Bảo vệ bản sắc văn hóa là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

09:01 25-10-2024

HNP - Sáng 24/10, tại Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ ở Thủ đô Hà Nội hiện nay".

Bảo vệ bản sắc văn hóa là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng- Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội thảo

Chủ trì Hội thảo có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, TS. Nguyễn Văn Phong, PGS.TS Phạm Minh Anh, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đào Xuân Dũng.

Tham dự Hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học của các cơ quan Trung ương, thành phố Hà Nội, đại diện các ban Đảng thuộc Thành ủy, các sở, ban, ngành của Thành phố.

Bảo vệ bản sắc văn hóa là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Phạm Minh Anh, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong cho rằng, nếu như văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là sức mạnh nội sinh của đất nước, thì văn nghệ (với cái nghĩa được hiểu là văn học và nghệ thuật) là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân - thiện - mỹ của con người, là một trong những nguồn lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Bảo vệ bản sắc văn hóa là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng- Ảnh 2.

PGS.TS Phạm Minh Anh, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong phát biểu đề dẫn Hội thảo

Nhận thức sâu sắc điều đó, nên trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển văn hóa - văn nghệ theo hướng vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vừa bảo tồn cốt cách, bản sắc, truyền thống của dân tộc Việt Nam. Văn hóa - văn nghệ tác động trực tiếp đến quan điểm, nhận thức, tư tưởng, tình cảm và thẩm mỹ của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Do đó, cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chính là cuộc đấu tranh trong lĩnh vực văn hoá - văn nghệ.

Theo ông Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống quan điểm lệch lạc, sai trái, thù địch trong lĩnh vực văn học nghệ thuật là một bộ phận của hoạt động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong nội bộ. Bởi, văn học nghệ thuật là một bộ phận quan trọng của văn hóa, tác động trực tiếp đến quan điểm, nhận thức, tư tưởng, tình cảm và thẩm mỹ của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Trong bài tham luận tại Hội thảo, TS Lê Hải Minh, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh vai trò của văn nghệ sĩ trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Điều này được ông dẫn chứng trong câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bối cảnh quân và dân ta đang thực hiện đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp "Văn hóa, văn nghệ cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy". Đã có nhiều tác phẩm mạnh dạn lên án, vạch trần những tư tưởng, quan điểm sai trái, lệch lạc, những thói hư, tật xấu, tham nhũng, cửa quyền trong xã hội.

Bảo vệ bản sắc văn hóa là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng- Ảnh 3.

TS Lê Minh Hải, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tham luận tại Hội thảo

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả vai trò của văn nghệ sĩ trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, TS Lê Minh Hải cho rằng, cần có sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị; tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo động lực cho văn nghệ sĩ phát huy hết khả năng của mình, đồng thời xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, nơi mà những giá trị tư tưởng của Đảng được thấm nhuần, phát triển bền vững. Phát huy vai trò của văn nghệ sĩ trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ là nhiệm vụ của riêng họ mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội.

Phát huy "sức mạnh mềm" của văn hóa trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã ghi nhận đánh giá cao 35 bài tham luận gửi về và ý kiến phát biểu tại hội thảo. Qua đó, thể hiện nhận thức rất rõ về vai trò của phát triển văn hóa nghệ thuật trên địa bàn Thủ đô và phản bác những quan điểm sai trái, thù địch.

Bảo vệ bản sắc văn hóa là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng- Ảnh 4.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong kết luận tại Hội thảo

Những ý kiến tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học đã đặt ra những vấn đề mang tính lý luận giúp nhận diện được tầm quan trọng của văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thủ đô; sự kế thừa kho tàng di sản văn hóa đồ sộ của văn hóa Thăng Long - Hà Nội với chiều dài lịch sử hơn 1.000 năm.

"Chúng ta đang sống trong bối cảnh thời đại khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thời đại của sự nhân văn, dân chủ được đề cao hơn bao giờ hết. Vấn đề đặt ra là với kho tàng văn hóa nghệ thuật phong phú, đa dạng, quý giá như vậy, chúng ta phải tiếp tục tiếp thêm sinh lực để mạch nguồn văn hóa Thăng Long tiếp tục phát triển theo dòng chảy của đất nước và hòa cùng dòng chảy văn hóa nhân loại", Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Bảo vệ bản sắc văn hóa là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng- Ảnh 5.

Các đại biểu dự Hội thảo

Với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước, Hà Nội có vai trò, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Việc giữ gìn an ninh văn hóa song hành với giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Thành phố. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, đòi hỏi sự bền bỉ, linh hoạt, sáng tạo trong quá trình thực hiện.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng nhấn mạnh, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cần phải tiếp tục "xây". Song song với việc kế thừa truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến, Hà Nội cần phát huy "chiều sâu" văn hóa lịch sử Thăng Long – Hà Nội. Tạo thêm những hoạt động để văn hóa Hà Nội phát triển sinh động, hấp dẫn hơn. Đặc biệt là khơi dậy được niềm tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng của Thăng Long - Hà Nội, niềm tự hào của người dân Thủ đô đối với văn hóa của mình.

"Hà Nội là địa phương trong cả nước xây dựng một Nghị quyết riêng của Thành ủy (Nghị quyết 09-NQ/TU năm 2022 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025) với 8 nhóm nhiệm vụ riêng, có Chương trình, Đề án để đầu tư cho các đơn vị văn hóa của Thủ đô, cũng như tăng cường thiết chế văn hóa của Thủ đô,…", Phó Bí thư Thành ủy cho biết.

Bên cạnh đó, Thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với văn hoá - văn nghệ của Thủ đô; tăng cường cung cấp, chia sẻ thông tin với văn nghệ sĩ, lắng nghe những ý kiến đóng góp của văn nghệ sĩ với tinh thần cầu thị, thực chất.

Dịp Đại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô vừa qua đã được Thành phố tổ chức trên tinh thần người dân được tham gia rộng rãi và là chủ thể của Đại lễ. Cùng với đó, thông qua chuỗi sự kiện được tổ chức, Thành phố đã giới thiệu được văn hóa Hà Nội đang hòa cùng dòng chảy của văn minh nhân loại, thậm chí được làm phong phú hơn.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, Thành phố cũng sẽ chú trọng giảng dạy văn hóa trong học đường, thông qua hình thức sân khấu hóa các bài học; trang bị thêm kiến thức, bồi đắp niềm tự hào về truyền thống văn hóa cho các em học sinh, sinh viên, tạo nền tảng văn hóa cho các em tự tin bước ra giao lưu với thế giới.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, văn hóa của mỗi con người có thể được coi như "mã số định danh" của mỗi quốc gia, mỗi con người trong quá trình hội nhập quốc tế, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng cho rằng, việc đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong lĩnh vực văn hóa - văn nghệ phải là vấn đề tự thân, tự nguyện đến từ trong ý thức của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Để làm được điều này, mỗi tập thể, cá nhân cần làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình; khi gặp khó khăn, vướng mắc cần có sự chia sẻ, giúp đỡ, phối hợp giữa các đơn vị để có thể chủ động, linh hoạt và làm tốt nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong lĩnh vực văn hóa.

Theo hanoi.gov.vn