Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp để gia tăng năng lực sản xuất
11:30 10-01-2025
HNP - Chiều 9/1, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Dự Hội nghị có Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền.
Hoàn thành 100% nhiệm vụ trọng tâm
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, trong năm 2024, Sở Công Thương Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, triển khai kịp thời, quyết liệt, đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển và phục hồi kinh tế. Sở đã triển khai hơn 70 sự kiện, chuỗi sự kiện nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp, kích cầu nội địa trên địa bàn Thành phố; tổ chức động thổ, khởi công thêm được 14 cụm công nghiệp; phát triển thêm 07 điểm bán sản phẩm OCOP, đưa tổng số lên trên 110 điểm trên địa bàn Thành phố…
Với những nỗ lực, chủ động, sáng tạo trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ đã thúc đẩy sự phục hồi tích cực của sản xuất công nghiệp, thương mại nội địa, xuất nhập khẩu trong năm 2024. Trong đó: Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp khoảng 6,2% so với năm 2023, đóng góp 0,82 điểm phần trăm vào mức tăng 6,52% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), chiếm 12,6%; giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ khoảng 7,14% so với năm 2023, đóng góp 4,72 điểm phần trăm vào mức tăng 6,52% GRDP (chiếm 72,4%). Về Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dần được kiểm soát, từ mức tăng 5,12% của quý I/2024 đã giảm xuống mức tăng 4,25% của cả năm 2024. Đây cũng là nỗ lực rất lớn trong việc kiềm chế mức tăng CPI của Thành phố.
Hoạt động xuất nhập khẩu của Thành phố trong năm 2024 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc sau khi suy giảm trong năm 2023. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của thành phố Hà Nội cả năm đạt 60,1 tỷ USD, tăng 11,1% so với năm 2023, vượt kế hoạch đề ra.
Đáng chú ý, Sở Công Thương đã hoàn thành 100% các nhiệm vụ trọng tâm theo chương trình công tác và hơn 500 nhiệm vụ đột xuất, nhiệm vụ thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố giao. Cùng với đó, Sở đã tích cực tham mưu UBND Thành phố tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các dự án điện chậm triển khai trên địa bàn, các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, kết nối các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.
Sở Công Thương cũng thực hiện tốt công tác liên kết vùng, hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong cả nước tiêu thụ sản phẩm, cân đối cung - cầu, góp phần thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế giữa Thủ đô Hà Nội và cả nước. Triển khai nhiều chương trình kích cầu, phát triển thương mại điện tử có hiệu quả. Công tác khuyến công được đẩy mạnh, sát với nhu cầu của từng địa phương, làng nghề giúp hỗ trợ các làng nghề ngày càng phát triển…
Ưu tiên phát triển công nghiệp chủ lực
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền ghi nhận, đánh giá cao kết quả ngành Công Thương Thủ đô đã đạt được trong năm 2024. Đồng thời nhất trí với 13 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm năm 2025 được nêu trong báo cáo của Sở Công Thương.
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị Sở Công Thương tiếp tục thực hiện có hiệu quả năm chủ đề năm "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo và phát triển" của Thành phố gắn với chức năng nhiệm vụ của Sở, các chương trình công tác trọng tâm của Thành phố giao, 10 chương trình công tác của Thành ủy (khóa XVII) và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và các nhiệm vụ của Sở theo chức năng nhiệm vụ được giao… Có giải pháp cụ thể để thúc đẩy phát triển công nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư để có những dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương tập trung thu hút đầu tư vào 07 cụm công nghiệp đã hoàn thành công tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật; tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật 27 cụm công nghiệp đã động thổ, khởi công và khởi công nốt 09 cụm công nghiệp đã được thành lập giai đoạn 2018-2020. Tiếp tục kiểm tra, phối hợp với các huyện có cụm công nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động của 70 cụm công nghiệp đang hoạt động.
Trong lĩnh vực thương mại, Sở Công Thương cần tập trung đẩy mạnh công tác hội nhập kinh tế quốc tế, triển khai có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực; đề xuất các giải pháp để tăng trưởng xuất khẩu bền vững. Thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp đưa hàng hóa vào kênh phân phối nước ngoài; đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động " Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường, dự trữ hàng hóa phòng chống thiên tai; tham mưu các giải pháp để tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn, ổn định cung cầu hàng hóa; tăng cường kiểm soát chất lượng và giá cả các mặt hàng, sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống, sức khỏe nhân dân, đảm bảo kiềm chế được lạm phát. Trước mắt tập trung phục vụ tốt nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng lưu ý Sở Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, các Sở, ngành liên quan trong quá trình triển khai chỉ đạo của Trung ương và Thành phố trong quá trình sắp xếp lại mô hình hoạt động, nhanh chóng ổn định tổ chức, hoạt động của lực lượng quản lý thị trường tại địa phương, bảo đảm hoàn thành công tác kiểm tra, giám sát và quản lý thị trường, duy trì mọi hoạt động diễn ra bình thường theo đúng quy định.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội Phạm Anh Minh đã phát động phong trào thi đua năm 2025.
Theo hanoi.gov.vn