Huyện Thạch Thất: Khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững theo hướng đô thị xanh
15:50 15-07-2024
HNP - Tối 11/7, huyện Thạch Thất long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng huyện (13/7/1954 - 13/7/2024) và gắn biển công trình vườn hoa Phùng Khắc Khoan. Dự lễ kỷ niệm có cỦy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Phùng Thị Hồng Hà và lãnh đạo các sở, ban, ngành…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến tặng hoa, chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thạch Thất
Là vùng đất cổ, có bề dày truyền thống lịch sử, đặc trưng văn hóa Xứ Đoài, huyện Thạch Thất là nơi sinh ra nhiều người con ưu tú, kiên trung, hiếu học, trưởng thành, đóng góp cho quê hương, đất nước, cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Đặc biệt, với truyền thống yêu nước, kiên cường, dũng cảm trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm; nhân dân trong Huyện đã sớm tiếp thu ánh sáng cách mạng của Đảng; đoàn kết cùng với nhân dân cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng tháng 8 năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á.
Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta, huyện Thạch Thất nằm trong vùng địch tạm chiếm, 9 năm kháng chiến chống Pháp là thời kỳ vô cùng khó khăn gian khổ; địch dùng mọi thủ đoạn tàn ác để tiêu diệt lực lượng kháng chiến, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân Thạch Thất đã anh dũng kiên cường đấu tranh giải phóng quê hương.
Các đại biểu dự buổi lễ
Những chiến công oanh liệt và mất mát hy sinh của nhân dân trong huyện đã góp phần chia lửa với chiến trường chung của cả nước, làm nên chiến thắng Điện Biên phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Bên cạnh đó, huyện còn tự hào là mảnh đất gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, trong 19 ngày ở xã Cần Kiệm, Bác đã cùng với các đồng chí cán bộ chủ chốt của Đảng và Chính phủ họp bàn, quyết định những công việc quan trọng của đất nước. Tại đây, Bác viết Thư gửi các chiến sĩ cảm tử quân Thủ đô (27/01/1947), động viên, cổ vũ tinh thần chiến đấu kiên cường, quả cảm của quân và dân ta quyết chiến bảo vệ Thủ đô. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bác Hồ, Huyện ủy và Mặt trận Việt Minh, tranh thủ thời cơ đã chín muồi, ngày 13/7/1954, quân, dân các xã của huyện Thạch Thất, với khí thế cách mạng dâng cao, đã đổ về đánh chiếm Bốt Chi quan - căn cứ đầu não cuối cùng của thực dân Pháp trên địa bàn huyện, kết thúc sự tồn tại của chủ nghĩa thực dân, tay sai và giải phóng hoàn toàn trên quê hương Thạch Thất, góp phần quan trọng cho ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954.
Sau Hiệp định Giơnevơ, đất nước ta tạm thời chia làm 2 miền Nam, Bắc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Thạch Thất cùng với nhân dân cả nước tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiếp tục cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Huyện Thạch Thất vừa ra sức phát triển sản xuất, ổn định đời sống, củng cố và xây dựng hậu phương vững chắc, vừa chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến góp phần giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Thạch Thất đã phát huy truyền thống quê hương văn hóa, anh hùng, đoàn kết, tập trung lãnh đạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh và đạt được những kết quả quan trọng, nhất là sau 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới và hơn 15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Huyện đã có sự phát triển toàn diện, vượt bậc, đáng phấn khởi trên các lĩnh vực, diện mạo đô thị, nông thôn đã có nhiều khởi sắc.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại lễ kỷ niệm
Tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo thướng tăng giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng đạt (69,4%); Thương mại - Dịch vụ (25,5%); giảm tỷ trọng nông nghiệp, hiện còn 5,1%; tổng thu ngân sách trên địa bàn Huyện năm sau cao hơn năm trước (năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt trên 1.400 tỷ đồng, đứng thứ 22/30, 6 tháng đầu năm 2024 đứng thứ 20/30; đây là nỗ lực rất lớn của huyện so với các quận, huyện, thị xã của Thành phố).
Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, môi trường, từng bước chuyển biến, giải phóng mặt bằng được tăng cường, phục vụ triển khai các dự án; cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư nâng cấp; văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ; công tác quốc phòng, quân sự địa phương được củng cố tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Năm 2020, Huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay đã có 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó, 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiễu mẫu; năm 2024 phấn đấu có thêm 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên; thu nhập bình quân 100 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ giàu, hộ khá giả tăng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống rõ rệt (đến cuối năm 2023 giảm xuống còn 0,039%; giảm hộ cận nghèo còn 2,95%). Công tác xây dựng Đảng, hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền, hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong Huyện đạt trong sạch, vững mạnh.
Những thành tựu đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Huyện Thạch Thất suốt chặng đường 70 năm qua đã góp phần tích cực vào sự nghiệp chung xây dựng, bảo vệ Thủ đô và đất nước.
Thay mặt lãnh đạo Thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến chúc mừng và biểu dương những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Thạch Thất đã đạt được trong những năm qua.
Lãnh đạo Thành phố và huyện Thạch Thất gắn biển công trình Vườn hoa Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cho biết, trong những năm tới, bên cạnh thuận lợi là cơ bản, còn có nhiều khó khăn, thách thức nhưng truyền thống văn hiến, anh hùng, cùng những thành tựu, kinh nghiệm sau gần 40 năm đổi mới, hơn 15 năm mở rộng địa giới Thủ đô, 2 năm thực hiện Nghị quyết số 15 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cùng với Kết luận số 80 ngày 24/5/2024 của Bộ Chính trị, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua… là những nền tảng, cơ sở pháp lý quan trọng tạo thêm thế, lực, điều kiện để xây dựng và phát triển Thủ đô thực sự xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước… Các cấp ủy đảng, chính quyền, quân và dân huyện Thạch Thất cần tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXIV Đảng bộ huyện đề ra; đặc biệt là Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kết luận số 80 của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Cùng với khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, huy động các nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh, bền vững, văn minh, hiện đại, huyện cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sao cho đồng bộ, phù hợp với Quy hoạch vùng Thủ đô; quản lý thật tốt các quy hoạch đã được phê duyệt…
Bên cạnh đó, Đảng bộ và nhân dân huyện Thạch Thất phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng của vùng đất và con người, nhất là các đặc trưng của văn hóa xứ Đoài, giá trị văn hóa tiêu biểu của huyện, tạo sự phát triển hài hòa và bền vững. Đồng thời, huyện thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, quan tâm, chăm lo chu đáo cho các gia đình chính sách, người có công; nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo, công tác y tế, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; xây dựng người Thạch Thất thanh lịch, văn minh, hiện đại…
Huyện cần đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; tiếp tục đổi mới phương pháp, lề lối làm việc, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chuyển đổi số. Đặc biệt, huyện chuẩn bị thật tốt các điều kiện, trọng tâm là văn kiện và công tác nhân sự phục vụ tổ chức đại hội đảng bộ, chi bộ cơ sở và Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2025-2030...
“Thành phố tin tưởng và mong muốn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Thạch Thất với khát vọng và quyết tâm lớn, với bản lĩnh và nghị lực, cùng sự đoàn kết, đồng lòng sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển huyện nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh, góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại và hạnh phúc”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.
Theo hanoi.gov.vn