“Phòng điều tra thân thiện” có gì khác biệt?

09:51 02-12-2022

VOV.VN - "Phòng điều tra thân thiện" giúp nạn nhân có không gian ổn định tâm lý, đặc biệt giúp cán bộ điều tra có thể nhìn thấy tường tận hành vi của đối tượng “yêu râu xanh” qua những lời thuật lại của các nạn nhân dù là nhỏ tuổi nhất.

Năm 2008, dưới sự tài trợ của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEP, Việt Nam xây dựng 10 mô hình “phòng điều tra thân thiện” tại 10 địa phương. Đến năm 2018, sau 10 năm triển khai thực hiện có nhiều mô hình xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu thực tế. Bộ Công an giao Cục Cảnh sát Hình sự đánh giá lại thực trạng hoạt động và mở rộng thêm 33 phòng nữa.

“Phòng điều tra thân thiện” mở ra nhằm phục vụ công tác điều tra, lấy lời khai người bị hại dưới 18 tuổi bị xâm hại hoặc các vụ việc có người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; phụ nữ, người dưới 18 tuổi bị bạo lực, bạo hành…

Trong không gian ấm cúng, thân thiện, mô hình này giúp đương sự ổn định tâm lý, cởi mở, chia sẻ và mô tả lại vụ việc được chính xác hơn, thoải mái hơn.

Để hiểu rõ hơn hoạt động của mô hình “phòng điều tra thân thiện”, phóng viên VOV phỏng vấn Thượng tá Phạm Mai Hiên, Phó trưởng phòng Phòng chống mua bán người, Cục Cảnh sát hình sự (C02), Bộ Công an.


Thượng tá Phạm Mai Hiên, Phó trưởng phòng Phòng chống mua bán người, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an.
Không gian ấm cúng, thân thiện

PV: Thời gian qua, Cục C02 đã chủ trì xây dựng mô hình “Phòng điều tra thân thiện”. Bà có thể cho biết những kết quả bước đầu?

Thượng tá Phạm Mai Hiên: Từ năm 2018 đến nay, thực hiện Quyết định 1863 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an đã xây dựng, vận hành 33 mô hình “Phòng điều tra thân thiện” để giải quyết các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi và xâm hại người dưới 18 tuổi. Nhìn lại chủ trương này, chúng tôi nhận thấy đây là một chủ trương rất bài bản, có tính khoa học, được lấy ý kiến từ cấp cơ sở. Từ khi đi vào vận hành “phòng điều tra thân thiện”, Việt Nam được cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Quỹ Nhi đồng quốc tế UNICEF rất quan tâm về công tác bảo vệ trẻ em và đánh giá cao.

“Phòng điều tra thân thiện” đặt tại Công an cấp tỉnh, thành phố với diện tích từ 12m2 đến 20m2, phù hợp, thuận tiện việc đi lại cho các đơn vị, không bố trí ở gần khu vực tiếp dân. Quá trình xây dựng mô hình “phòng điều tra thân thiện” có thiết kế, trang trí tương tự phòng làm việc, tạo tâm lý thoải mái, gần gũi giúp nạn nhân giảm bớt mặc cảm, lo sợ, nhất là nạn nhân dưới 18 tuổi trong các vụ xâm hại tình dục. Trang thiết bị có camera, máy ghi hình, máy ảnh kỹ thuật số, máy tính để bàn, đồng hồ treo tường, điều hòa nhiệt độ, ghế băng ngồi chờ, bộ mô hình (hình nộm cơ thể người con gái, con trai), tủ tài liệu, sách, truyện tranh, bộ dụng cụ y tế sơ cấp cứu ban đầu, cây xanh trang trí….

Khi lấy lời khai, điều tra viên phải mặc trang phục ngành nhưng với các vụ án liên quan trẻ em, cán bộ điều tra có thể vận dụng linh hoạt để mặc thường phục, tạo cảm giác gần gũi. Bên cạnh đó, cán bộ điều tra được tập huấn kỹ năng điều tra thân thiện, có kiến thức khoa học giáo dục đối với trẻ em, thời gian lấy lời khai không quá 2 tiếng/1 lần và 1 ngày không quá 2 lần theo quy định.

Việc lấy lời khai người dưới 18 tuổi còn có sự góp mặt của người giám hộ. Đối với người này, chúng tôi cũng bố trí băng ghế cho họ ngồi chờ ngay trong phòng, cách chỗ nạn nhân ngồi 2m giúp nạn nhân không bị chi phối bởi những người có liên quan.

Qúa trình vận hành mô hình “phòng điều tra thân thiện” theo quyết định của Bộ Công an, đa số các vụ việc tăng hiệu quả rất cao. Bởi, trong các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, nạn nhân thường rơi vào trạng thái hoảng loạn về tâm lý, không muốn nhắc lại những việc đã xảy ra với mình. Chính vì vậy, phòng điều tra thân thiện là không gian ấm cúng, có mô hình thay thế người thật khi mô tả lại sự việc, giảm bớt căng thẳng của nạn nhân khi làm việc.


Phòng điều tra thân thiện Công an tỉnh Đồng Tháp
PV: Vì sao chúng ta phải xây dựng mô hình “phòng điều tra thân thiện”?

Thượng tá Phạm Mai Hiên: Theo thống kê của Bộ Công an, mỗi năm cả nước xảy ra gần 2000 vụ xâm hại trẻ em. Trong đó, 80% là các vụ xâm hại tình dục trẻ em. Việt Nam không phải là quốc gia có tình trạng xâm hại trẻ em quá cao. Tuy nhiên, di chứng của các vụ xâm hại này để lại đều hết sức nặng nề.

Với mục đích cao nhất, bảo vệ quyền trẻ em, cũng như chăm sóc tốt nhất cho trẻ em, Bộ Công an cũng như các Bộ ngành, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đang nỗ lực ngày đêm, không biết mệt mỏi để bảo vệ trẻ em tốt nhất. Vì vậy, bên cạnh công tác phòng ngừa xã hội, chúng tôi xác định, cơ sở vật chất, mô hình “phòng điều tra thân thiện” là một trong yếu tố quyết định liên quan đến việc giải quyết các vụ việc xâm hại trẻ em có hiệu quả cao nhất, bảo vệ tốt nhất cho trẻ em.

Trẻ không còn cảm giác hoảng loạn khi mô tả hành vi “yêu râu xanh”

PV: Việc lấy lời khai của trẻ em bị xâm hại tại “phòng điều tra thân thiện” được thực hiện như thế nào và hiệu quả ra sao?

Thượng tá Phạm Mai Hiên: Thống kê số vụ thụ lý trong các mô hình “phòng điều tra thân thiện” tại các địa phương đạt tỷ lệ rất cao. Ví dụ, như tỉnh Lai Châu có trên 200 vụ, Kom Tun trên 100 vụ, Bình Thuận 70 vụ, Hà Nội có 65 vụ, Đồng Tháp có 64 vụ, TP.HCM có 61 vụ, và Gia Lai có 60 có vụ.

Tuy nhiên, hiện nay mô hình này mới đặt ở phòng Cảnh sát hình sự công an tỉnh. Do vậy, thời gian tới chúng tôi mong muốn, ngoài 63 phòng điều tra tại Công an tỉnh, sẽ tiếp tục được xã hội hóa, nhân rộng tại công an cấp huyện. Đặc biệt, tại các địa bàn trọng điểm xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em.

Tại lễ ra mắt mô hình “phòng điều tra thân thiện” ở Lai Châu, chúng tôi có tổ chức một buổi hội thảo quốc tế, trực tiếp ngồi quan sát một vụ lấy lời khai thân thiện trong vụ án xâm hại tình dục một bé gái 8 tuổi. Trong buổi lấy lời khai đó có cả chuyên gia nước ngoài, Tòa án, VKSND cấp tỉnh, Sở, ban ngành, các cơ quan bảo trợ xã hội cùng quan sát để lắng nghe cách thức điều tra viên lấy lời khai.

Tại đây, chúng tôi thấy có một số điểm ưu việt hơn. Khi vào phòng điều tra thân thiện, nạn nhân (cháu bé 8 tuổi) không có cảm giác hoảng loạn. Khi được bố mẹ dẫn vào phòng này, cháu bé vào luôn khu vui chơi trẻ em khoảng 30 phút. Điều tra viên và bố cháu bé rất kiên nhẫn chờ đợi. 30 phút sau, cô bé ra bàn ngồi, điều tra viên bắt đầu đặt câu hỏi.

Trong buổi làm việc đó, chúng tôi thấy cháu bé chia sẻ về câu chuyện xảy ra với mình rất tự nhiên, không còn cảm giác e sợ. Với những chỗ nhạy cảm trên cơ thể cháu được dùng hình ảnh có trong phòng để minh họa. Đối với bố cháu bé, khi ngồi băng ghế chờ rất yên tâm.


Hội thảo công tác điều tra thân thiện với trẻ em tại Công an tỉnh Lai Châu
PV: Để triển khai có hiệu quả, quy trình tập huấn cho điều tra viên diễn ra thế nào?

Thượng tá Phạm Mai Hiên: Chúng tôi nghĩ rằng, phòng điều tra thân thiện đã tốt rồi. Tuy nhiên, điều quyết định sự thành công của việc lấy lời khai, kỹ năng làm việc để tạo sự đồng cảm, chia sẻ của nạn nhân phải là cán bộ điều tra, điều tra viên. Đối với điều tra viên, ngay khi bắt đầu xây dựng và đưa vào chủ trương xây dựng vận hành “phòng điều tra thân thiện” chúng tôi đã tổ chức các buổi tập huấn cho điều tra viên và cán bộ điều tra kỹ năng làm việc thân thiện với nạn nhân, kỹ năng giải quyết tin báo tố giác tội phạm, cũng như kỹ năng tiếp xúc ban đầu đối với tin báo tố giác tội phạm như thế nào trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em.

Chúng tôi biên soạn 2 tài liệu tập huấn cấp phát cho cơ sở. Đồng thời, cấp phát 1400 chứng chỉ cho các điều tra viên về kỹ năng làm việc thân thiện với nạn nhân trong quá trình giải quyết vụ việc.

Trong thụ lý các vụ này, có thể nói là trên 2000 vụ việc/1 năm sẽ là quá áp lực, số lượng vụ việc quá nhiều. Do vậy, chúng tôi đặt ra mục tiêu, tổ chức tập huấn nhiều cho cán bộ cơ sở, để nhiều cán bộ điều tra, điều tra viên có kỹ năng làm việc sẽ giảm áp lực trong quá trình tiếp nhận và giải quyết vụ việc.

Ngoài tập huấn, theo tôi, cán bộ điều tra, điều tra viên cần tự mình nâng cao kiến thức và sự thấu cảm.

PV: Xin cảm ơn bà!./.

theo vov.vn