Chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)
10:25 12-09-2023
HNP - Sau một thời gian lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức và Nhân dân, hiện nay, thành phố Hà Nội đang tiếp thu ý kiến thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến, tại kỳ họp chuyên đề tháng 9/2023. Dự kiến, việc xây dựng dự án Luật được trình Quốc hội, tại kỳ họp thứ 6, vào tháng 10/2023 và xem xét, thông qua dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), tại Kỳ họp thứ 7 (Tháng 5/2024).
Luật Thủ đô (sửa đổi) phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo
Lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xây dựng, hoàn thiện dự án Luật
Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 05/5/2022, của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, trong đó, xác định việc: "Đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững" là nhiệm vụ quan trọng của nhiệm kỳ 2020-2025, Thành ủy Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Từ năm 2021, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND Thành phố chủ động triển khai việc tổng hợp thi hành Luật Thủ đô năm 2012 và phối hợp với Bộ Tư pháp lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Thành phố đã xây dựng Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thủ đô để đánh giá toàn diện tình hình tổ chức thi hành Luật Thủ đô, những khó khăn, vướng mắc về thực tiễn và những tồn tại, hạn chế về thể chế, pháp luật trong tổ chức thi hành Luật. Từ đó, báo cáo cũng đã đề xuất 16 nội dung trên các lĩnh vực để đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô với nhiều giải pháp, chính sách có tính chất đặc thù, đột phá, tạo thể chế thuận lợi cho việc xây dựng, phát triển Thủ đô, từ đó, xây dựng thành 9 chính sách lớn để lập đề nghị xây dựng Luật.
Ngay sau khi trình Chính phủ, UBND Thành phố và Bộ Tư pháp đã chủ động bắt tay vào công tác xây dựng dự thảo Luật. Bộ Tư pháp đã chủ động thành lập tổ công tác nghiên cứu, soạn thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và ban hành Kế hoạch tổ chức nghiên cứu, xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); Tổ nghiên cứu, soạn thảo Luật đã xây dựng sơ bộ dự thảo Luật để bước đầu thể chế hóa các chính sách được phê duyệt.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Bộ Tư pháp và UBND Thành phố tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xây dựng, hoàn thiện dự án Luật: Đăng tải hồ sơ dự án Luật trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Tư pháp, Cổng Thông tin điện tử UBND thành phố Hà Nội; gửi lấy ý kiến bằng văn bản của các bộ, ngành, địa phương và cơ quan, tổ chức liên quan. Các ý kiến đóng góp đã được Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội đồng thẩm định dự án Luật ngày 14/8/2023. Trên cơ sở ý kiến thẩm định, Bộ Tư pháp đã chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật và các tài liệu kèm theo để trình Chính phủ. Thường trực Chính phủ đã họp cho ý kiến về Dự án Luật, ngày 22/8/2023. Tại Phiên họp thường kỳ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 (ngày 24/8/2023), Chính phủ đã xem xét, thông qua dự án Luật để trình Quốc hội.
Phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo
Nhiệm vụ xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Thành phố, nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập trong xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô thời gian qua, những điểm hạn chế, không phù hợp của Luật Thủ đô năm 2012; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, đi trước, mở đường, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội.
Với mục tiêu đó, Luật Thủ đô được xây dựng theo quan điểm: Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô; quy định các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho Thủ đô phải bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013.
Luật Thủ đô cần được đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật, không phải là đạo luật thay thế toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành để áp dụng riêng cho Thủ đô. Bám sát 9 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa vào dự thảo Luật các cơ chế, chính sách cụ thể, thực sự mang tính đặc thù vượt trội và đột phá về thể chế nhằm phát huy thế mạnh của Thủ đô.
Đồng thời với việc phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, cần quy định tương ứng trách nhiệm của Hà Nội, cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền Thành phố.
So với Luật Thủ đô năm 2012, dự thảo Luật được bổ sung mới, toàn diện rất nhiều nội dung mới như: Tổ chức chính quyền Thủ đô, các quy định về thẩm quyền đầu tư, ưu đãi, thu hút đầu tư, cơ chế đầu tư phát triển đô thị theo định hướng giao thông TOD, về phát triển nông nghiệp, nông thôn; về phát triển y tế; về an sinh xã hội. Đồng thời, đối với những nội dung đã quy định trong Luật Thủ đô năm 2012, tại dự thảo Luật lần này cũng được sửa đổi, bổ sung toàn diện như: các quy định về tài chính - ngân sách, quy hoạch, xây dựng, chỉnh trang đô thị, phát triển văn hóa, giáo dục đào tạo, xử lý vi phạm hành chính, nâng cấp một chương riêng về liên kết, phát triển Vùng Thủ đô....
Các quy định được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô đối với hoạt động quản lý điều hành các mặt của đời sống kinh tế xã hội của Thủ đô. Đặc biệt, bổ sung nguyên tắc ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô nhằm giúp cho Luật giữ được hiệu lực áp dụng trong trường hợp các luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau có quy định khác với Luật Thủ đô.
Ngay sau khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp chuyên đề, vào tháng 9/2023, thành phố Hà Nội sẽ tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (Tháng 10/2023). Nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) giữa 02 kỳ họp Quốc hội; xây dựng dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) (từ tháng 10/2023-5/2024) và trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7 (Tháng 5/2024).
Theo hanoi.gov.vn