Thông tin chỉ đạo, điều hành của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố (Ngày 13/12/2024)
11:17 17-12-2024
HNP - Ngày 12/12, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 364/KH-UBND về việc tổ chức Lễ phát động thực hiện Kế hoạch số 359/KH-UBND ngày 10/12/2024 về Phong trào thi đua Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp thành phố Hà Nội.
VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH
Tổ chức Lễ phát động thực hiện Phong trào thi đua Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp thành phố Hà Nội
Ngày 12/12, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 364/KH-UBND về việc tổ chức Lễ phát động thực hiện Kế hoạch số 359/KH-UBND ngày 10/12/2024 về Phong trào thi đua Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp thành phố Hà Nội.
Mục đích của Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức của Nhân dân về bảo vệ môi trường đô thị và nông thôn, quản lý chất thải, nước thải không khí; gắn kết cộng đồng để chung tay xây dựng, nâng cao môi trường sống cho người dân.
Đồng thời quán triệt về tầm quan trọng, ý nghĩa của Kế hoạch thực hiện Phong trào thi đua Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp trên địa bàn Thành phố.
Lễ phát động dự kiến diễn ra vào 6h30 ngày 17/12/2024, tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Giao 65.015,68m2 đất tại xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh cho Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an để sử dụng vào mục đích an ninh
Ngày 13/12, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 6414/QĐ-UBND về việc giao 65.015,68m2 đất tại xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh cho Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an để sử dụng vào mục đích an ninh.
Cụ thể, giao 65.015,68m2 đất tại xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh cho Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an để sử dụng vào mục đích an ninh theo quy hoạch vị trí đóng quân được Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt tại Quyết định số 1590/QĐ-BCA-H02 ngày 21/3/2024.
Hình thức sử dụng đất: Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất. Thời hạn sử dụng đất: Lâu dài.
Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an có trách nhiệm:
Liên hệ với Bộ Công an để phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng trụ sở Cục Cảnh sát giao thông tại xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh; phê duyệt kết quả thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án theo quy định;
Phê duyệt Phương án sử dụng tầng đất mặt của đất chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa nước theo quy định; Liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường để nhận bàn giao đất trên thực địa và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất theo quy định;
Chịu trách nhiệm xây dựng công trình theo dự án đầu tư, quy hoạch được duyệt và đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành về quy hoạch, đầu tư công, xây dựng, đất đai và các quy định khác có liên quan; Sử dụng đất đúng mục đích, ranh giới, diện tích; thực hiện dự án đầu tư, nghiệm thu, bàn giao công trình đưa vào sử dụng theo đúng quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm bàn giao đất trên thực địa; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất cho Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an theo quy định.
Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội cập nhật đăng ký quyền sử dụng đất, làm thủ tục đăng ký biến động, chỉnh lý biến động đất đai vào hồ sơ địa chính theo quy định.
Kế hoạch thực hiện "Công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông" trên địa bàn thành phố Hà Nội
Ngày 12/12, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 363/KH-UBND về việc Triển khai thực hiện Kế hoạch số 260-KH/TU ngày 30/7/2024 của Thành ủy Hà Nội về thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 05/01/2024 của Bộ Chính trị về "Công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông" trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Kế hoạch đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030:
Đối với phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi: Có ít nhất 60% số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp, 100% số trẻ trong độ tuổi mẫu giáo đến trường. Ưu tiên phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; Toàn Thành phố bao gồm 100% số quận, huyện, thị xã, 100% số xã, phường, thị trấn duy trì, phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Đối với phổ cập giáo dục tiểu học: Có ít nhất 99 % số trẻ em ở độ tuổi 6 tuổi vào lớp 1, 98 % số trẻ em ở độ tuổi 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học, số trẻ em ở độ tuổi 11 tuổi còn lại đang học các lớp tiểu học; Toàn Thành phố bao gồm 100% số quận, huyện, thị xã, 100% số xã, phường, thị trấn duy trì, phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.
Đối với phổ cập giáo dục trung học cơ sở: Có ít nhất 99,0% số thanh niên, thiếu niên độ tuổi 15 đến 18 tuổi có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, 90% số thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi 15 đến 18 tuổi đang học chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp; Toàn Thành phố bao gồm 100% số quận, huyện, thị xã, 100% số xã, phường, thị trấn duy trì, phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.
Đối với xóa mù chữ: Có 99,6% số người trong độ tuổi 15 đến 60 biết chữ mức độ 2, 96% số người mới biết chữ tiếp tục học tập và không tái mù chữ; Toàn Thành phố bao gồm 100% số quận, huyện, thị xã; 100% số xã, phường, thị trấn duy trì, phấn đấu đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2.
Đối với phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông: Duy trì 100% trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương, 100% trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ; Phấn đấu 30% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, phấn đấu 40% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng.
Hoàn thành việc thẩm định, có văn bản thống nhất danh sách cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn thành cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính trước ngày 25/12/2024
Ngày 13/12, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 365/KH-UBND về việc Tổ chức thực hiện Nghị quyết số 25/2024/NQ-HĐND ngày 19/11/2024 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội.
Đối với việc chuyển cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn vào biên chế hành chính cấp huyện, phạm vi, đối tượng gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND xã, thị trấn; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã, thị trấn; Các chức danh công chức xã, thị trấn (Văn phòng - thống kê, Địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã) hoặc Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với thị trấn), Tài chính - kế toán, Tư pháp - hộ tịch, Văn hóa - xã hội, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự) được tuyển dụng theo quy định trước ngày 01/01/2025.
Tiến độ thực hiện: UBND huyện, thị xã hoàn thành việc rà soát, lập danh sách, gửi hồ sơ cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn đề nghị chuyển thành cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính gửi Sở Nội vụ trước ngày 20/12/2024;
Sở Nội vụ hoàn thành việc thẩm định, có văn bản thống nhất danh sách cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn thành cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính trước ngày 25/12/2024;
UBND huyện, thị xã rà soát, lập danh sách, gửi hồ sơ cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn đủ điều kiện bổ nhiệm ngạch công chức, xếp lương gửi Sở Nội vụ. Việc này thực hiện thường xuyên trong năm 2025 và các năm tiếp theo.
Sở Nội vụ quyết định bổ nhiệm ngạch công chức theo phân cấp.
Tăng cường kiểm soát chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế
Ngày 13/12, UBND Thành phố ban hành Văn bản số 4193/UBND-KGVX về việc tăng cường kiểm soát chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Để thực hiện tốt chính sách BHYT, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tham gia BHYT, quản lý, sử dụng có hiệu quả quỹ BHYT và dự toán chi KCB BHYT năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao; UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo chuyên môn, giám sát TTYT các quận, huyện, thị xã tuân thủ các quy định của pháp luật về KCB, các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, các quy định của pháp luật liên quan đến việc cung ứng dịch vụ kỹ thuật để bảo đảm chất lượng, hiệu quả và tiết kiệm; xây dựng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, phù hợp với yêu cầu chuyên môn, điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực của TTYT. Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện việc kết nối y tế cơ sở với các bệnh viện tuyến trên để tăng cường sự tương tác hiệu quả và hỗ trợ về chuyên môn giữa cấp ban đầu với cấp cơ bản và chuyên sâu để nâng cao chất lượng KCB của tuyến y tế cơ sở, đáp ứng yêu cầu KCB và chăm sóc sức khỏe của người tham gia BHYT tại y tế cơ sở. Phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng tổ chức bộ máy, đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ thuộc TTYT để phục tốt công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân tại tuyến y tế cơ sở.
Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội thực hiện công tác phân tích tình hình chi KCB BHYT các TTYT thanh toán trên Hệ thống thông tin giám định đê kịp thời thông tin cảnh báo tới các TTYT chi phí tăng cao so với kỳ trước và cơ sở KCB cùng tuyến, hạng. Phối hợp với Sở Y tế tổ chức các buổi làm việc với các cơ sở KCB để yêu cầu rà soát, điều chỉnh các chi phí tăng cao bất hợp lý.
Phối hợp Sở Y tế thực hiện kiểm tra liên ngành theo kế hoạch, kiểm tra đột xuất các TTYT có giá tăng cao bất thường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, lãng phí trong thanh toán KCB BHYT (nếu có); chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra đối với các cơ sở KCB có vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.
UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, đầu tư cơ sở cơ sở vật chất, thiết bị y tế, bế sung nhân lực cho phòng khám đa khoa và trạm y tế xã thuộc TTYT để nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở, đáp ứng công tác khám chữa bệnh theo cấp ban đầu, quản lý sức khỏe người dân, thực hiện nguyên lý y học gia đình, quản lý, điều trị các bệnh mạn tính hiệu quả ngay tại y tế cơ sở để hạn chế việc chuyển người bệnh lên KCB tại y tế tuyến trên.
Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác KCB và thanh toán chi KCB BHYT tại các TTYT xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, trách nhiệm của Giám đốc các TTYT để xảy ra vi phạm, lạm dụng, trục lợi BHYT.
Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã rà soát công tác KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT; xây dựng kế hoạch, có giải pháp cụ thể để kiểm soát chặt chẽ chi KCB BHYT tại đơn vị; phòng, chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.
Xây dựng danh mục và cung ứng đầy đủ thuốc đảm bảo nhu cầu KCB ban đầu và quản lý điều trị các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm tại y tế cơ sở.
Nghiêm túc thực hiện việc kiểm tra xác minh các chi phí KCB BHYT tăng cao do cơ sở KCB tự phát hiện và theo kiến nghị, cảnh báo của cơ quan BHXH, thực hiện điều chỉnh cho phù hợp theo đúng quy định tại điểm e Khoản 7 Điều 1 Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Hàng tuần tự kiểm tra chi phí KCB BHYT để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm.
Thực hiện trích chuyển dữ liệu điện tử KCB BHYT theo đúng quy định tại Thông tư số 48/2017-TT-BYT của Bộ Y tế và Quyết định số 130/QĐ-BYT, Quyết định số 4750/QĐ-BYT, Quyết định số 3176/QĐ-BYT./.
Theo hanoi.gov.vn