Tạo động lực mới cho Thủ đô Hà Nội theo các giai đoạn quy hoạch

10:29 02-08-2023

HNP - Ngày 1/8, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, đơn vị liên danh tư vấn phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, tổ chức Hội thảo lấy ý kiến sở ngành, chuyên gia về phương án phát triển không gian đô thị, nông thôn tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải chủ trì Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo

 

Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cho biết, Hà Nội đang triển khai đồng thời hai quy hoạch lớn gồm: lập Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô. Nhằm lấy ý kiến đóng góp của các sở ngành, quận huyện, chuyên gia, nhà khoa học cho ý tưởng lập Quy hoạch Thủ đô, đơn vị lập quy hoạch phối hợp với đơn vị tư vấn đã lên kế hoạch làm việc với từng lĩnh vực chuyên ngành nhằm trao đổi về các định hướng lớn về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã được Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố thông qua.  
 
Đánh giá phương án phát triển không gian đô thị, nông thôn là nội dung lớn, quan trọng của Quy hoạch Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các ý kiến đóng góp trung ý kiến nêu được khát vọng của nhân dân, kỳ vọng của lãnh đạo Thành phố, nêu bật được tính đột phá phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới.
 
Báo cáo tóm tắt về định hướng phát triển không gian đô thị, nông thôn tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại diện Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (đơn vị danh tư vấn) cho biết, mục tiêu của quy hoạch nhằm phát triển Thủ đô Hà Nội là Thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; Thành phố kết nối toàn cầu, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
 
Đại diện Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia báo cáo tại Hội thảo
 
Phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị; có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa.
 
Thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, thành phố trực thuộc thành phố; Quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại khu vực trung tâm; Rà soát và triển khai đồng bộ các chương trình cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị. Ưu tiên phát triển các đô thị nhỏ và vùng ven đô để hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua các mối liên kết đô thị - nông thôn. Đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về văn hóa, lịch sử, di sản, du lịch, đô thị gắn với những địa bàn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch kết hợp hài hòa với phát triển nông thôn, bảo vệ môi trường cảnh quan, tạo sự bền vững.
 
Phương án quy hoạch cũng nhấn mạnh, sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hoà hai bên sông của Hà Nội. Nghiên cứu tăng tỉ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục đường Nhật Tân - Nội Bài (Võ Nguyên Giáp); quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng. Quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn hài hoà, gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống, kết nối đồng bộ với quy hoạch khu vực đô thị; khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên vùng nông thôn, hành lang xanh kết hợp với phát triển du lịch xanh hài hoà, gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống, kết nối đồng bộ với quy hoạch khu vực đô thị; khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên vùng nông thôn, hành lang xanh kết hợp với phát triển du lịch xanh.
 
Về không gian xây dựng đô thị Hà Nội, sẽ phát triển mạng lưới đa trung tâm theo mô hình đa cực. Hình thành các trung tâm chức năng cấp vùng, quốc gia và quốc tế để tạo nên động lực cho các khu vực phát triển đô thị mở rộng. Các trung tâm cấp quốc gia nằm phía Nam sông Hồng, các trung tâm chức năng quốc tế nằm phía Bắc sông Hồng. Trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia ở khu vực Ba Đình; trung tâm thành phố Hà Nội tiếp tục giữ tại khu vực Hồ Gươm. Phát triển các trung tâm khoa học công nghệ, dịch vụ quốc tế, tài chính quốc tế, đổi mới sáng tạo… để tạo động lực phát triển mới cho Thủ đô và góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển lan tỏa vùng và quốc gia. Dự trữ không gian để phát triển các chức năng, trung tâm mới trong tương lai tại phía Tây và phía Bắc. Xem xét lại Phương án di dời trường học, bệnh viện, nhà máy.
 
Đối với phương án phát triển nông thôn, tổ chức không gian mạng lưới các khu dân cư nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, phân bố hệ thống điểm dân cư nông thôn, bố trí sáp nhập các xã. Xác định các vùng, khu vực dành cho mục tiêu phát triển các khu dân cư nông thôn trên địa bàn Thủ đô theo từng giai đoạn quy hoạch. Xây dựng mô hình phát triển, cấu trúc hệ thống khu dân cư nông thôn phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội (mô hình dân cư vùng nông nghiệp, mô hình dân cư vùng ven các đô thị...).
 
Xác định các khu dân cư nông thôn gắn với xây dụng nông thôn mới và dự kiến chuyển đổi thành đô thị. Xác định mạng lưới, vị trí, quy mô các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật có tính liên huyện có vai trò quan trọng đối với phát triển hệ thống các khu dân cư nông thôn. Xây dựng phương án sử dụng đất phát triển các khu dân cư nông thôn. Đề xuất danh mục dụ án ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống các khu dân cư nông thôn. 
 
Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh phát biểu tại Hội thảo
 
Đóng góp ý kiến cho ý tưởng phương án phát triển không gian đô thị, nông thôn tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, lãnh đạo các Sở, ngành Thành phố cùng các chuyên gia, nhà khoa học về quy hoạch xây dựng đô thị đã chỉ ra những vấn đề chưa đề cập hoặc đề cập còn mờ nhạt và cần bổ sung những nội dung còn thiếu. Trong đó, yêu cầu đơn vị tư vấn cần nghiên cứu kỹ thêm các Nghị quyết của Trung ương, cụ thế hóa các ý tưởng tại các Nghị quyết vào phương án. Đặc biệt, các chuyên gia nhấn mạnh cần chú trọng quy hoạch không gian xanh, không gian văn hóa, hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa,… Có như vậy mới làm rõ được nội hàm xây dựng Thành phố Hà Nội xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại.
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải phát biểu kết luận Hội thảo
 
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải nhấn mạnh, phát triển không gian, đô thị nông thôn trong quy hoạch Thủ đô Hà Nội là nội dung rất quan trọng, cùng với phát triển kinh tế, sẽ là phần cốt lõi của Quy hoạch Thủ đô. Các phương án, ý tưởng ban đầu đơn vị tư vấn đưa ra thể hiện các đơn vị đã có sự chuẩn bị nghiêm túc, lắng nghe, cầu thị và tinh thần trách nhiệm trong thực hiện. Các chuyên gia trong lĩnh vực đưa ra các gợi ý hữu ích không chỉ cho đơn vị tư vấn mà giúp lãnh đạo các sở ngành, thành phố học hỏi và áp dụng được ngay trong thực tiễn. 
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các Viện, các Sở và đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu kỹ, phân rã các Nghị quyết của Trung ương, đặc biệt các Nghị quyết liên quan đến Hà Nội để thống nhất đầy đủ trong nhận thức; đánh giá đầy đủ, khách quan hiện trạng thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để tiếp tục kế thừa, điều chỉnh cũng như nhấn mạnh về một số nội dung cốt yếu trong xây dựng Quy hoạch, như: xác định văn hoá con người vừa là mục tiêu, nền tảng động lực phát triển; tập trung vào chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và tuần hoàn; xây dựng quy hoạch động - mở - thông minh thể hiện tầm nhìn, linh hoạt  phù hợp với xu hướng phát triển…

Theo hanoi.gov.vn