Tập trung rà soát tổng thể, cân đối bổ sung nguồn lực thực hiện các dự án thuộc 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa

09:19 29-09-2023

HNP - Sáng 28/9, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban Chỉ đạo triển khai đầu tư, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích, trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo, của thành phố Hà Nội đã chủ trì Hội nghị giao ban triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo những tháng cuối năm 2023.

Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị

 

Dự Hội nghị có Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà, Phó Trưởng ban Chỉ đạo; các thành viên Ban Chỉ đạo; đại diện lãnh đạo các sở, ngành của thành phố và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã.
 
Báo cáo tại Hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) cho biết, kế hoạch vốn đầu tư 3 lĩnh vực theo Nghị quyết 02/NQ-HĐND, ngày 8/4/2022, của HĐND Thành phố, giai đoạn 2021-2025, là 41.105,5 tỷ đồng để thực hiện 1.310 dự án (227 dự án cấp Thành phố; 1.083 dự án cấp huyện), trong đó: lĩnh vực giáo dục: 20.913,8 tỷ đồng với 653 dự án; lĩnh vực y tế: 10.407,5 tỷ đồng với 237 dự án; Lĩnh vực di tích: 9.784,5 tỷ đồng với 420 dự án. 
 
Theo Nghị quyết số 12/NQ-HĐND, ngày 4/7/2023, của HĐND Thành phố, tổng kế hoạch, trong giai đoạn 2021-2025, sau điều chỉnh là 37.746,3 tỷ đồng thực hiện 1.301 dự án. 
 
Về kết quả bố trí vốn và giải ngân năm 2021-2023, tính đến tháng 8/2023, ngân sách Thành phố đã bố trí 16.083,61 tỷ đồng để thực hiện 854 dự án (gồm các dự án thuộc nhiệm vụ chi ngân sách Thành phố và hỗ trợ cấp huyện). Trong đó, Dự án Thành phố quản lý đã bố trí 1.771,17 tỷ đồng cho 40 dự án; Hỗ trợ cấp huyện đã bố trí 14.327,47 tỷ đồng cho 814 dự án (đạt 65,6% kế hoạch ngân sách Thành phố hỗ trợ giai đoạn 2021-2025).
 
Ngân sách huyện đối ứng đạt 1.824,4/6.045,5 tỷ đồng, đạt 30,2% tổng vốn ngân sách huyện cần đối ứng giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, theo đồng chí Lê Anh Quân, hiện nay, tại các huyện, thị xã việc sử dụng ngân sách huyện đối ứng chưa đảm bảo đủ trách nhiệm để hoàn thành dự án do nguồn thu đấu giá đất hạn chế; một số huyện bố trí đối ứng dưới 30%. Do vậy, các huyện, thị xã đề xuất ngân sách Thành phố bổ sung kinh phí hỗ trợ mục tiêu cho cấp huyện để bù đắp phần kinh phí đối ứng ngân sách Thành phố mà huyện không có khả năng; điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư; điều chỉnh tăng kinh phí hạng mục xây lắp, thiết bị trong cơ cấu tổng mức đầu tư. 
 
Quang cảnh Hội nghị
 
Theo kế hoạch vốn đã bố trí và kết quả giải ngân năm 2021-2023, tính đến ngày 26/9/2023, đã phê duyệt chủ trương đầu tư 1.264 dự án/1.301 dự án (đạt 97,1% số dự án thực hiện trong giai đoạn 2021-2025). Đã phê duyệt 907 dự án/1.301 dự án, đạt 69,6%, trong đó, đã khởi công và triển khai xây dựng 618 dự án/1.301 dự án đạt 47,5%. 
 
Về kết quả  rà soát đối với đề nghị tăng quy mô đầu tư, tăng mức vốn hỗ trợ đối với các trường THPT phân cấp, theo báo cáo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, có 22 đơn vị (8 quận và 14 huyện)  gửi báo cáo rà soát tăng quy mô đầu tư và tổng mức đầu tư của 72 dự án. Thực hiện chỉ đạo của HĐND - UBND Thành phố, ngày 29 và 30/8/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì họp liên Sở (Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng, Tài chính) và 16 quận, huyện, thị xã để rà soát 56 dự án đang đề xuất Thành phố bổ sung vốn hỗ trợ (đối với các đơn vị tự cân đối ngân sách, đã được hướng dẫn xin ý kiến Sở Giáo dục và Đào tạo về quy mô các dự án, chủ động phê duyệt chủ trương đầu tư và bố trí vốn thực hiện theo phân cấp). Sau rà soát, có 14 quận, huyện, thị xã đề nghị tăng mức vốn hỗ trợ đối với 45 dự án  (do tăng quy mô và tổng mức đầu tư) 3.307 tỷ đồng. 
 
Liên sở đề xuất Thành phố hỗ trợ kinh phí xây lắp và thiết bị. Phần kinh phí giải phóng mặt bằng, các chi phí khác thuộc trách nhiệm đối ứng của cấp huyện. Thứ tự ưu tiên gồm: Dự án đã có trong danh mục và sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025; Nhóm dự án thuộc các quận nội đô thiếu trường lớp (Đống Đa, Hoàng Mai); Nhóm dự án cần ưu tiên để bổ sung tiêu chí trường đạt chuẩn thuộc các huyện có đề án lên quận; Nhóm dự án thuộc các huyện khó khăn và có tỷ lệ trường đạt chuẩn thấp so với tỷ lệ bình quân chung của toàn Thành phố (Phú Xuyên, Ứng Hòa, Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Thanh Oai, Mê Linh).
 
Kiểm điểm giao việc theo chỉ đạo tại Thông báo số 03-TB/BCĐ, ngày 14/6/2023, của Ban Chỉ đạo Thành phố, đồng chí Lê Anh Quân cho biết, các đơn vị đã tích cực tháo gỡ vướng mắc cụ thể của các dự án, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt chủ trương đầu tư, so với kỳ họp Ban Chỉ đạo Thành phố ngày 30/5/2023, đã có thêm 190 dự án được duyệt chủ trương đầu tư, 56 dự án mới được phê duyệt, 64 dự án mới được bố trí vốn và khởi công.
 
Đại diện các đơn vị báo cáo, trao đổi tại Hội nghị
 
Tại Hội nghị, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà, đại diện lãnh đạo các quận, huyện, sở, ngành, như: Phú Xuyên, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Thạch Thất, Mê Linh, Đông Anh, Hoài Đức, Thường Tín, Cầu Giấy, Đống Đa... đã báo cáo một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện các dự án tại địa phương; đồng thời, kiến nghị, đề xuất một số giải pháp để điều chỉnh quy hoạch, huy động nguồn vốn, xác định vị trí ưu tiên các danh mục dự án.
 
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích, trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo, của Thành phố là chủ trương lớn được Thành ủy quan tâm chỉ đạo, đặc biệt Thành ủy đã ban hành Quyết định số 4920-QĐ/TU kiện toàn Ban Chỉ đạo triển khai đầu tư 3 lĩnh vực của thành phố, nhằm đảm bảo kịp thời trong công tác chỉ đạo điều hành.
 
Để đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư của 3 lĩnh vực đạt mục tiêu, yêu cầu, chất lượng, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu UBND Thành phố chỉ đạo các đơn vị Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan rà soát tổng thể, đề xuất cân đối bổ sung nguồn lực để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các trường trung học phổ thông (đã được phân cấp đầu tư cho cấp huyện) trên cơ sở làm rõ việc thay đổi quy mô đầu tư, tăng tổng mức đầu tư của từng dự án xây dựng mới, cải tạo sửa chữa các trường trung học phổ thông được phân cấp đầu tư cho cấp huyện phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành, đảm bảo hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí vốn ngân sách nhà nước. 
 
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu các huyện, thị xã rà soát nguồn vốn, cân đối, bố trí đủ vốn đối ứng cho từng dự án cả trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư công hàng năm của huyện, thị xã để hoàn thành dự án, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng công trình dở dang do thiếu vốn, nợ đọng xây dựng cơ bản; nếu có khó khăn kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo để có hướng tháo gỡ kịp thời.

Theo hanoi.gov.vn