Giao thông Thủ đô sau 15 năm hợp nhất: Phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất
09:57 28-07-2023
HNP - Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, lĩnh vực giao thông vận tải đã đạt được những thành tựu đáng kể cả về lượng và chất, tăng cường kết nối giao thông Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô. Đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô.
Với sự xuất hiện của đường sắt đô thị, Hà Nội đã hình thành mạng lưới vận tải hành khách công cộng đa phương thức
Hình thành mạng lưới đa phương thức
Trước khi điều chỉnh địa giới hành chính, cả tỉnh Hà Tây cũ chỉ có 6 tuyến buýt không trợ giá với 80 xe, 16 nhà chờ và 166 điểm dừng đỗ đón, trả khách. Toàn bộ 16/16 huyện và thị xã, 350/350 xã (tỷ lệ 100%) chưa có dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có trợ giá.
Cũng ở thời điểm đó, thành phố Hà Nội đã có 60 tuyến buýt và 2 tuyến buýt kế cận kết nối các tỉnh lân cận với tổng cộng 940 xe. Trong số này có 910 xe buýt trợ giá và 30 xe buýt không trợ giá. Cùng với đó là 292 nhà chờ, 1.170 điểm dừng đỗ, 52 điểm đầu cuối tuyến và 2 điểm trung chuyển hành khách. Mạng lưới buýt có trợ giá của thành phố đã tiếp cận phục vụ 14/14 quận, huyện (đạt tỷ lệ 100%); 182/229 xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 79,5%).
Ngay sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, thành phố Hà Nội đã khẩn trương điều chỉnh hợp lý hóa luồng tuyến nhằm mở rộng vùng phục vụ. Hàng loạt tuyến buýt được mở mới hoặc kéo dài đến các khu vực thuộc các huyện Mê Linh, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì và thị xã Sơn Tây... Chỉ sau một thời gian ngắn, các tuyến xe buýt mới mở ra các huyện ngoại thành đã hoạt động ổn định, sản lượng hành khách tăng dần. Không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân, các tuyến xe buýt ngoại thành còn góp phần quan trọng hạn chế áp lực cho giao thông nội đô.
Điển hình về hiệu quả trong số các tuyến được mở mới phải kể tới tuyến số 103 (Bến xe Mỹ Đình - Hương Sơn) do Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) mở vào tháng 7-2017 với điểm cuối đặt tại Khu di tích danh thắng chùa Hương của huyện Mỹ Đức. Tính đến ngày 16/12/2017, tức là chỉ sau khoảng 4 tháng hoạt động, tuyến 103 có khách vé lượt bình quân đạt trên 30 khách/lượt xe, khá cao so với các tuyến buýt truyền thống khác. Cũng được mở mới vào tháng 7-2017 là tuyến 101 (Bến xe Giáp Bát - Vân Đình) có khách vé lượt bình quân 20 khách/lượt xe (ở thời điểm đó, lượng khách vé lượt bình quân toàn mạng chỉ đạt 15,2 khách/lượt xe).
Bà Nguyễn Thị Loan (trú tại thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai) chia sẻ: “Tuyến buýt 103 chạy qua cửa nhà, rất tiện lợi nên tuần nào tôi cũng đi xe buýt ra thăm gia đình con gái ở Hà Đông. Chất lượng dịch vụ tốt mà giá chỉ 9.000 đồng/lượt, rẻ hơn một nửa so với xe buýt trước đây”.
Xe buýt Thủ đô đã "phủ sóng" toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đánh giá, hầu hết các tuyến buýt được mở mới kết nối với các huyện ngoại thành mở rộng đã tiếp cận được ngay với nhu cầu của hành khách. Qua khảo sát, không chỉ vé lượt, lượng vé tháng trên các tuyến mới tăng nhanh, đặc biệt là vé tháng liên tuyến, cho thấy hành khách ở các khu vực ngoại thành đã tham gia nhiều hơn vào mạng lưới xe buýt của thành phố. Điều tích cực nhất là việc mở mới thêm các tuyến buýt ngoại thành đã xóa “vùng trắng” xe buýt có trợ giá.
Đến nay, sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, mạng lưới vận tải hành khách công cộng của thành phố Hà Nội không chỉ có xe buýt mà còn có thêm tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; 1 tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa; 9 tuyến xe buýt điện, 10 tuyến buýt sử dụng năng lượng khí hóa lỏng CNG, qua đó, nâng tổng số tuyến tính đến ngày 26-7-2023 là 154 tuyến (trong đó có 132 tuyến trợ giá). Số lượng phương tiện hiện lên tới 2.279 xe. Về hạ tầng, mạng lưới vận tải công cộng có 351 nhà chờ, 4.405 điểm dừng đỗ, 5 điểm trung chuyển và 127 điểm đầu cuối.
“Hiện, mạng lưới xe buýt tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã đạt 100%; 512/579 số xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn thành phố, đạt 88,4%; kết nối với 7 tỉnh, thành lân cận (Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc). Quan trọng nhất, đến nay, mạng lưới vận tải hành khách công cộng của thành phố đã hình thành một mạng lưới đa phương thức, giúp hành khách tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngày một thuận lợi hơn”, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết.
Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã có bước đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông
Bước đột phá phát triển kết cấu hạ tầng giao thông
Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông khung theo quy hoạch cũng được đánh giá là một trong những khâu đột phá của Thủ đô sau 15 năm sáp nhập địa giới hành chính.
Ngay từ khi bắt đầu điều chỉnh địa giới hành chính, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã sớm nhận diện những khó khăn về cơ sở hạ tầng. Theo đó, các địa phương mới hợp nhất về Thủ đô đều là vùng giáp ranh, hệ thống hạ tầng giao thông dù đã có sự gắn kết nhất định, song do chính sách đầu tư và cơ chế quản lý khác nhau, dẫn đến thiếu sự đồng bộ về quy mô, đặc biệt là rất thiếu những cây cầu vượt sông...
Ngay sau khi sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính, hàng loạt dự án giao thông lớn đã được triển khai thực hiện nhằm kết nối trung tâm với các vùng ngoại vi như: Đại lộ Thăng Long, cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông...
Hạ tầng nông thôn cũng được cải thiện. Đường bê tông chạy tới những xã nghèo nhất ở cực Tây thành phố, nơi sinh sống của đồng bào Mường trước thuộc tỉnh Hòa Bình.
Cùng với đó, nhiều tuyến đường, nút giao thông quan trọng của Hà Nội đã được xây dựng đưa vào sử dụng thời gian qua, như: Vành đai 2, cầu Vĩnh Tuy, Vành đai 3, trục phía Nam Hà Tây, Quốc lộ 1A (đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi), một số đoạn tuyến của đường Vành đai 2,5 và 3,5; các công trình cầu vượt tại nút giao thông quan trọng như Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt; An Dương - Thanh Niên, đường nối từ Vành đai 3 đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường Tản Lĩnh - Ba Vì... Những trục giao thông này đã, đang và sẽ cải thiện hạ tầng giao thông, diện mạo đô thị, tạo thêm lực phát triển cho Thủ đô.
Tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và phát huy nội lực của Thủ đô, sau nhiều năm nỗ lực, đến nay, thành phố Hà Nội đã có 7 tuyến đường hướng tâm (tổng cộng 111,32km chạy qua địa bàn), 8 tuyến quốc lộ hướng tâm (244,58km) được hình thành và đưa vào khai thác; hoàn thành 132,26/285,46km của 7 tuyến đường vành đai.
Cùng với đó là 4 tuyến đường hướng tâm kết nối khu vực đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh (Hồ Tây - Ba Vì, Tây Thăng Long, Ngọc Hồi - Phú Xuyên, Hà Đông - Xuân Mai) cũng đang được khẩn trương đầu tư. Trong hệ thống 18 cầu vượt sông Hồng, đến nay đã có 9 cầu hoàn thiện, gồm: Cầu Long Biên, Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Văn Lang, Trung Hà. 6/18 cầu gồm: Tứ Liên, Hồng Hà, Mễ Sở, Vân Phúc, Thượng Cát, Trần Hưng Đạo đang hoàn thiện thủ tục để khởi công. Riêng đường Vành đai 4, thành phố phấn đấu hoàn thành trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030.
Hà Nội phấn đấu hoàn thành dự án Vành đai 4 trước năm 2027
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thì việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giữ vai trò quan trọng và là tiền đề để phát triển đô thị. Các điều kiện về hạ tầng giao thông vận tải là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá điều kiện sống đô thị hiện đại.
Sau 15 năm hợp nhất, các nguồn lực, thế mạnh về đất đai, con người, văn hóa và lịch sử, công nghệ và khoa học kỹ thuật của từng địa phương đã được khai thác, sử dụng và phát huy hiệu quả. Và lĩnh vực giao thông vận tải chính là một trong những minh chứng rõ nét nhất cho sự phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất....
Theo hanoi.gov.vn