Huyện Thường Tín: Gắn biển tên đường danh nhân Dương Chính, Từ Giấy

09:45 19-02-2024

HNP - Chiều 18/2, huyện Thường Tín tổ chức Lễ khai bút Xuân Giáp Thìn; khai mùa du lịch huyện Thường Tín năm 2024 và sản xuất của các làng nghề truyền thống; gắn biển tên đường danh nhân Dương Chính, Từ Giấy. Dự lễ khai bút và gắn biển tên 2 tuyến đường có các đồng chí: Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức; Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh…

Các đại biểu thực hiện nghi lễ khai bút đầu Xuân năm 2024

 

Niềm tự hào truyền thống hiếu học
 
Khai bút đầu Xuân là hoạt động thường niên của huyện Thường Tín nhằm tôn vinh truyền thống tôn sư, trọng đạo của dân tộc; khơi dậy niềm tự hào truyền thống hiếu học, khoa bảng của vùng đất trăm nghề; bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.
 
Theo cuốn sách “Các nhà khoa bảng, tri thức, nghệ nhân tiêu biểu huyện Thường Tín, giai đoạn 1075 - 2015”, Thường Tín có 68 nhà khoa bảng, đứng đầu danh sách quận, huyện đỗ khoa bảng tại Thủ đô. Trong đó tiêu biểu là anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.
 
Các đại biểu dự chương trình
 
Cùng với đó, Thường Tín còn là mảnh đất “Đất trăm nghề” vùng đất có nhiều làng nghề truyền thống được bảo tồn và phát huy. Đến nay huyện Thường Tín có 126 làng có nghề, trong đó có 48 làng nghề được UBND Thành phố công nhận là làng nghề truyền thống, 1 làng nghề Hà Nội.
 
Thường Tín còn có quần thể di sản văn hóa với 462 di tích, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, các loại hình nghệ thuật dân gian còn được lưu giữ như hát chèo, hát trống quân, các lễ hội truyền thống, như: lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung, xã Tự Nhiên; Lễ hội làng Từ Vân, xã Lê Lợi; Lễ hội đình - chùa Mui, xã Tô Hiệu; Lễ hội chùa Đậu, xã Nguyễn Trãi...
 
Quần thể di sản văn hóa đã tạo nên nét đẹp văn hóa truyền thống của vùng đất danh hương. Với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, làng nghề truyền thống gắn với du lịch làng nghề - du lịch tâm linh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; Qua đó khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa truyền thống trong đời sống đương đại, trong những năm qua, huyện Thường Tín lấy ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch hằng năm, trong tiết trời đầu xuân ấm áp tại Văn Từ Thượng Phúc “Lễ khai bút và sản xuất các làng nghề truyền thống, khai mùa du lịch” như là tiếng trống thúc giục cán bộ và Nhân dân đề cao việc học, thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội.
 
Gắn biển tên đường danh nhân Dương Chính, Từ Giấy
 
Danh nhân Từ Giấy (1921-2009) quê ở làng Khê Hồi, xã Hà Hồi, huyện Thường Tín. Xuất thân trong một gia đình nghèo, mồ côi bố từ nhỏ, dù tuổi thơ vất vả nhưng Từ Giấy học rất giỏi. Tốt nghiệp tú tài xuất sắc tại trường Bưởi, Hà Nội, năm 1943, ông trúng tuyển vào Trường Y Dược toàn cấp Đông Dương (năm 1945 trường được đổi tên thành Trường Đại học Y - Dược Hà Nội). Cách mạng Tháng Tám thành công, ông tình nguyện nhập ngũ khi đang học đại học. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Giáo sư Từ Giấy trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Ông từng phụ trách tờ Vui sống - là món ăn tinh thần không thể thiếu của cán bộ, chiến sĩ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Sau đó lần lượt đảm nhiệm nhiều chức vụ: Trưởng phòng Phòng bệnh Cục Quân y, Trưởng ban Phòng bệnh quân đội tại Mặt trận Điện Biên Phủ; Chủ nhiệm Khoa Vệ sinh quân đội Học viện Quân y, Phó cục trưởng Cục Quân nhu kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng quân nhu, Cục Quân nhu, Viện trưởng viện dinh dưỡng Quốc gia, Chủ tịch hội dinh dưỡng Việt Nam... 
 
Các đại biểu thực hiện nghi thức gắn biển tên đường danh nhân Dương Chính
 
Giáo sư Từ Giấy là một nhà khoa học hàng đầu và danh tiếng của ngành dinh dưỡng Việt Nam, là Viện trưởng sáng lập Viện Dinh dưỡng Quốc gia ngày nay, là người có công đầu trong xây dựng Viện Dinh dưỡng trở thành một viện đầu ngành, đóng góp thiết thực, to lớn trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Cả một cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp khoa học, chăm lo sức khỏe, dinh dưỡng và bữa ăn của người Việt Nam, Giáo sư Từ Giấy thực sự là một tấm gương mẫu mực về tinh thần ham học hỏi, tinh thần cống hiến không biết mệt mỏi vì sự nghiệp chung và có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng quê hương Thường Tín nói chung, xã Hà Hồi nói riêng… được Tạp chí Những vấn đề dinh dưỡng lâm sàng châu Á - Thái Bình Dương bình chọn là “Nhà dinh dưỡng xuất sắc nhất châu Á” năm 1993; là “Nhà khoa học đã suốt đời cống hiến cho sự nghiệp dinh dưỡng” do Ủy ban dinh dưỡng Liên hợp quốc trao tặng và được tôn vinh là một trong 20 huyền thoại sống của ngành dinh dưỡng thế giới tại Hội nghị quốc tế về dinh dưỡng năm 2009.  
 
Tên của ông được đặt cho tuyến đường từ ngã ba giao cắt đường Nguyễn Phi Khanh tại Tổ dân phố Nguyễn Du, thị trấn Thường Tín, cạnh Trường mầm non Hoa Sen đến ngã ba giao cắt đường bao phía Tây thị trấn Thường Tín, giáp xã Văn Phú, cạnh Trường Cao đẳng Truyền hình. Dài: 580m; rộng: 5,5-7m (lòng đường 5m, vỉa hè mỗi bên từ 0,5-1m).
 
Đường Dương Chính được đặt tên theo Danh nhân Dương Chính. Ông sinh ra và lớn lên tại huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín (nay là xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín). Ông thi đỗ Đệ nhị giáp khoa thi Thái học sinh năm Mậu Thìn, niên hiệu Trinh Khánh thứ 3 vua Lý Huệ Tông (1213). Hiện nay, tại Văn chỉ thôn Mễ Sơn, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín và Văn bia tại Văn Từ Thượng Phúc (xã Văn Bình, huyện Thường Tín), có khắc ghi tên ông trên bia đá, trên đó ghi lại rõ họ tên Dương Chính, đỗ đạt và ra làm quan đời vua Lý Huệ Tông. Ông được mệnh danh là người: "Khai khoa truyền thế” tức là "Khai khoa truyền lại cho đời sau". 
 
Để tưởng nhớ công lao của ông, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống hiếu học cho các thế hệ hôm nay và mai sau, tên gọi đường Dương Chính được đặt cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường Lý Tử Tấn tại Tổ dân phố Nguyễn Du, thị trấn Thường Tín đến ngã ba giao cắt đường QH dự án đường Danh Hương giai đoạn 3. Đường dài 406m; rộng: 9m. 

Theo hanoi.gov.vn