Đẩy mạnh chuyển đổi số, mạnh dạn thử nghiệm các chính sách mới để phát huy tiềm năng văn hóa
09:24 07-11-2024
HNP - Sáng 6/11, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước".
Dự Hội nghị, về phía Trung ương có Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông; đại diện các Ban, ngành Trung ương; các tổ chức quốc tế.
Về phía thành phố Hà Nội có: Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện Thành phố.
Xây dựng văn hóa gắn với phát triển kinh tế, đồng bộ, bền vững
Trong 10 năm qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW trên địa bàn Thành phố đã tạo sự chuyển biến tích cực với nhiều kết quả nổi bật.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai được thực hiện nhất quán từ Thành phố tới cơ sở gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị các cấp, xây dựng đội ngũ làm công tác văn hóa, tăng cường nguồn lực cho văn hóa.
Đáng chú ý, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo cụ thể hóa việc phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh được dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ. Từ năm 2014 đến nay, Thành phố đã vinh danh 138 Công dân Thủ đô ưu tú; biểu dương 4.593 Người tốt việc tốt và tặng danh hiệu Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô cho nhiều cá nhân.
Toàn Thành phố có 23 trường chất lượng cao, trong đó, có 17 trường công lập và 06 trường ngoài công lập. Từ năm 2014 đến năm 2023, thể thao Hà Nội liên tiếp đứng vị trí số một trong tổng số 65 đoàn thể thao đến từ 63 tỉnh, thành phố tham dự Đại hội.
Hà Nội cũng xác định xây dựng văn hóa phải gắn với phát triển kinh tế, phát triển đồng bộ, đảm bảo sự phát triển bền vững cho Thủ đô. Trong đó, điểm nhấn là việc ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26/6/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy "Về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo". Nhờ đó, trong những năm qua, Hà Nội liên tiếp góp mặt trong nhiều cuộc bình chọn về điểm đến được yêu thích nhất trên thế giới.
Để tạo đà cho phát triển văn hóa theo hướng bền vững, năm 2019, Hà Nội trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước trở thành thành viên Mạng lưới các "Thành phố sáng tạo" của UNESCO. Song song với phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng "Thành phố sáng tạo", Thành phố quan tâm đầu tư xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa Thủ đô. Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa và đăng cai các sự kiện văn hóa quốc tế lớn thành công, gây được tiếng vang lớn trong nước và quốc tế đặc biệt là "Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội" năm 2022, 2023.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tiếp tục được quan tâm. Thành phố đã dành 14.029 tỷ đồng để thực hiện 579 dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng. Nguồn thu từ hoạt động thăm quan di tích tăng lên gấp 10 lần so với năm 2008 (đạt 90 tỷ đồng năm 2023; 09 tỷ đồng năm 2008). Đặc biệt, sau khi Nghị quyết 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa được ban hành, Thành phố đã có thêm nhiều sản phẩm văn hóa tiêu biểu, sáng tạo, đặc sắc, thúc đẩy du lịch phát triển.
Hà Nội cũng là đơn vị đi đầu trong cả nước tiến hành tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể góp phần làm rõ hơn bản sắc văn hóa Thủ đô nghìn năm văn hiến (năm 2016). Toàn Thành phố hiện có 5 di sản được UNESCO ghi danh ở nhiều nội dung; 26 di sản trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Hà Nội có 18 Nghệ nhân Nhân dân và 113 Nghệ nhân Ưu tú. Hà Nội cũng là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng các di sản văn hóa với 1.793 di sản văn hóa phi vật thể và 5.922 di tích văn hóa phi vật thể.
Công tác tu bổ di tích được Thành phố quan tâm, chỉ đạo hàng năm. Nhiều công trình văn hóa lớn, trọng điểm đã được đầu tư. Đến năm 2023, Thành phố có 383 công trình, điểm sinh hoạt văn hóa thể thao. Toàn Thành phố hiện có 4.277 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng của thôn, tổ dân phố, đạt tỷ lệ 79,3%.
Tham luận tại Hội nghị, các đại biểu đã làm rõ thêm các nội dung về "Đổi mới tư duy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững Thủ đô"; "Vai trò xung kích của Đoàn Thanh niên trong thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh"; "Giải pháp xây dựng mô hình hệ sinh thái học tập sáng tạo ở các cấp học trên địa bàn thành phố Hà Nội"; "Phát triển các chương trình du lịch trải nghiệm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò góp phần đưa lịch sử đến gần người dân Thủ đô"; "Bảo tàng sinh thái Bát Tràng: Từ ý tưởng sáng tạo đến hiện thực hóa việc phát huy giá trị làng nghề truyền thống đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô".
Kiên trì, bền bỉ trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định văn hóa Thủ đô đóng góp vai trò quan trọng, không chỉ trực tiếp mà thực sự, theo thời gian, nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng, ý nghĩa của văn hóa và phát triển con người của Hà Nội ngày càng sâu sắc, toàn diện, cập nhật xu thế phát triển của Thế giới.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh 3 điểm nổi bật trong 10 năm Thành phố đã đạt được, đó là: Nhận thức về phát huy văn hóa trong xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô đã được lãnh đạo Thành phố luôn quan tâm trong suốt 70 năm qua, đặc biệt, trong 40 năm đổi mới, trải qua 8 kỳ Đại hội liên tiếp, Thành ủy luôn có chương trình, kế hoạch về phát triển văn hóa và xây dựng con người Hà Nội bên cạnh chương trình về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị - điều đó chứng tỏ sự kiên trì, bền bỉ trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển về văn hóa, xây dựng con người Hà Nội trong nhiều nhiệm kỳ.
Khi có Nghị quyết 33-NQ/TW, Hà Nội đã triển khai nghiêm túc, vận dụng sáng tạo trên tinh thần trách nhiệm vai trò, trách nhiệm của Thủ đô. Không chỉ thực hiện nghiêm, Thành phố còn rất sáng tạo, bám sát yêu cầu tình hình thực tiễn của Thủ đô, từ đó, đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, quyết sách, như: ban hành 2 bộ tiêu chí góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; Hà Nội là địa phương mạnh dạn đưa môn giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh của người Hà Nội vào hệ thống giáo dục phổ thông, đưa giáo dục địa phương, trong đó có nội dung Hà Nội học vào các nhà trường, đưa thí điểm sân khấu vào học đường để giáo dục học sinh. Hà Nội cũng là là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22/02/2022 về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Từ khi ban hành đến nay, lĩnh vực công nghiệp văn hóa đã xác định đúng, trúng các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô.
"Chưa bao giờ Hà Nội có đầy đủ, đồng bộ và có những quan điểm cụ thể, sâu sắc, tầm nhìn dài hạn cho Thủ đô như hiện nay", Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Khẳng định những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW rất cụ thể, qua đó, giúp Hà Nội tự hào, tự tin trong xác định những vấn đề lớn trong giai đoạn tiếp theo của Thủ đô, những nội dung này đang được khởi thảo, cập nhật, cho ý kiến trong Dự thảo Văn kiện đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII sắp tới.
Tuy nhiên, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng chỉ ra, mặc dù chúng ta đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng những kết quả đó không đều giữa các địa phương, nguyên nhân do nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là các đồng chí đứng đầu về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của mỗi địa phương, đơn vị.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao, các sở, Ban cán sự Đảng UBND Thành phố quan tâm lãnh đạo để sớm cụ thể hóa Luật Thủ đô trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, bổ sung quan điểm, tư tưởng, định hướng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người, trên cơ sở những kết quả đã đạt được của các cơ quan, đơn vị, địa phương, để các quận, huyện, thị xã, các ngành cập nhật quy hoạch, để tiến tới khi 2 Quy hoạch được phê duyệt sẽ triển khai đồng bộ.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, phải liên thông, tích hợp thành hệ thống.
Lưu ý đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, quản lý văn hóa một cách chuyên nghiệp còn thiếu, hạn chế, do đó, bỏ lỡ nhiều cơ hội, không khích lệ được sự sáng tạo trong xã hội. Do đó, đồng chí yêu cầu phải quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa.
Ngoài ra, phải đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm các chính sách mới liên quan đến vấn đề văn hóa để phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh, nhất là đầu tư công, quản trị tư, nhượng quyền, liên kết...
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đây vừa là lợi thế của Hà Nội đồng thời cũng là trách nhiệm của Hà Nội với cả nước. Do đó, phải quan tâm, đầu tư thích đáng cho nội dung này, tăng cường giao lưu, học hỏi với các địa phương trong và ngoài nước.
Tại Hội nghị, Ban tổ chức đã khen thưởng nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước".
Theo hanoi.gov.vn