Sớm đưa Luật Thủ đô vào thực tiễn, tạo động lực mới để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững
09:40 15-11-2024
HNP - Sáng 14/11, tại Hội thảo khoa học "Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn", các ý kiến tham luận đã đề xuất nhiều giải pháp phát triển Thủ đô bền vững, hiện đại.
Tham luận tại Hội thảo, GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh đến việc xây dựng và hoàn thiện chính quyền Thủ đô theo định hướng tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và thực hiện Luật Thủ đô năm 2024.
Theo GS.TS Trần Ngọc Đường, xây dựng đô thị thông minh là xu thế tất yếu, cần có sự tham gia, phối hợp từ Chính phủ, chính quyền đô thị, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư. Việc xây dựng mạng lưới dịch vụ pháp lý đủ mạnh để giúp người dân và doanh nghiệp thực hiện và sử dụng pháp luật hiệu quả, từng bước hình thành xã hội pháp quyền, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành nếp sống của người dân Thủ đô".
Còn TS. Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng khoa Pháp luật hành chính, nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh đến nhiệm vụ bảo đảm chất lượng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Thủ đô. Chất lượng của các văn bản quy định chi tiết Luật Thủ đô được đánh giá trên cơ sở các tiêu chí về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, tính khả thi... Vì vậy, việc kiểm soát chất lượng của các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật thuộc trách nhiệm của cơ quan thẩm định, thẩm tra dự thảo nghị định, nghị quyết, quyết định và thông tư trong giai đoạn soạn thảo văn bản.
Tham luận tại Hội thảo, TS. Cao Đức Phát, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định, Hà Nội là địa phương đi tiên phong cả nước trong phát triển nông nghiệp, với 100% xã đạt tiêu chuẩn NTM và 40% xã đạt tiêu chuẩn NTM nâng cao.
Tuy nhiên, TS. Cao Đức Phát cho rằng, phát triển nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội cũng đứng trước nhiều thách thức khi quỹ đất nông nghiệp giảm nhanh, hiệu quả sử dụng đất chưa cao, năng suất đất trồng lúa còn chưa cao. Trong khi đó, việc xây dựng NTM còn dàn đều, không có điểm nhấn; thu nhập của người làm nông nghiệp còn thấp so với khu vực nội đô; ô nhiễm môi trường gây bức xúc dư luận.
Để đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển một số lĩnh vực trọng tâm liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn, theo TS. Cao Đức Phát, Thành phố cần sớm có quyết sách về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số. Đồng thời, sớm có chủ trương, định hướng và cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp đô thị. Đặc biệt là xây dựng một nền nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá cao ý kiến tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, tập trung vào những nội dung quan trọng, nội dung khó, đóng góp cho Thành phố những giải pháp, cách thức triển khai thi hành Luật Thủ đô.
Đồng chí cho biết đây là lần đầu tiên Thành phố tổ chức Hội thảo khoa học lớn để triển khai thực hiện, cụ thể hóa các nội dung của Luật Thủ đô sau khi được Quốc hội thông qua. Hội thảo nhằm chuẩn bị cho kỳ họp HĐND Thành phố vào tháng 12 tới khi Thành phố cụ thể hóa các điều trong Luật.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, các tham luận và ý kiến tại Hội thảo thể hiện mong muốn Luật Thủ đô sớm đi vào thực tiễn, có tính khả thi cao, tạo điều kiện như mục tiêu của Luật là tháo gỡ điểm nghẽn nhằm tạo động lực mới để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững".
Phân tích các đặc thù cũng như 4 chức năng của Hà Nội mà ít thủ đô của các nước trên thế giới có, như là trung tâm chính trị, hành chính, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học giáo dục, động lực của vùng… Đồng thời, không có thủ đô nào trên thế giới, xã nhiều hơn phường, huyện nhiều hơn quận, người dân sống ở nông thôn nhiều hơn người dân sống ở đô thị, song Hà Nội được xếp vào loại đô thị đặc biệt, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, việc triển khai Luật Thủ đô cùng với các Nghị quyết, Chỉ thị quan trọng của Trung ương như một cú hích quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để Hà Nội phát triển nhanh và bền vững; thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị khóa XIII.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong, việc cụ thể hóa các nội dung trong Luật Thủ đô cũng như triển khai thực hiện hiệu quả là những vấn đề mới với Hà Nội. Vì thế, Hội thảo không chỉ cung cấp thêm cho Thành phố những căn cứ về lý luận khi triển khai cụ thể hóa Luật Thủ đô, mà còn có thêm các căn cứ thực tiễn để triển khai Luật đi vào cuộc sống, bảo đảm yếu tố đặc trưng, đặc thù của Luật.
Trên cơ sở các ý kiến tham luận tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị HĐND, UBND Thành phố và các đơn vị liên quan tiếp thu một cách nghiêm túc để cụ thể hóa vào các nội dung của Luật thuộc thẩm quyền của Thành phố.
Đồng thời, rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của Tạp chí Cộng sản trong việc nghiên cứu lý luận; sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học vào việc xây dựng các văn bản pháp luật để cụ thể hóa, triển khai thi hành Luật Thủ đô.
Theo hanoi.gov.vn