Khuyến khích các phương tiện giao thông thân thiện môi trường để cải thiện chất lượng không khí
08:54 12-12-2024
HNP - Trả lời chất vấn của đại biểu Đàm Văn Huân (đại biểu quận Thanh Xuân) về vấn đề ô nhiễm không khí tại Hà Nội cũng như các giải pháp cải thiện chất lượng không khí, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam cho biết: Thời gian qua, Hà Nội đã cơ bản xoá bỏ được bếp than tổ ong, giảm lượng đốt rơm rạ, chấm dứt hoạt động lò gạch thủ công…
Nhiều nguồn gây ô nhiễm không khí
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam, qua nghiên cứu, có rất nhiều nguồn gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội, như: Thứ nhất, nguồn tại chỗ do các phương tiện giao thông tạo ra bụi đường. Thứ hai, nguồn do đốt rơm rạ trước đây, thì đến nay đã khắc phục được tối đa việc đốt rơm rạ ở các vùng ven đô. Thứ ba, nguồn thải từ ngoài Thành phố, từ các huyện ngoại thành, tỉnh lân cận. Ngoài ra, chất lượng không khí còn chịu ảnh hưởng bởi yếu tố khí tượng. Hiện tượng bụi mịn trong những ngày tháng 11-12, thời gian vừa qua. đã tăng lên nhiều, các chỉ số chất lượng không khí ở mức trung bình, kém, xấu.
Thành phố đã tập trung nhiều giải pháp để cải thiện chất lượng không khí, trong đó, đã thực hiện việc rà soát, kế hoạch quản lý chất lượng môi trường; xây dựng vùng phát thải thấp, khu vực hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, về quy hoạch cũng xác định lại phân vùng môi trường Thủ đô. Song song với đó, Sở sẽ tham mưu Thành phố giao Sở Giao thông vận tải cơ chế, chính sách để khuyến khích đầu tư hoàn thiện cơ sở các hạ tầng, xe buýt, phương tiện năng lượng xanh để bảo vệ môi trường, phù hợp với thực tiễn bảo vệ môi trường theo xu hướng của thế giới.
Trong thời gian vừa qua, Hà Nội đã thực hiện một số giải pháp: Cơ bản đã xóa bỏ bếp than tổ ong, giảm đốt rơm rạ, chấm dứt hoạt động các lò gạch thủ công, thu gom rác thải; hạn chế tập kết vật liệu xây dựng, cát, xi măng ra vỉa hè gây ô nhiễm. Đồng thời, Sở Giao thông vận tải triển khai quản lý phương tiện giao thông, giảm ùn tắc giao thông giảm lượng khí thải ra môi trường, thiết kế các hạ tầng cho xe đạp và các phương tiện công cộng; tăng cường công tác thanh kiểm tra, trồng cây xanh; nội dung quan trọng nhất là đẩy mạnh tuyên truyền cho các cấp các ngành, người dân về bảo vệ môi trường; tăng mức xử phạt vi phạm ô nhiễm môi trường…
Chủ động các kịch bản ứng phó với tình trạng úng ngập mùa mưa
Theo đại biểu Lê Ngọc Anh (tổ đại biểu huyện Phú Xuyên), trong thời gian vừa qua, Thành phố có rất nhiều giải pháp giảm tình trạng ngập úng mùa mưa và ban hành nhiều kế hoạch đảm bảo thoát nước và chống úng ngập nội đô cũng như triển khai các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải; sửa chữa, bảo dưỡng các công trình đầu mối. Đại biểu đề nghị cho biết kết quả đánh giá thực hiện kế hoạch thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành trong năm 2024. Đánh giá công tác dự báo tình hình trong thời gian tới? Hiện nay, trên địa bàn Thành phố còn bao nhiêu điểm thường xuyên ngập úng và giải pháp, lộ trình khắc phục đảm bảo dứt điểm tình trạng này?
Trả lời nội dung này, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết: Hàng năm, ngay từ tháng 3-4, Thành phố đã ban hành kế hoạch về thoát nước mùa mưa. Năm 2024, Thành phố cũng đã sớm ban hành kế hoạch này. Trong triển khai kế hoạch thoát nước mùa mưa, các đơn vị đã chủ động rà soát, cảnh báo, xây dựng kịch bản đối với các tình huống cụ thể để ứng trực, đối phó kịp thời.
Hiện nay, với tình hình dự báo, điều kiện hạ tầng và với các trận mưa từ 50-70mm thì Thành phố vẫn còn 11 điểm ngập úng; nếu trên 100mm thì có thêm 19 điểm úng ngập; tổng cộng có 30 điểm úng ngập. Các điểm úng ngập này đều nằm trong kế hoạch và đã có giải pháp để ứng phó.
Để khắc phục tình trạng úng ngập, theo Giám đốc Sở Xây dựng, ngoài việc tăng cường duy tu, duy trì hệ thống thoát nước để phát huy hiệu quả thì cần tiếp tục đầu tư các hệ thống thoát nước. Trong giai đoạn này, cần tiếp tục đầu tư 2 dự án lớn (Tả Nhuệ và Hữu Nhuệ). Những dự án này khi đưa vào vận hành sẽ đáp ứng, cải thiện và nâng cao khả năng thoát nước của Thành phố.
Theo hanoi.gov.vn