Mô hình chính quyền đô thị bước đầu đạt kết quả tích cực
09:26 15-06-2023
HNP - Sáng 14/6, trình bày tờ trình lấy ý kiến đại biểu về dự thảo Báo cáo sơ kết 2 năm thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, tại Hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, khóa XVII, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết: Qua 2 năm vận hành, mô hình chính quyền đô thị đã bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, các nội dung thí điểm được triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, cơ bản đảm bảo các mục tiêu, mục đích, tiến độ đề ra…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến trình bày tờ trình
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, từ ngày 1/7/2021, thành phố Hà Nội chính thức tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại 175 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây. Sau 2 năm thực hiện thí điểm, mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, các nội dung thí điểm được triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, cơ bản đảm bảo các mục tiêu, mục đích, tiến độ đề ra; tạo sự chuyển biến rõ rệt, có bước đột phá trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở với nhiều kết quả nổi bật.
Cụ thể, việc vận hành mô hình chính quyền đô thị cơ bản diễn ra thuận lợi, hiệu quả, mang lại sự hài lòng cho người dân khi tới làm thủ tục hành chính thông qua việc ủy quyền chứng thực. Các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn bộ máy, ban hành và thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc, vận hành bộ máy bình thường, chưa phát sinh khó khăn, vướng mắc lớn. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy và công tác cán bộ tại các phường đã đảm bảo phù hợp với vị trí việc làm, năng lực chuyên môn.
Ngoài ra, công tác sắp xếp, bố trí công tác và giải quyết các chế độ chính sách đối với Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND phường sau sắp xếp, kiện toàn được thực hiện đúng quy định; không có đơn thư khiếu nại, tố cáo. Việc tổ chức bộ máy chính quyền tại phường được tinh gọn nhưng vẫn đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tổ chức bộ máy chính quyền trong khu vực các quận đã gọn nhẹ hơn, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn.
Bên cạnh đó, phương thức hoạt động của UBND thay đổi theo hướng tích cực góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiệu quả hoạt động của bộ máy được nâng lên. Công tác kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, đặc biệt là sắp xếp nhân sự lãnh đạo HĐND các cấp là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách để vận hành tổ chức bộ máy của HĐND các cấp trong điều kiện thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị.
Đồng chí cho biết, trước thời điểm 1/7/2021, khi chưa thực hiện thí điểm chính quyền đô thị, số lượng cán bộ, công chức phường là 2.704 người. Đến 1/7/2021, các quận và thị xã Sơn Tây đã hoàn thành công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tại 175/175 phường. Theo đó, bổ nhiệm 173 Chủ tịch UBND phường, 335 Phó Chủ tịch UBND phường, chuyển 1.944 công chức phường sang công chức thuộc biên chế UBND quận, thị xã quản lý; bố trí sắp xếp các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND phường do không tổ chức HĐND phường.
Trước khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, biên chế các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường và các chức danh công chức phường của 175 phường thuộc thành phố Hà Nội là 2.750 người. Sau khi thực hiện thí điểm, chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường và các chức danh công chức phường được xác định thuộc biên chế cấp quận, không còn thuộc biên chế giao cán bộ, công chức cấp xã. Tính đến tháng 3/2023, số lượng công chức phường có mặt là 2.349 người, số lượng công chức phường còn thiếu so với biên chế giao là 276 người.
Có thể thấy, việc sắp xếp tổ chức bộ máy và công tác cán bộ tại các phường đã cơ bản phù hợp với năng lực chuyên môn của công chức. Sau sắp xếp, tư tưởng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ổn định, không phát sinh đơn thư, khiếu nại tố cáo; việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Trong đó, đặc biệt là giải quyết các thủ tục hành chính theo thẩm quyền vẫn được tiến hành ổn định, đạt hiệu quả tích cực; chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân với kết quả giải quyết của chính quyền cơ bản được giữ ổn định và ở mức cao…
Bên cạnh những kết quả trên, quá trình thực hiện sau 2 năm vẫn còn gặp những hạn chế, khó khăn như: Khối lượng công việc của HĐND các quận, thị xã tăng lên nhưng số lượng đại biểu HĐND quận, thị xã so với nhiệm kỳ trước giảm, số lượng Phó Chủ tịch HĐND chỉ còn 1 người. Do vậy, nhiệm vụ của các đại biểu HĐND quận, thị xã hoạt động chuyên trách nặng nề hơn với nhiệm kỳ trước. Ngoài ra, với quy mô dân số trung bình của các phường thuộc các quận lớn gây áp lực trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với công chức phường. Số lượng biên chế công chức làm việc bình quân tại các phường là 15 người/phường, về cơ bản bằng mức bình quân công chức cấp xã, chưa có cơ chế chính sách đặc thù đối với các phường có quy mô dân số lớn…
Để tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức, bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liên thông, phù hợp với vài trò, vị trí và yêu cầu phát triển, quản lý của Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới, Thành ủy Hà Nội xác định, thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Trong đó, quyết liệt chỉ đạo các cơ quan liên quan của Thành phố khẩn trương khắc phục hạn chế, tồn tại. Đồng thời, tăng cường công tác nắm bắt, hướng dẫn của cấp trên đối với cấp dưới, kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập đã được chỉ ra theo thẩm quyền để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng kiến nghị các cấp nghiên cứu, sửa đổi Luật Thủ đô theo hướng quy định mô hình chính quyền các cấp của Thủ đô Hà Nội theo hướng giữ nguyên và ổn định như nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ (không tổ chức HĐND phường). Ngoài ra, bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc thành phố Hà Nội và tăng số lượng, tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách để có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Theo hanoi.gov.vn