Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn làm việc với quận Hoàn Kiếm

09:45 26-10-2023

HNP - Chiều 25/10, tại trụ sở UBND quận Hoàn Kiếm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn đã làm việc với quận Hoàn Kiếm về công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc, giao thông và phát triển đô thị trên địa bàn quận.

Quang cảnh buổi làm việc

 

Tham dự buổi làm việc còn có lãnh đạo một số Sở, ngành Thành phố. Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm có Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Vũ Đăng Định; Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Phạm Tuấn Long; Phó Chủ tịch UBND quận Trịnh Hoàng Tùng cùng lãnh đạo các phòng, đơn vị liên quan.
 
Báo cáo về công tác triển khai thực hiện quản lý quy hoạch, kiến trúc, giao thông và phát triển đô thị, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Trịnh Hoàng Tùng cho biết, quận đã phối hợp các Sở, ngành Thành phố lập và triển khai thực hiện các quy hoạch phân khu đô thị khu phố cổ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, khu phố cũ, các quy hoạch chuyên ngành: quy hoạch không gian ngầm đô thị, quy hoạch các điểm đỗ xe, bến đỗ xe, tổ chức giao thông trên địa bàn quận… Đồng thời, thực hiện tốt công tác cấp phép xây dựng, quản lý quy hoạch, kiến trúc theo các đồ án được duyệt…
 
Về công tác cải tạo, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật đô thị: Hoàn Kiếm đã hoàn thành 100% việc hạ ngầm hệ thống cáp điện lực, thông tin trên toàn bộ khu phố cũ, khu phố cổ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận (156 phố); đã thực hiện chỉnh trang 48 tuyến phố để tạo lập cảnh quan đô thị phục vụ phát triển du lịch, kinh tế xã hội của quận; hoàn thành cải tạo, nâng cấp 4 vườn hoa và đang nghiên cứu triển khai thực hiện cải tạo, nâng cấp các vườn hoa còn lại.
 
Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định báo cáo tại buổi làm việc
 
Quận cũng phối hợp Sở Xây dựng, các chủ công trình chỉnh trang 2 biệt thự, 8 công trình có giá trị kiến trúc trước năm 1954; đã lập Đề án nghiên cứu các giải pháp phát triển giao thông tại 2 phường Chương Dương, Phúc Tân trong đó đề xuất mở rộng các cửa khẩu, các tuyến đường trục dọc kết nối giao thông chính và các đường trục ngang kết nối giao thông giữa khu vực ngoài đê và khu vực trong đê; triển khai dự án khai thác phát huy giá trị 131 vòm cầu dẫn đường sắt phía Nam cầu Long Biên...
 
Công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng, an toàn giao thông trên địa bàn quận có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ công trình xây dựng có giấy phép đạt trên 99%, 100% công trình xây dựng được kiểm soát. Quận cũng tập trung xử lý các điểm, tụ điểm phức tạp về trật tự đô thị, các trường hợp kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, phương tiện dừng đỗ sai quy định, xử lý nghiêm các điểm trông giữ không phép, sai phép, thu quá giá quy định...
 
Mặc dù vậy, quận Hoàn Kiếm cũng thừa nhận, đô thị quận là đô thị cổ, cũ đã hình thành từ rất nhiều năm nên hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội đều bất cập, nhiều vấn đề không đáp ứng được tiêu chuẩn quy định hiện tại của nhà nước. Đặc biệt, quận thu hút rất đông du khách, thương nhân nên còn tình trạng quá tải về hạ tầng kỹ thuật đô thị, dễ gây bức xúc cho nhân dân, như vấn đề giao thông tĩnh, giao thông động, vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, quận cũng là đô thị di sản nên rất nhiều các quy định về kiến trúc quy hoạch khá chặt chẽ và hạn chế phát triển, mâu thuẫn với nhu cầu phát triển nhà ở, cơ sở kinh doanh dịch vụ của nhân dân và các tổ chức...
 
Quận Hoàn Kiếm đã có 14 kiến nghị đề xuất UBND Thành phố, các sở, ngành chỉ đạo, hướng dẫn, gỡ vướng trong công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc, giao thông và phát triển đô thị như: Sớm ban hành quy hoạch phân khu ga Hà Nội và các quy chế quản lý kiến trúc các khu vực; ban hành hướng dẫn chung về việc cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình nhà ở riêng lẻ tại các khu vực dân cư tập trung hiện có trên bãi sông; đề nghị UBND Thành phố chấp thuận cho phép quận được sử dụng quỹ đất sau khi di dời các hộ dân tại các nhà gỗ trên địa bàn phường Chương Dương để đầu tư xây dựng trường học và trung tâm y tế; chấp thuận cho quận đầu tư các bãi đỗ xe ngầm, nổi trên địa bàn quận...
 
Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy trao đổi với quận Hoàn Kiếm
 
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các Sở, ngành cũng đã trao đổi, làm rõ các nội dung kiến nghị của quận Hoàn Kiếm.
 
Kết luận buổi làm việc, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn đánh giá, quận Hoàn Kiếm dù quy mô diện tích nhỏ, nhưng là quận trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Thành phố, có lợi thế về nội hàm lịch sử, văn hóa. Quận cũng đã khai thác thế mạnh, liên tục phát triển về kinh tế, thương mại, du lịch, dịch vụ... 
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh, trong công tác cải tạo nâng cấp, chỉnh trang đô thị, việc tái thiết đô thị tại quận Hoàn Kiếm phải là số một. Trong đó, với vị trí, vị thế, vai trò, tiềm năng ở cả hiện tại và tương lai, quận Hoàn Kiếm cần phải hoàn chỉnh không gian kiến trúc cảnh quan hạ tầng toàn quận; kết nối phát triển đồng bộ khu vực trong và ngoài đê. Đây cần xác định là nhiệm vụ bao trùm, đưa quận trở thành một vùng giá trị về cả không gian đô thị, hồn cốt đô thị.
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn phát biểu kết luận buổi làm việc
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn cho hay, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có đề xuất quy định cho hoán đổi, điều chỉnh chức năng các ô đất, ô quy hoạch để tái cấu trúc, kiến tạo giá trị mới; nằm trong vùng di sản, vì vậy quận cần phải triển khai đồng bộ, toàn diện hệ thống thiết kế đô thị các tuyến phố. Trong đó, có các tuyến phố tài chính: Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư; trục kết nối trung tâm chính trị thành phố, Trung ương: Hàng Khay - Tràng Tiền - Nhà hát Lớn, Tràng Tiền - Tràng Thi - Điện Biên Phủ; tuyến phố kết nối phố cổ và trung tâm Hoàng Thành Thăng Long: Phùng Hưng - Gầm Cầu. Hoàn Kiếm cũng cần triển khai ngay thiết kế đô thị Quảng trường Đông kinh Nghĩa thục, hòa nhập với không gian hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, tạo thành quảng trường quan trọng, xứng tầm thời đại...
 
Bên cạnh đó, Hoàn Kiếm cần phát triển không gian chức năng và hạ tầng khu vực ngoài đê; nghiên cứu phát triển hai phường ngoài đê là trở thành một điểm hội tụ mới về bến thủy nội địa, trục phát triển sông Hồng.
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố lưu ý, do là vùng di sản, nên trong công tác phát triển, tái thiết đô thị, quận Hoàn Kiếm cần vừa bảo vệ vùng di sản, vừa phát huy, nâng tầm, vì vậy cần phải xử lý nghiêm trật tự xây dựng, trật tự đô thị, trật tư an toàn giao thông, vệ sinh môi trường... Đồng thời, khéo léo gắn với quản lý phát triển đô thị thông minh, quận số, chính quyền số...
 
Về các kiến nghị của quận Hoàn Kiếm, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cơ bản tán thành, ủng hộ và giao các Sở, ngành nghiên cứu, phối hợp giải quyết...

 

Theo hanoi.gov.vn