Thầy giáo phát hiện bất thường trong đề thi Sinh nói gì khi vụ án bị khởi tố?

09:46 14-06-2022

VOV.VN - Thầy Đinh Đức Hiền cho rằng, điểm của học sinh là điểm thật, nỗ lực của các em cũng là thật, các em cũng chỉ là “nạn nhân” của những sai phạm từ người lớn. Những người làm giáo dục cần phải lấy đó làm bài học “xương máu”.

Ngày 10/6, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ GD-ĐT. Đồng thời cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can đối với bà Phạm Thị My (SN 1963) và ông Bùi Văn Sâm (SN 1949), đều là cựu giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Được biết, bà Phạm Thị My là tổ trưởng tổ ra đề, còn ông Bùi Văn Sâm là thành viên tổ thẩm định đề môn Sinh học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.

Thầy Đinh Đức Hiền, người đầu tiên phát hiện những bất thường của đề thi Sinh học và gần 1 năm qua đấu tranh không ngừng nghỉ để đưa sự việc ra ánh sáng đã có trao đổi với VOV.VN về nội dung này.


PV: Là người đầu tiên phát hiện và đưa ra dư luận những bất thường ở đề thi Sinh học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, thầy có chia sẻ gì khi vụ việc đã được cơ quan công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Thầy đánh giá thế nào về sự vào cuộc của Bộ GD-ĐT trong vụ việc này?

Thầy Đinh Đức Hiền: Nhận được thông tin vụ việc được cơ quan công an khởi tố, tôi cảm thấy buồn vui lẫn lộn. Vui bởi sau thời gian dài, thông tin tôi đấu tranh vì sự công bằng của kỳ thi, của thí sinh cũng đã có kết quả và dần sáng tỏ. Tôi tin vào sự nghiêm minh của nhà nước và pháp luật. Song cũng không khỏi đau lòng khi những điều đáng tiếc xảy ra trong chính ngành giáo dục. Dù không muốn, nhưng cũng cần đối diện, nhìn thẳng vào những tồn tại để sửa chưa, khắc phục vì sự trong sạch của nền giáo dục nước nhà. Nếu chúng ta không đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong các kỳ thi thì mọi điều làm cho học trò đều sẽ vô nghĩa.


Thầy giáo Đinh Đức Hiền (Hà Nội), người phát hiện những bất thường trong đề thi môn Sinh học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. (Ảnh: KT)
Nói về sự vào cuộc của Bộ GD-ĐT, trong các thư phản hồi đến tôi từ phía Bộ GD-ĐT trong 1 năm qua thì thông tin tôi nhận được đều là đang xác minh làm rõ sự việc.

Cũng chính vì thế mà tôi đã đồng thời gửi đơn kiến nghị đến Bộ Công An và các Đại biểu Quốc hội. Sự việc này phức tạp, lại liên quan đến yếu tố con người nên cần rất thận trọng, thời gian xử lý sẽ không thể nhanh được. Mặc dù hơi muộn, nhưng Bộ GD-ĐT đã dũng cảm nhìn vào sự thật, những bất cập đang tồn tại để thay đổi, điều chỉnh mang đến một kì thi tốt nghiệp THPT 2022 minh bạch và công bằng.

PV: Thầy có thể chia sẻ cụ thể hơn về quá trình hơn 1 năm theo đuổi vụ việc để đưa ra ánh sáng?

Thầy Đinh Đức Hiền: Ngay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021 diễn ra, tôi nhận được phản ảnh của một số đồng nghiệp và học sinh về hiện tượng giống nhau giữa đề thi môn sinh và đề ôn tập của thầy Phan Khắc Nghệ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Tĩnh,. Đề ôn tập này được thầy Nghệ dạy ngay trước buổi thi chính thức 1 ngày, kèm theo đó là tài liệu đề, các video livestream trên Facebook thầy Nghệ.

Tôi tiến hành đối sánh sơ bộ các tài liệu của thầy Nghệ và đề thi chính thức, kết quả sự tương đồng rất cao, lên tới 32/40 câu hỏi. Ngày 13/7/2021 tôi đã gửi tâm thư đến email Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phản ánh vụ việc, mong muốn làm rõ sự trùng hợp này, tâm thư có đính kèm toàn bộ nội dung đối sánh, các tài liệu được sử dụng trong đối sánh. Cùng ngày, tôi đã nhận được phản hồi của nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh về việc đã nắm được thông tin và đang cùng cơ quan chức năng xác minh.

Tiếp đó, tôi có gửi email lại cho Bộ nhưng chỉ nhận được thông tin phản hồi đang xác minh. Đến tháng 11/2021, tôi gửi email cho Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và gửi tin nhắn đến một số đại biểu Quốc hội đề nghị chất vấn nội dung này tại kỳ họp Quốc hội thứ 2 khóa XV. Sau kỳ họp, Bộ trưởng Sơn có trả lời email nêu vẫn đang tiến hành xác minh sự việc, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có đủ căn cứ xác minh dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Ngày 22/9/2021 tôi đã gửi đơn kiến nghị tới Trung tướng Đặng Ngọc Tuyến, Cục trưởng Cục An ninh Chính trị nội bộ, Bộ Công An kiến nghị Cục trưởng xem xét, chỉ đạo cơ quan chức năng sớm khẩn trương làm rõ, yêu cầu Bộ GD-ĐT công khai trả lời trước công luận về vấn đề tôi đã gửi đến GD-ĐT, tuy nhiên tôi không nhận được hồi âm nào từ Bộ Công An.

Tiếp đó, tôi gửi kiến nghị đến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Pháp luật Quốc hội. Đến tháng 12/2021, tôi nhận thông tin từ báo chí phản ánh liên quan biên bản thẩm định của tổ chuyên gia về đề thi môn sinh 2021 với nội dung khẳng định nhiều bất thường trong đề thi và việc luyện thi môn sinh. Biên bản này có từ tháng 8/2021 nhưng không được Bộ GD-ĐT thông báo.

Tháng 1/2022, cục phó Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT có email nhờ đối sánh lại tài liệu thầy Nghệ với 4 mã đề duyệt chốt môn sinh tốt nghiệp THPT 2021 đợt 1. Sau khi tôi đối sánh theo các tiêu chí mà cục phó đưa ra, kết quả khá tương đồng với kết quả tổ chuyên gia trước đó.

Đến tháng 5/2022, tôi có buổi làm việc với Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an để cung cấp các thông tin liên quan. Ngoài ra, đến nay tôi chưa có buổi làm việc chính thức nào với phía Bộ GD-ĐT.

PV: Hiện nay vụ án đang được điều tra, làm rõ, nhưng nếu có những sai phạm trong quá trình xây dựng ngân hàng đề thi môn Sinh sẽ tác động rất lớn đến những thí sinh thi năm 2021, thầy nghĩ sao về vấn đề này?

Thầy Đinh Đức Hiền: Các thí sinh thi môn Sinh phần lớn có mục tiêu vào các trường Y, Dược, điểm chuẩn ngành này lại rất cao, chỉ tiêu ít nên sự chênh lệch chỉ 0,1 thôi cũng đã quyết định thí sinh đỗ hay trượt.

Năm 2021 đề thi môn Sinh được đánh giá là hay và khó, độ phân loại cao nhưng số điểm từ 9,5 trở lên đặc biệt là số điểm 10 tăng đột biến, gấp 4,5 lần 2020. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến điểm chuẩn từ đó ảnh hưởng đến hàng nghìn thí sinh.

Thực tế thì điểm của học sinh là điểm thật, nỗ lực của các em cũng là thật, các em cũng chỉ là “nạn nhân” của những sai phạm từ người lớn. Kết quả của năm 2021 chúng ta khó có thể thay đổi điều gì, những người làm giáo dục cần phải lấy đó làm bài học “xương máu”, không cho phép lặp lại sự việc tương tự, bởi vì chỉ cần chúng ta làm sai, thì sẽ có thể ảnh hưởng đến cả một thế hệ tương lai của đất nước.

PV: Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 đang đến gần, thông tin khởi tố vụ án, khởi tố bị can liên quan đến đề thi năm trước liệu có ảnh hưởng đến tâm lý học sinh, giáo viên không? Trong kỳ thi sắp tới cần làm gì để đảm bảo tính công bằng, minh bạch, thưa thầy?

Thầy Đinh Đức Hiền: Tôi tin rằng thông tin này sẽ mang đến tính tích cực cho kì thi THPT 2022, vừa là răn đe rất cao cho những sai phạm, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Từ đó đảm bảo kì thi THPT 2022 sẽ diễn ra công bằng và minh bạch hơn, lấy được niềm tin của giáo viên, phụ huynh, học sinh trên cả nước.

Bộ GD-ĐT với vai trò là cơ quan chủ quản chắc chắn sẽ có những điều chỉnh về mặt quy trình thi, ra đề thi, bảo mật đề thi và lựa chọn những con người công tâm, có chuyên môn, có đức tham gia làm thi. Thực tế, con người mới là vấn đề khó kiểm soát nhất, do đó không chỉ lựa chọn được người phù hợp mà cần có sự thay đổi thường xuyên giữa các năm, gắn trách nhiệm cụ thể vào từng cá nhân, điều đó sẽ đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh của kì thi.

PV: Xin cảm ơn thầy!/.

theo vov.vn