Nhiều ý kiến đóng góp tại hội thảo khoa học 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ Thành phố

10:59 17-03-2025

HNP - Tham luận tại Hội thảo khoa học “95 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội-Tầm vóc, ý nghĩa lịch sử (17/3/1930-17/3/2025)” các đại biểu đã làm rõ hơn các giá trị cốt lõi của sự kiện 95 năm thành lập Đảng bộ Hà Nội (1930 - 2025). Đồng thời, phân tích, đánh giá làm sâu sắc thêm những bài học kinh nghiệm về sự phát triển của thành phố Hà Nội trong 95 năm qua.

Quang cảnh hội thảo khoa học

Quang cảnh hội thảo khoa học

Trình bày tham luận: 95 năm thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội-Tầm vóc và ý nghĩa lịch sử, PGS.TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Ngày 17/3/1930, tại nhà số 42 phố Hàng Thiếc, Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ Hà Nội được thành lập, gồm 3 đồng chí: Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Ngọc Vũ và Lều Thọ Nam; đồng chí Đỗ Ngọc Du được cử làm Bí thư Thành ủy lâm thời, đánh dấu sự ra đời của tổ chức Đảng và mở ra thời kỳ phát triển mới trong phong trào cách mạng của thành phố Hà Nội. Việc thành lập Đảng bộ Hà Nội là sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn đối với phong trào cách mạng của cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Trải qua 95 năm xây dựng và trưởng thành, với trí tuệ, bản lĩnh kiên cường, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã vận dụng sáng tạo các cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng vào điều kiện thực tế của Thủ đô; đồng thời, linh hoạt trong chỉ đạo thực tiễn để khơi dậy và phát huy sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân kết hợp với sức mạnh thời đại, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân giành độc lập, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến hành công cuộc đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Nhiều ý kiến đóng góp tại hội thảo khoa học 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ Thành phố- Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu

Phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến-Văn minh-Hiện đại" là một nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần "Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước". Đây là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội. Vì vậy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội cần tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô Hà Nội-từ cực tăng trưởng đến động lực phát triển của đất nước; kết hợp hài hòa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế và giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó, văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô. 

Xác định 5 trụ cột phát triển Thủ đô: Văn hóa và di sản; phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn; hạ tầng đồng bộ, giao thông văn minh, hiện đại; xã hội số, đô thị thông minh, kinh tế số; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, xác định 4 khâu đột phá chiến lược: Tạo lập thể chế quản trị vượt trội; phát triển hệ thống hạ tầng kết nối, đồng bộ; đặc biệt là đường sắt đô thị; phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và khai thác tài nguyên nhân văn; phát triển đô thị, cải tạo môi trường và cảnh quan.

Thực hiện tốt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và các đồ án quy hoạch, đặc biệt là Quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh, quy hoạch xây dựng vùng huyện trên địa bàn cũng như các quy hoạch đặc thù khác. Triển khai Luật Thủ đô trên thực tế, với những thuận lợi căn bản trong phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh mang tính dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị; có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa.

Trong tham luận về: Sự chủ động sáng tạo của Đảng bộ Hà Nội trong tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chỉ rõ: Từ khi thành lập, mặc dù phải hoạt động trong hoàn cảnh bí mật, gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ Hà Nội luôn thể hiện cao độ quyết tâm, luôn bám sát cơ sở, sáng tạo ra những hình thức hoạt động phù hợp với hoàn cảnh, từng bước lãnh đạo nhân dân nội, ngoại thành, phối hợp chặt chẽ với Đảng bộ các địa phương Hà Đông, Sơn Tây… duy trì và phát triển hoạt động, xây dựng, củng cố tổ chức. Vì thế, tổ chức và hoạt động lãnh đạo của Đảng bộ Hà Nội tuy có nhiều thay đổi nhưng vẫn diễn ra liên tục, không bị gián đoạn qua các thời kỳ thực dân Pháp và tay sai tiến hành khủng bố trắng (1932-1935), thời kỳ Mặt trận dân chủ (1936-1939) góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng ở Hà Nội phát triển. Bên cạnh đó, Đảng bộ Hà Nội đã nhạy bén trong phân tích tình hình, phát hiện thời cơ phát động khởi nghĩa đã tới khi phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh nên đã nhanh chóng huy động, tập hợp lực lược, tổ chức liên tiếp các cuộc mít tinh, tuần hành, tạo áp lực đối với chính quyền thân Nhật và cả quân Nhật đang đóng ở Hà Nội; Ngoài ra, Đảng bộ Hà Nội đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa một cách linh hoạt, quyết đoán. Đặc biệt, đã lãnh đạo kết hợp đấu tranh chính trị, huy động lực lượng, sức mạnh của quần chúng, sử dụng đấu tranh chính trị là chủ yếu, có các đội vũ trang, tự vệ phối hợp, hỗ trợ.

Nhiều ý kiến đóng góp tại hội thảo khoa học 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ Thành phố- Ảnh 2.

TS Đinh Ngọc Quý trình bày tham luận

Tham luận về đồng chí Đỗ Ngọc Du, Bí thư Thành ủy đầu tiên của Đảng bộ Hà Nội (3/1930-5/1930), TS Đinh Ngọc Quý cho biết: Đồng chí Đỗ Ngọc Du (bí danh Phiếm Chu), sinh ngày 20/12/1907, tại Hải Dương, quê gốc xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông, nay thuộc Hà Nội. Ông là Bí thư đầu tiên của Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Hà Nội. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Đỗ Ngọc Du tuy không dài, nhưng gắn liền với bước ngoặt quan trọng của phong trào cách mạng Hà Nội thời dựng Đảng.

Ngay sau khi ra đời, Đảng bộ Hà Nội, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Đỗ Ngọc Du đã đẩy mạnh công tác xây dựng và củng cố tổ chức Đảng, cơ sở cách mạng và công tác vận động quần chúng, chống lại sự đàn áp ngày càng khốc liệt của thực dân Pháp. Nhiều cuộc đấu tranh của công nhân, tiểu thương, học sinh, sinh viên Hà Nội đã diễn ra sôi nổi. Hà Nội trở thành trung tâm tiêu biểu của phong trào đấu tranh yêu nước và cách mạng.

Tháng 6/1931, đồng chí Đỗ Ngọc Du bị mật thám Pháp sang tô giới Anh bắt khi đang tuyên truyền cách mạng cho binh lính ở Vườn hoa Hồng Khẩu (Thượng Hải, Trung Quốc). Do hậu quả những năm tháng bị địch đầy ải, tra tấn trong tù, đồng chí qua đời ngày 12/1/1938 tại phố Long Châu, Hà Nội, khi mới 31 tuổi.

Với lòng yêu nước nồng nàn, tự nguyện dấn thân vào con đường cách mạng đầy gian khổ và hy sinh, đồng chí Đỗ Ngọc Du thuộc lớp đảng viên đầu tiên đã có nhiều đóng góp cho việc thành lập Đảng bộ Hà Nội và trở thành một trong những lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng bộ Thành phố.

Tham luận của Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên về: Những đóng góp của Thiếu tướng Nguyễn Sơn với phong trào cách mạng quốc tế: Thiếu tướng Nguyễn Sơn (tên khai sinh Vũ Nguyên Bác), quê làng Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc thành phố Hà Nội). Ông sinh ngày 01/10/1908, tham gia hoạt động cách mạng khi mới 16 tuổi. "Lưỡng quốc tướng quân" Nguyễn Sơn là một chiến sĩ cộng sản ưu tú, một tấm gương sáng về tinh thần quốc tế vô sản cao cả, một vị tướng có công lao lớn đối với sự nghiệp cách mạng hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Ông là vị tướng nước ngoài duy nhất của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc sinh thời, đã từng khẳng định: "Nguyễn Sơn là một chiến sĩ quốc tế đã để lại tấm gương tốt đẹp về tình hữu nghị giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Trung Quốc".

Nhiều ý kiến đóng góp tại hội thảo khoa học 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ Thành phố- Ảnh 3.

GS Lê Xuân Tùng trình bày tham luận

Trình bày: Bài học kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Hà Nội, GS Lê Xuân Tùng nêu rõ: Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, đối ngoại của cả nước, nơi có dân cư đô thị lớn, có đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng. Hà Nội là nơi các cơ quan đầu não của Trung ương đóng. Những diễn biến, hoạt động hàng ngày của địa phương được Trung ương nắm bắt ngay.

 

Vì vậy, GS Lê Xuân Tùng đã khẳng định tầm quan trọng của công tác cán bộ, bởi mọi sự thành bại trong công tác, một phần do cán bộ quyết định. Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ phải có kế hoạch nâng cao trình độ lý luận và thực tiễn thường xuyên. Mặt khác, cấp ủy có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để nâng cao trình độ. Đậc biệt, việc lựa chọn cán bộ vào vị trí chủ chốt, có trường hợp phải có tầm nhìn xa, phát hiện sớm rồi trải qua đào tạo.

Theo hanoi.gov.vn