"Cần trao quyền tự chủ cho các trường ĐH công lập về thu học phí, lệ phí"

09:41 05-08-2022

VOV.VN -PGS.TS Nguyễn Hoàng: Cần đổi mới chính sách học phí theo nguyên tắc chia sẻ chi phí với xã hội, trong đó các trường đại học đóng vai trò là nhà cung cấp dịch vụ. Vì vậy, Nhà nước cần trao quyền tự chủ cho các trường đại học công lập về mức thu, trước hết là thu học phí, lệ phí.

Tự chủ đại học đang là xu thế tất yếu của ngành giáo dục, song quá trình thực hiện vẫn gặp không ít vướng mắc trong quá trình triển khai. Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng, Hiệu trưởng ĐH Thương Mại, hiện nay tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục hàng năm của Việt Nam ở mức xấp xỉ 20%, tương đương trên 5% GDP. Đây là mức đầu tư tương đối cao so với nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước có trình độ phát triển kinh tế cao hơn Việt Nam rất nhiều. Tuy nhiên, chi ngân sách nhà nước cho giáo dục chủ yếu dành cho hệ thống GDPT, chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học lại đang ở mức thấp hơn nhiều so với các nước.


PGS.TS Nguyễn Hoàng, Hiệu trưởng Trường ĐH Thương Mại.
Đầu tư theo hướng bình quân, không gắn với kết quả đào tạo

PGS.TS Nguyễn Hoàng cũng chỉ ra rằng, định mức phân bổ ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học còn mang tính bình quân, chưa tính đến đặc điểm của từng ngành đào tạo. Điều này tạo ra sự không công bằng trong phân bổ ngân sách, đặc biệt đối với các trường có chi phí đào tạo đơn vị cao.
“Điều này dẫn đến tình trạng các trường tập trung đào tạo các ngành có chi phí đơn vị thấp không chú trọng đến nhu cầu thực tế của xã hội và của nền kinh tế. Nhà nước chưa phát huy được việc sử dụng ngân sách như một công cụ điều chỉnh kinh tế vĩ mô trong nền kinh tế thị trường theo hướng ưu tiên các ngành nghề đào tạo xã hội có nhu cầu cao, cắt giảm mức hỗ trợ đào tạo đối với các ngành nghề xã hội đã có đủ, hoặc đang dư thừa”, PGS.TS Nguyễn Hoàng nêu rõ.

Nói thêm về vấn đề đầu tư tài chính cho giáo dục đại học công, theo Hiệu trưởng ĐH Thương Mại, hiện vẫn đang tồn tại nhiều bất cập như có quá nhiều cơ quan nhà nước cùng nắm quyền phân bổ ngân sách làm cho nguồn lực công bị phân tán và sự phối hợp thực hiện các chương trình, mục tiêu chiến lược ưu tiên gặp khó khăn. Mặt khác, các cơ quan này đồng thời thực hiện cả 2 chức năng quản lý nhà nước và quản lý điều hành tác nghiệp dẫn đến quyết định phân bổ ngân sách phải qua nhiều tầng nấc, làm giảm đi tính minh bạch và hiệu quả. Vì vậy, việc phân bổ ngân sách cho các trường đại học vẫn mang nặng cơ chế “xin, cho”. Các trường đại học hầu như chưa có tiếng nói trong quá trình phân bổ hay thảo luận ngân sách.

Việc phân bổ kinh phí từ ngân sách nhà nước đang được thực hiện một cách bình quân, không gắn với kết quả đào tạo, số lượng, chất lượng học sinh đào tạo, tính năng động, hiệu quả trong tổ chức hoạt động của các cơ sở đào tạo nên không tạo động lực cạnh tranh nâng cao chất lượng đào tạo giữa các trường đại học công lập.


Việc đầu tư ngân sách cho các cơ sở giáo dục chưa gắn với chất lượng đào tạo và nhu cầu xã hội. (Ảnh minh họa)
“Việc duy trì mức học phí thấp dưới mức chi phí đào tạo, dẫn đến Nhà nước hỗ trợ mang tính chất bình quân đối với tất cả các đối tượng học sinh, sinh viên trong các cơ sở đào tạo công lập, không có sự phân biệt giữa học sinh gia đình nghèo, có thu nhập thấp với học sinh gia đình trung lưu có thu nhập cao. Trong khi đó thực tế cho thấy tỷ lệ sinh viên của các gia đình trung lưu có thu nhập cao, chiếm tỷ trọng không nhỏ trong các cơ sở giáo dục đại học. Điều này dẫn đến một thực tế là chính sách học phí thấp đang trợ cấp ngược cho người giàu”, PGS.TS Nguyễn Hoàng lo ngại.

Đảm bảo tính minh bạch khi tiếp cận nguồn vốn công

Từ những thực tế trên, PGS Nguyễn Hoàng khuyến nghị, Chính phủ cần hoàn thiện khung pháp lý quy định cơ chế, tiêu chí và định mức phân bổ, đảm bảo tính minh bạch và công bằng cho tất cả các cơ sở giáo dục trong việc tiếp cận nguồn vốn công.

Nguồn tài trợ công cần được mở rộng cho các cơ sở ngoài công lập dựa trên những cân nhắc giữa công và phi lợi nhuận. Phân bổ ngân sách công theo hình thức "trọn gói" cần được áp dụng rộng rãi để các trường đại học linh hoạt và chủ động hơn trong việc lập kế hoạch cấp cơ sở, quyết định cách thức chi tiêu, lựa chọn ưu tiên phát triển, phân bổ lại nguồn vốn nội bộ và tiết kiệm trong đào tạo, nghiên cứu thậm chí cả xây dựng cơ bản.

Đặc biệt, PGS.TS Nguyễn Hoàng cũng nhấn mạnh, bên cạnh các tổ chức kiểm định của nhà nước, cần có những tổ chức kiểm định độc lập nhằm tiến hành đánh giá một cách khách quan, minh bạch về chất lượng đào tạo. Nhà nước cũng cần xây dựng khuôn khổ pháp lý đảm bảo cho sự chi tiêu và giải ngân linh hoạt, cho phép điều chuyển ngân sách hợp lý và sự tự quyết định về đa dạng nguồn thu nhập để tăng khả năng ứng phó nhờ sử dụng nguồn lực sáng tạo của một trường đại học. Tăng cường kiểm toán tài chính nhà nước và khuyến khích kiểm toán độc lập đối với các trường đại học. Nâng cao trách nhiệm pháp lý trong hoạt động tự kiểm soát tài chính cấp trường cũng như phát huy vai trò kiểm soát nội bộ của hội đồng trường. Quy định chặt chẽ chế độ báo cáo thường niên, báo cáo định kỳ về các chỉ tiêu tài chính cũng như chỉ số hoạt động và đầu ra của một trường đại học trong trường hợp thực hiện phân bổ tài trợ công theo hình thức “khoán” hay “cả gói”.

Song song với phương thức tài trợ trực tiếp, Hiệu trưởng ĐH Thương Mại cho rằng cần áp dụng hình thức tài trợ gián tiếp cho các trường đại học bằng cách cấp học bổng hoặc "ngân phiếu" trực tiếp cho những người đủ tiêu chuẩn học đại học và tài trợ trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu cho những người có nhu cầu sử dụng kết quả nghiên cứu. Sau đó, để có kinh phí hoạt động, các trường đại học phải thu hút các đối tượng này thông qua nâng cao chất lượng dịch vụ đào tạo và nghiên cứu. Cách làm này đề cao trách nhiệm xã hội của trường đại học và rất phù hợp với cơ chế thị trường. Đặc biệt, nó không chỉ mở rộng sự lựa chọn chủ động cho đối tượng mục tiêu mà còn giảm sự phụ thuộc của trường đại học vào cơ quan phân bổ

Xu hướng chung của nguồn tài trợ cho các trường đại học của các nước trên thế giới là giảm dần sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, do đó, cần xây dựng chính sách và khuôn khổ pháp lý phù hợp để các trường đại học tìm kiếm và mở rộng các nguồn thu khác. Cơ chế đặt hàng cần được áp dụng trong việc tài trợ cho các chương trình đào tạo và hoạt động nghiên cứu là những ngành hoặc lĩnh vực ưu tiên quan trọng.

Đặc biệt, PGS.TS Nguyễn Hoàng nhấn mạnh, cần đổi mới chính sách học phí theo nguyên tắc chia sẻ chi phí với xã hội, trong đó các trường đại học đóng vai trò là nhà cung cấp dịch vụ. Vì vậy, Nhà nước cần trao quyền tự chủ cho các trường đại học công lập về mức thu, trước hết là thu học phí, lệ phí. Các cơ sở giáo dục đại học công lập được phép tính đủ chi phí tiền lương và chi phí hoạt động thường xuyên trong giá dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở khung giá do Nhà nước quy định, chi phí khấu hao tài sản cố định trong học phí của cơ sở giáo dục đại học công lập, đảm bảo nguyên tắc lấy thu đủ bù đắp chi phí đào tạo trong học phí. Tuy nhiên, kèm theo cơ chế này cần có chính sách hỗ trợ đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số, người ở vùng sâu, vùng xa về mức học phí… tạo điều kiện cho mọi người đều được tiếp cận giáo dục đại học./.

theo vov.vn