạng. Về tổng thể, các cơ quan quản lý internet tại Pháp và châu Âu đang ngày càng siết chặt các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ thông tin cá nhân cũng như độ tuổi được phép đăng nhập vào một số mạng xã hội lớn trên thế giới.


** Trong khi đó, chính phủ Mỹ không trực tiếp quản lý Internet mà thông qua các đạo luật để trao quyền cho các Bộ ngành, các cơ quan liên bang được tiếp cận các nguồn thông tin mà không cần có lệnh của tòa án, đồng thời gây sức ép với các công ty cung cấp dịch vụ và các hãng công nghệ lớn để buộc họ hợp tác và cung cấp thông tin cần thiết. Ví dụ: Năm 2001, Tổng thống Mỹ George W. Bush thông qua đạo luật PATRIOT. Đạo luật này đã trao cho chính phủ các quyền lực mới để tiến hành giám sát điện tử đối với các nghi phạm khủng bố.

Một ví dụ khác đó là đến thời của Tổng thống Barrack Obama, đạo luật Chia sẻ thông tin an ninh mạng (CISA) được thông hành, cho phép các công ty, tập đoàn tư nhân chia sẻ thông tin lưu lượng truy cập Internet với chính phủ Mỹ, nhất là những thông tin liên quan đến an ninh mạng.

Internet nói chung và các nền tảng truyền thông xã hội nói riêng là nơi thường xuyên lan truyền tin giả về các vấn đề nghiêm trọng như Covid-19, vaccine, bầu cử và vô vàn thuyết âm mưu chính trị độc hại khác. Ở Mỹ, các hãng công nghệ lớn như Facebook, Twitter, Instagram và YouTube thường xuyên xóa các bài đăng vi phạm quy định trên nền tảng và việc xóa bài diễn ra gần như tự động, do trí tuệ nhân tạo (AI) quyết định.

Một khi truyền thông xã hội được sử dụng vào các mục đích lừa đảo, vi phạm pháp luật, đi ngược lại lợi ích chính đáng của cộng đồng, xã hội, đe dọa an ninh quốc gia sẽ gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Hiện nay việc phát hiện, ngăn chặn các hành vi tiêu cực, sai trái, thiếu văn hóa trên môi trường internet toàn cầu đang được tất cả các quốc gia đẩy mạnh và ở Mỹ cũng không phải là ngoại lệ. Từ thực tế đó có thể thấy rằng, Mỹ là một trong những quốc gia quản lý internet chặt chẽ nhất./.

theo vov.vn