Hà Nội - Hà Giang: Tăng cường hợp tác, phát huy thế mạnh để bổ sung, hỗ trợ cùng phát triển

10:41 11-06-2024

HNP - Sáng 10/6, Đoàn công tác thành phố Hà Nội, do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến làm Trưởng đoàn, đã đến thăm, làm việc và tặng quà an sinh xã hội tại tỉnh Hà Giang.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trao hỗ trợ cho tỉnh Hà Giang thực hiện an sinh xã hội

 

Tham dự buổi làm việc có Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành thành phố Hà Nội.

Về phía tỉnh Hà Giang có Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Mạnh Dũng, cùng các lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang.

 

Các đại biểu Đoàn công tác thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Giang tham dự buổi làm việc


Thông tin với Đoàn công tác thành phố Hà Nội về một số kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý cho biết, trong những năm qua được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, sự động viên, hỗ trợ của các địa phương trong cả nước, cùng với nỗ lực vượt khó với quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Hà Giang, đến hết năm 2023, tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,5%. Tổng giá trị sản phẩm đạt 32.439,8 tỷ đồng. Thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 2.100 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng khá, đạt 15.126 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người ước đạt 36,8 triệu đồng/năm. Đáng chú ý, hình ảnh du lịch Hà Giang được quảng bá mạnh mẽ, lượng khách du lịch đến với tỉnh đã đạt trên 3 triệu lượt người.

 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trao hỗ trợ cho gia đình người có công và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Hà Giang


Trong 5 tháng đầu năm 2024, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả nổi bật: Thu ngân sách Nhà nước đạt 940 tỷ đồng (đạt 45,5% kế hoạch Trung ương giao, tăng 39,1% so với cùng kỳ). Lượng khách du lịch đến Hà Giang đạt trên 1,4 triệu lượt người (trong đó, khách quốc tế trên 180.000 lượt và khách nội địa trên 1,2 triệu lượt người), tăng 18,5% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch đạt 3.484,4 tỷ đồng.

Đến hết năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 7,5%. Tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 2.460 tỷ đồng. Thu hút 3,2 triệu lượt khách du lịch; hoàn thành mục tiêu giảm trên 7.821 hộ nghèo đa chiều (tương đương giảm 4%) và giải quyết việc làm cho 18.000 lao động.

Đặc biệt, triển khai Chương trình phát động "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để người nghèo bị bỏ lại phía sau", tỉnh Hà Giang đã phát động Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở từ nguồn xã hội hóa. Sau 3 năm (2019-2022), đã thực hiện hỗ trợ cho 6.700 hộ gia đình được xây dựng nhà ở kiên cố với tổng kinh phí hỗ trợ trên 400 tỷ đồng (bình quân 60 triệu đồng/nhà) và trên 341.000 ngày công…

 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trao hỗ trợ cho người có công tỉnh Hà Giang


Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, chuyến thăm, làm việc và tặng quà an sinh xã hội tại tỉnh Hà Giang có ý nghĩa quan trọng. Đây là cơ hội để 2 tỉnh, Thành phố hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy mối quan hệ giữa 2 địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Thông tin nhanh về một số kết quả nổi bật của thành phố Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết: 5 tháng đầu năm 2024, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Thành phố đạt 233,175 nghìn tỷ đồng (đạt 57,1% dự toán, tăng 12,3% so với cùng kỳ). Thu hút 1.119,7 triệu USD vốn FDI. Tổng khách du lịch đạt 14,05 triệu lượt (tăng 13,7%). GRDP duy trì tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II/2024 ước tăng 6,44%; GRDP 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 6,0%.

 

Công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, đô thị, vệ sinh môi trường đạt nhiều kết quả tích cực. Toàn bộ 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, 382/382 xã đạt tiêu chí nông thôn mới; 186 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ thường xuyên, thành phố Hà Nội cũng đã tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, có tính chiến lược như: Tập trung, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); Hoàn thiện lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật quy hoạch; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Các nội dung này dự kiến sẽ đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội, vào ngày 20/6 tới.

Thành phố cũng đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và các dự án trọng điểm của Thành phố. Tập trung triển khai nghị quyết chuyên đề của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa. Cùng với đó, Thành phố xác định, lựa chọn tập trung đầu tư 3 lĩnh vực: Văn hóa, y tế, giáo dục, giai đoạn 2021-2025 và sau năm 2025 với tổng vốn đầu tư hơn 53.288 tỷ đồng…

 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại buổi làm việc


Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục quán triệt phương châm chỉ đạo, điều hành với tinh thần “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm”, “5 đẩy mạnh” đã đề ra tại Nghị quyết số 44 của Chính phủ; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giải ngân kế hoạch đầu tư công và các công trình trọng điểm; đẩy nhanh tiến độ sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Chuẩn bị Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ Thành phố và cụ thể hóa các cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi) và 2 quy hoạch khi được Quốc hội thông qua…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, Hà Nội và Hà Giang mặc dù có khoảng cách địa lý rất xa nhưng đã có sự phối hợp, tương trợ, hợp tác với mục tiêu cùng phát triển. Hà Nội và Hà Giang đã duy trì mối quan hệ trao đổi, học tập kinh nghiệm và triển khai hợp tác trên nhiều lĩnh vực, bước đầu đạt một số kết quả tích cực. Qua đó, góp phần thúc đẩy hợp tác hai địa phương toàn diện hơn, tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm trên các lĩnh vực là thế mạnh của mỗi địa phương để bổ sung, hỗ trợ nhau cùng phát triển, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp; du lịch; công thương; y tế...

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại tỉnh Hà Giang, Đoàn công tác thành phố Hà Nội mong muốn 2 tỉnh, Thành phố nghiên cứu, trao đổi các nội dung và sớm bố trí lịch làm việc giữa Ban Thường vụ 2 tỉnh, Thành phố để thống nhất triển khai chương trình hợp tác giai đoạn tới để phát huy vai trò là động lực phát triển kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ (thành phố Hà Nội) và Vùng Trung du miền núi phía Bắc (tỉnh Hà Giang). Ngoài ra, phát huy lợi thế, tiềm năng cùng nhau phát triển theo hướng toàn diện, hiệu quả, trong đó, tập trung vào một số nội dung: Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; công tác xúc tiến đầu tư; lĩnh vực văn hóa, du lịch, nông nghiệp…

Đặc biệt, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các cấp, ngành của 2 địa phương xây dựng các chương trình, hoạt động đẩy mạnh tuyên truyền nhằm giới thiệu, quảng bá về Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến; tăng cường xúc tiến thương mại, du lịch Hà Giang - Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh: “Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với tỉnh Hà Giang trên các lĩnh vực vì mục tiêu phát triển bền vững của hai địa phương và cả nước nói chung”.

 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền và lãnh đạo tỉnh Hà Giang trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

 

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang Thào Hồng Sơn cho biết: An sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn luôn được tỉnh Hà Giang quan tâm, ưu tiên thực hiện.

Thực hiện Phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để người nghèo bị bỏ lại phía sau", sau hơn 3 năm tổ chức thực hiện, chương trình đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ, trợ giúp đầy tính nhân văn và tấm lòng đền ơn, đáp nghĩa của các cơ quan, tỉnh thành, doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty, các cá nhân, nhà hảo tâm. Theo đó, cùng với các chính sách an sinh, xã hội các chương trình hỗ trợ giảm nghèo, trợ giúp xã hội người có công, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được triển khai thực hiện. Đặc biệt, cùng với sự chia sẻ, đóng góp rất tích cực của thành phố Hà Nội và các quận, huyện kết nghĩa trong những năm qua là động lực góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững cho tỉnh Hà Giang.


Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân 19 dân tộc tỉnh Hà Giang, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang trân trọng cảm ơn những tình cảm chân thành, quý mến, món quà đặc biệt với tình cảm sâu sắc của thành phố Hà Nội đã trao tặng cho tỉnh Hà Giang, qua đó, góp phần giúp Hà Giang từng bước giảm nghèo bền vững. Đồng thời, mong muốn sẽ tiếp tục kết nối và tổng kết các ý kiến, kết luận, biên bản ghi nhớ của các đồng chí lãnh đạo 2 tỉnh, thành phố về đẩy mạnh hợp tác giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Giang trong thời gian qua.

Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã trao tặng quà an sinh xã hội cho tỉnh Hà Giang trị giá 3 tỷ đồng. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền trao tặng quà cho người có công, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Hà Giang trị giá 570 triệu đồng.

Theo hanoi.gov.vn