Hà Nội nâng cao trách nhiệm trong quản lý, khai thác tài sản công

13:19 06-11-2024

HNP - Chiều 5/11, UBND Thành phố tổ chức Hội nghị Sơ kết 01 năm triển khai Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030 và triển khai Đề án tổng kiểm kê tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi quản lý của Thành phố.

Tham dự Hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải; đại diện Bộ Tài chính (Cục Quản lý Công sản); Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, Lãnh đạo các Ban của HĐND Thành phố; Văn phòng: Thành ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố Hà Nội; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành, tổ chức, đơn vị trực thuộc Thành phố; Chủ tịch UBND và Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch quận, huyện, thị xã; Chủ tịch/Tổng Giám đốc các Tổng công ty, Công ty thuộc đối tượng kiểm kê tài sản công; Chủ tịch Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội.

Hà Nội nâng cao trách nhiệm trong quản lý, khai thác tài sản công- Ảnh 1.

Hội nghị tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, từ trụ sở UBND thành phố Hà Nội tới điểm cầu các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã

Rà soát, quản lý tài sản công tránh lãng phí

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cho biết, thành phố Hà Nội nhận thức tầm quan trọng của tài sản công và nếu không rà soát, xây dựng dữ liệu quản lý thì rõ ràng sẽ gây ra lãng phí. Chính vì vậy, Thành ủy chỉ đạo, HĐND Thành phố vào cuộc, UBND Thành phố xây dựng Đề án tài sản công.

"Qua rà soát khi xây dựng Đề án cho thấy số lượng quy mô tài sản công trên địa bàn Thành phố rất lớn với đầy đủ 7 nhóm trong danh mục. Riêng tài sản của khối hành chính sự nghiệp là 455.000 tài sản/3.958 đơn vị. Với số lượng, quy mô lớn như vậy, cho nên việc đưa tài sản công vào quản lý, khai thác rất quan trọng", Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cho biết.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cũng điểm lại một số nhiệm vụ nổi bật đã hoàn thành khi triển khai Đề án như: Xây dựng quy chế phối hợp định kỳ cung cấp thông tin tài sản công, lập kế hoạch xử lý nợ nghĩa vụ tài chính đối với quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước và tham mưu cho UBND về đề án khắc phục các tồn tại trong quản lý quỹ nhà.

Hà Nội nâng cao trách nhiệm trong quản lý, khai thác tài sản công- Ảnh 2.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải phát biểu tại Hội nghị

Thành phố đã tận dụng hiệu quả quỹ đất ở các khu vực phụ cận đường Vành đai 4 và một số khu vực trọng điểm khác để tạo nguồn vốn cho phát triển kinh tế - xã hội. Các dự án khai thác quỹ đất này đã và đang được triển khai, mang lại nguồn thu lớn, đồng thời cải thiện cơ sở hạ tầng và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn.

Đặc biệt, đề án khai thác quỹ đất đối ứng cho các dự án BT (xây dựng - chuyển giao) là một giải pháp linh hoạt, giúp Thành phố huy động nguồn lực đầu tư vào cơ sở hạ tầng mà không phải hoàn toàn dựa vào ngân sách. Đây là cách làm thiết thực để khai thác tài sản công hiệu quả, phục vụ mục tiêu phát triển của Thành phố.

Ngoài ra, Sở Tài chính đã hoàn thiện Kho dữ liệu tài sản công, kết nối dữ liệu từ các đơn vị trên địa bàn Thành phố. Đề án khắc phục tồn tại trong quản lý quỹ nhà đã được xây dựng, tập trung vào hai quỹ nhà chính là nhà chuyên dùng và nhà tái định cư.

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải, Đề án đặt ra 4 mục tiêu cụ thể, chi tiết hướng đến từng giai đoạn, với tinh thần chung là giao nhiệm vụ theo phương châm "5 rõ". Cụ thể, có 29 nhiệm vụ có thời hạn, 38 nhiệm vụ thường xuyên. Trong đó,15 nhiệm vụ đã hoàn thành, có 6 nhiệm vụ quan trọng.

Về tham mưu xây dựng chính sách, Sở Tài chính đã chủ động tham mưu đưa nội dung về tài sản công vào Luật Thủ đô (đã báo cáo Quốc hội) về nhượng quyền, cho thuê liên doanh liên kết. Cùng với đó, đề xuất xây dựng Nghị định 108/2024/NĐ-CP về Quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác. Nghị định đã cơ bản tháo gỡ nút thắt để bắt đầu triển khai, quản lý, khai thác tài sản công trên địa bàn Thành phố.

Về tăng cường phân cấp ủy quyền, Sở Tài chính đã đề xuất kịp thời nội dung phân cấp ủy quyền cho các đơn vị về quản lý tài sản công. Thời gian tới, Thành phố sẽ trao quyền mạnh hơn xuống người trực tiếp quản lý tài sản. Về phân loại nợ và xác đinh nghĩa vụ tài chính; thu hồi cưỡng chế nợ thì Sở Xây dựng đã và đang triển khai và quyết tâm thực hiện.

Hà Nội nâng cao trách nhiệm trong quản lý, khai thác tài sản công- Ảnh 3.

Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cùng các đại biểu dự Hội nghị

Rà soát "3Q" để đồng bộ quản lý, khai thác tài sản công

Để triển khai Đề án tổng kiểm kê tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi quản lý của Thành phố từ 0h ngày 01/01/2025, tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải đề nghị Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, doanh nghiệp, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, tăng cường phổ biến, quán triệt nội dung các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên quan của Thành phố về công tác tổng kiểm kê tài sản; khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo kiểm kê; xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn và tiến độ hoàn thành, trách nhiệm được phân công.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng đề nghị Sở Tài chính chủ trì sớm triển khai các nội dung trong Luật Thủ đô; Nghị định 108/2024/NĐ-CP ngày 23/8/2024 của Chính phủ. Trong đó, đặc biệt lưu ý rà soát "3Q" gồm: Rà soát toàn bộ quy hoạch ngành để tránh lãng phí; rà soát lại quy chế, quy trình liên thông để báo cáo các đơn vị của Thành phố; rà soát lại toàn bộ quy chuẩn tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá...

"Nếu rà soát được "3Q" thì khai thác quản lý tài sản công mới đồng bộ được. Từ đó sẽ phân cấp triệt để mạnh mẽ, không có chuyện thêm một bước nữa xin ý kiến sở, ngành", Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải nhấn mạnh.

Cùng với đó, Sở Tài chính chủ trì, thực hiện đẩy nhanh rà soát sắp xếp tài sản công; đẩy mạnh chuyển đổi số ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu theo tinh thần "đúng, đủ, sạch, sống", có cơ chế cập nhật; tận dụng dữ liệu thông tin sẵn có để chia sẻ. Các ngành tiếp tục rà soát các tồn đọng với tinh thần để sớm khai thác sử dụng hiệu quả tài sản công, "xử lý để khai thác, để phát triển". Đồng thời các đơn vị phải chịu trách nhiệm và xác định trách nhiệm về số lượng tài sản được giao để quản lý tài sản công.

Hà Nội nâng cao trách nhiệm trong quản lý, khai thác tài sản công- Ảnh 4.

Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) phổ biến tại Hội nghị

Để triển khai Đề án tổng kiểm kê tài sản công trên địa bàn đạt kết quả tốt, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cũng đề nghị Cục Công sản (Bộ Tài chính) hỗ trợ đào tạo tập huấn chuyên gia khi thực hiện những nội dung trên và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ; tận dụng dữ liệu thông tin sẵn có để chia sẻ thông tin... từ đó triển khai công tác tổng kiểm kê tài sản công đạt kết quả tốt nhất.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND Thành phố, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu đề nghị lãnh đạo các Sở ngành, quận huyện và các đơn vị phối hợp chặt chẽ cùng Sở Tài chính để triển khai Đề án tổng kiểm kê tài sản công và Nghị định số 108/2024/NĐ-CP ngày 23/8/2024 của Chính phủ.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã được nghe ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) phổ biến hướng dẫn triển khai Đề án tổng kiểm kê tài sản công và Nghị định số 108/2024/NĐ-CP ngày 23/8/2024 của Chính phủ.

Theo hanoi.gov.vn