Hướng tới mục tiêu "Bầu trời xanh - Không khí sạch" tại các đô thị lớn
09:40 15-11-2024
HNP - Chiều 14/11, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và UBND Thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị "Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam".
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy và Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đại diện 12 bộ, ngành; 13 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Hội nghị nhằm đẩy mạnh các biện pháp, giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí; tăng cường hơn nữa công tác quản lý chất lượng môi trường không khí cũng như định hướng các giải pháp quyết liệt để tình trạng ô nhiễm tại các thành phố, đô thị lớn.
Xác định lại nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, quyết liệt giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường không khí
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết: Ô nhiễm môi trường không khí đã và đang là vấn đề thách thức không chỉ riêng của Việt Nam mà còn là vấn đề nổi cộm của các nước trong khu vực và trên thế giới. Tại Việt Nam, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại hai thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có chiều hướng gia tăng, có những thời điểm, chỉ số chất lượng môi trường không khí đã lên mức xấu, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Tình trạng này xảy ra phổ biến tại một số thành phố, đô thị lớn, khu vực tập trung nhiều hoạt động giao thông, xây dựng, công nghiệp và nông nghiệp, nhất là khu vực các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ và đặc biệt là khu vực thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Xác định giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn là vấn đề trọng tâm, cấp bách, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng. Đồng thời, triển khai nhiều dự án, đề án về kiểm soát ô nhiễm không khí; áp dụng nhiều giải pháp, biện pháp, công cụ về chính sách, kỹ thuật, kinh tế và các giải pháp quản lý nhằm ngăn chặn cũng như giảm thiểu tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường không khí. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị lớn vẫn còn hiện hữu, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Tại Hội nghị, Ban tổ chức sẽ chia sẻ các nội dung liên quan đến chất lượng không khí, đồng thời, trao đổi, nhìn nhận, đánh giá thẳng thắn các vấn đề cụ thể: Hiện trạng, nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam hiện nay; Kết quả triển khai thực hiện công tác quản lý chất lượng không khí tại các bộ, ngành và địa phương; chia sẻ một số bài học kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về quản lý, cải thiện, phục hồi ô nhiễm không khí, đặc biệt là Bắc Kinh, Trung Quốc; những khó khăn, vướng mắc thực tế và thách thức khi thực hiện các hoạt động quản lý chất lượng không khí cũng như đề xuất các giải pháp mang tính đột phá, khả thi để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm, từng bước cải thiện chất lượng không khí tại một số đô thị lớn của Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh quan điểm rõ ràng và kiên định của Đảng và Nhà nước "không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế" và khẳng định công tác bảo vệ môi trường không khí cần sự chung tay, xác định là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Từ đó, đồng chí yêu cầu các bộ, ngành địa phương cần xác định lại nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của ngành và tập trung nguồn lực triển khai thực hiện quyết liệt giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường không khí hiện nay.
"Chủ động, sáng tạo, biến thách thức thành cơ hội, đổi mới, quyết liệt triển khai các hành động, giải pháp, mô hình quản lý nhằm cải thiện chất lượng không khí theo nguyên tắc tập trung, đặc biệt là giúp các đô thị lớn hướng tới mục tiêu "Bầu trời xanh - Không khí sạch", Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy yêu cầu.
Hành động mạnh mẽ, kịp thời và quyết liệt hơn nữa để mang lại bầu không khí trong lành
Phát biểu Đề dẫn tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Trọng Đông cho biết: Hà Nội là một trong 17 đô thị lớn nhất thế giới và cũng đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống người dân và phát triển bền vững.
Theo thống kê, Hà Nội khoảng 9 triệu người, trong đó, dân số đô thị chiếm trên 40%. Toàn địa bàn Thành phố có 10 khu công nghiệp, khoảng 1.300 làng nghề, hơn 7 triệu xe gắn máy, và hơn 600 ngàn ô tô. Thành phố mỗi ngày tiêu thụ ước tính khoảng 80 triệu Kwh điện và hàng triệu lít xăng, dầu, chưa kể tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp và rác thải tự phát đang diễn ra thường xuyên trên địa bàn thành phố… Đây chính là những nguồn phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt ô nhiễm không khí.
Trước thực trạng đó, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí, như triển khai thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí; tăng cường kiểm tra, xử lý cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, các công trình xây dựng thi công không đảm bảo vệ sinh môi trường, tăng cường tưới nước rửa đường, thu gom rác thải…
Thành phố cũng đã ban hành nhiều chương trình, chính sách nhằm đưa Thành phố phát triển theo hướng kinh tế xanh, tận dụng các cơ hội phát triển theo hướng Cacbon thấp và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, phòng tránh, giảm thiểu những hiểm họa của biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai, góp phần vào nỗ lực chung của Việt Nam thực hiện cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải bằng "0" - Net Zero vào năm 2050.
Với tinh thần đó, thành phố Hà Nội đã trình Quốc hội ban hành Luật Thủ đô, trong đó, Khoản a Điều 28 quy định về tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp để hạn chế phương tiện giao thông ô nhiễm môi trường nhằm cải thiện chất lượng không khí và ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng không khí thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035.
Để thực hiện hiệu quả các giải pháp cải thiện chất lượng không khí, thành phố Hà Nội mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội, các Bộ ngành Trung ương, sự hợp tác chặt chẽ, đồng lòng với các tỉnh, thành phố lân cận và sự tham gia hành động của chính quyền địa phương, doanh nghiệp, người dân, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế... Bên cạnh đó, cần phải có các hành động mạnh mẽ, kịp thời và quyết liệt hơn nữa để mang lại bầu không khí trong lành cho người dân.
Đồng thời, cũng cần tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, xây dựng những chính sách khuyến khích người dân tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng, phương tiện thân thiện môi trường. Từng bước thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin, hoàn thiện mạng lưới quan trắc liên vùng, liên tỉnh nhằm giám sát và dự báo, cảnh báo sớm về ô nhiễm không khí giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Trọng Đông tin tưởng Hội nghị là cơ hội quý báu để cùng nhau chia sẻ quan điểm, thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, suy nghĩ và đề xuất các giải pháp hợp tác hiệu quả nhằm cải thiện chất lượng không khí vì một Hà Nội khoẻ mạnh và đáng sống, một Việt Nam xanh và bền vững.
Theo hanoi.gov.vn