Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố cho ý kiến Định hướng nghiên cứu đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô

11:34 27-04-2023

HNP - Sáng 26/4, Tại Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khoá XVII, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn đã thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố trình bày Tờ trình “Về việc báo cáo Định hướng nghiên cứu đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065)”.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn trình bày Tờ trình định hướng nghiên cứu đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội

 

Theo đó, Ban Cán sự đảng UBND Thành phố đề nghị cho ý kiến về việc nghiên cứu điều chỉnh thời hạn của Đồ án quy hoạch là “Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065” để thống nhất với Khoản 3 Điều 25 Luật Quy hoạch đô thị 2009 (Thời hạn quy hoạch đối với quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương từ 20 đến 25 năm, tầm nhìn đến 50 năm) theo như đề nghị của Hội đồng thẩm định của Bộ Xây dựng; đồng thời, cho ý kiến về định hướng phát triển không gian đô thị trung tâm, các thành phố phía Bắc, phía Tây của Thủ đô; nghiên cứu định hướng các trục không gian của Thành phố; định hướng phát triển đô thị hai bên trục đường Vành đai 4; nghiên cứu định hướng Sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô Hà Nội tại khu vực phía Nam Thành phố...
 
Trong khi đó, Tờ trình về Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xin ý kiến về nhiều nội dung lớn, trong đó, nêu 4 nguyên tắc lập Quy hoạch; 4 tư tưởng, triết lý; 5 nhóm quan điểm phát triển Thủ đô với 20 quan điểm cụ thể, toàn diện trên các lĩnh vực; 3 phương án kịch bản phát triển và mục tiêu phát triển Thủ đô; 3 khâu đột phá (về thể chế, về phát triển hạ tầng, về nhân lực); 2 vùng động lực phát triển Thủ đô (tại khu vực Thành phố Bắc sông Hồng và tại khu vực Thành phố phía Tây); 8 phương hướng phát triển ngành, lĩnh vực; 7 phương án và 6 giải pháp thực hiện quy hoạch... 
 
12 vấn đề xin ý kiến về Luật Thủ đô (sửa đổi)
 
Đối với Luật Thủ đô (sửa đổi), Thành phố dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024). Ngày 2/3/2023, Thường trực Thành ủy và Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư Pháp để thống nhất một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; trong đó, đã giao Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố, trong thời gian chờ Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp chủ động triển khai nghiên cứu, tổ chức soạn thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để kịp tiến độ tiến hành các bước tiếp thu, hoàn thiện, thẩm định, thẩm tra theo quy định. 
 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn trình bày tờ trình tại Hội nghị
 
Trong báo cáo về Luật Thủ đô (sửa đổi), Ban Cán sự đảng UBND Thành phố đã trình xin ý kiến 12 vấn đề như mô hình thành phố thuộc Thủ đô; việc thành lập các cơ quan chuyên môn đặc thù cấp thành phố, cấp huyện; số lượng đại biểu chuyên trách HĐND Thành phố; quy định về người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có tư cách pháp nhân; quy định về công trình trọng điểm; quy định cụ thể các biện pháp về xây dựng lại chung cư cũ, cải tạo, chỉnh trang thiết kế đô thị; các quy định về thu hút đầu tư; mô hình đầu tư; cơ chế tài chính...
 
Trong khi đó, tờ trình về sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy khóa XVII nêu việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung 14 vấn đề tại 8 Điều. Cụ thể, Quy chế sửa đổi, bổ sung vẫn giữ nguyên kết cấu, bố cục các chương, điều; giữ nguyên những điều, những điểm, nội dung vẫn phù hợp; đồng thời, sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc lược bỏ các nội dung không cần thiết và bổ sung những nội dung mới để bảo đảm Quy chế phù hợp với các chủ trương, định hướng, quy định có liên quan của Đảng, Nhà nước và tình hình thực tiễn của Thành phố.
 
Đồng thời, việc điều chỉnh kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố nhằm kịp thời thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Theo tờ trình, Ban Thường vụ Thành ủy đề xuất Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố cho phép chuyển cuộc giám sát về công tác cán bộ thành cuộc kiểm tra về công tác cán bộ. 
 
Nội dung kiểm tra là “Kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/5/2021 của Thành ủy về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo”; Quy định số 07-QĐ/TU ngày 17/11/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố”; Quy định số 05-QĐ/TU ngày 16/8/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố” và công tác bảo vệ chính trị nội bộ”.
 
Sau khi nghe các báo cáo, các đại biểu đã chia thành 4 Tổ để thảo luận về các nội dung nêu trên. Chiều nay, hội nghị tiếp tục thảo luận tại tổ.

Theo hanoi.gov.vn