Thông tin chỉ đạo, điều hành của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố (Ngày 24/12/2024)

10:15 25-12-2024

HNP - Ngày 23/12, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch về Tổ chức bắn pháo hoa Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 tại Thủ đô Hà Nội; ban hành Quyết định số 4339/UBND-ĐT về khẩn trương đẩy nhanh tiến độ bàn giao, đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật 16 Khu đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội.

VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH

Hà Nội công bố kế hoạch bắn pháo hoa dịp Tết Dương lịch 2025 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

* Ngày 23/12, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 375/KH-UBND về Tổ chức bắn pháo hoa Tết Dương lịch năm 2025 tại Thủ đô Hà Nội.

Theo đó, có tổng số 05 điểm bắn: 06 trận địa bắn pháo hoa tầm cao kết hợp tầm thấp, cụ thể:

Trận địa số 1: Quận Hoàn Kiếm (trước Trụ sở Tòa soạn Báo Hà nội mới).

Trận địa số 2: Quận Hoàn Kiếm (trước Bưu điện Hà Nội).

Trận địa số 3: Quận Nam Từ Liêm (tại khuôn viên đường đua F1, phường Phú Đô).

Trận địa số 4: Quận Hà Đông (Hồ Văn Quán, phường Văn Quán).

Trận địa số 5: Thị xã Sơn Tây (Thành cổ Sơn Tây).

Trận địa số 6: Huyện Đông Anh (Trung tâm TDTT huyện Đông Anh).

Pháo hoa tầm cao: Tổng số 3.600 quả (trận địa mỗi trận địa 600 quả).

Pháo hoa tầm thấp: Tổng số 540 giàn (mỗi trận địa = 90 giàn).

Thời lượng bắn: 15 phút, từ 00 giờ 00 đến 00 giờ 15 phút ngày 01/01/2025.

Kinh phí 9.781.881.480 đồng, từ kinh phí của Thành phố Hà Nội năm 2025.

* Ngày 23/12, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 376/KH-UBND về Tổ chức bắn pháo hoa tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 tại Thủ đô Hà Nội.

Theo đó, có tổng số 30 điểm bắn: 31 trận địa (trong đó, 10 trận địa bắn pháo hoa tầm cao kết hợp pháo hoa tầm thấp và 21 trận địa bắn pháo hoa tầm thấp), cụ thể:

Bắn pháo hoa tầm cao kết hợp với pháo hoa tầm thấp (gồm 10 trận địa).

Trận địa số 1: Quận Hoàn Kiếm (trước Trụ sở Tòa soạn Báo Hà nội mới).

Trận địa số 2: Quận Hoàn Kiếm (trước Bưu điện Hà Nội).

Trận địa số 3: Quận Tây Hồ (tại Vườn hoa Lạc Long Quân, trước cổng UBND quận).

Trận địa số 4: Quận Nam Từ Liêm (tại khuôn viên đường đua F1, phường Phú Đô).

Trận địa số 5: Quận Hai Bà Trưng (Đảo dừa, Công viên Thống nhất, phường Lê Đại Hành).

Trận địa số 6: Quận Hà Đông (Hồ Văn Quán, phường Văn Quán).

Trận địa số 7: Thị xã Sơn Tây (Thành cổ Sơn Tây).

Trận địa số 8: Huyện Thanh Trì (Khu đất dự án Hồ điều hòa, xã Tam Hiệp).

Trận địa số 9: Huyện Đông Anh (Trung tâm TDTT huyện Đông Anh).

Trận địa số 10: quận Bắc Từ Liêm (Công viên Hòa Bình, phường Xuân Đỉnh)

Bắn pháo hoa tầm thấp (gồm 21 trận địa)

Trận địa số 11: Quận Ba Đình (tại Đông nam Hồ Ngọc Khánh, phường Ngọc Khánh).

Trận địa số 12: Quận Hoàng Mai (tại Công viên Hồ Đền Lừ, phường Hoàng Văn Thụ).

Trận địa số 13: Quận Long Biên (Công viên 02, phường Việt Hưng).

Trận địa số 14: Quận Đống Đa (tại hồ Xã Đàn, phường Nam Đồng).

Trận địa số 15: Quận Cầu Giấy (tại Công viên Cầu Giấy, phường Dịch Vọng).

Trận địa số 16: Quận Thanh Xuân (tại Công viên Thanh Xuân, phường Nhân chính).

Trận địa số 17: Huyện Gia Lâm (tại số 1 Thuận An, Thị trấn Trâu Quỳ).

Trận địa số 18: Huyện Mê Linh (sân thượng tầng 5 hội trường UBND huyện).

Trận địa số 19: Huyện Ba Vì (tại sân vận động Quảng Oai, trị trấn Tây Đằng).

Trận địa số 20: Huyện Đan Phượng (tại khán đài B, sân vận động huyện, thị trấn Phùng).

Trận địa số 21: Huyện Thạch Thất (tại sân vận động, thị trấn Liên Quan).

Trận địa số 22: Huyện Chương Mỹ (tại sân vận động huyện, thị trấn Chúc Sơn).

Trận địa số 23: Huyện Thường Tín (tại sân vận động huyện Thường Tín).

Trận địa số 24: Huyện Quốc Oai (tại nóc nhà 6 tầng Ban CHQS huyện).

Trận địa số 25: Huyện Phú Xuyên (tại Tiểu khu Thao Chính, thị trấn Phú Xuyên).

Trận địa số 26: Huyện Mỹ Đức (tại Công viên hồ sinh thái, Thị trấn Đại Nghĩa).

Trận địa số 27: Huyện Ứng Hòa (tại sân vận động huyện, thị trấn Vân Đình).

Trận địa số 28: Huyện Sóc Sơn (tại sân vận động huyện, thị trấn Sóc Sơn).

Trận địa số 29: Huyện Phúc Thọ (tại sân vận động huyện, thị trấn Phúc Thọ).

Trận địa số 30: Huyện Thanh Oai (tại Công viên cây xanh, thị trấn Kim Bài).

Trận địa số 31: Huyện Hoài Đức (tại Khu đô thị Mailand Hanoi City, xã An Khánh, huyện Hoài Đức).

Pháo hoa tầm cao: Tổng số 6.000 quả (10 trận địa mỗi trận địa 600 quả).

Pháo hoa tầm thấp: Tổng số 3.420 giàn (mỗi trận địa 120 giàn; 10 trận địa tầm cao mỗi trận địa = 90 giàn).

Thời lượng bắn: 15 phút, từ 00 giờ 00 đến 00 giờ 15 phút ngày 29/01/2025 (tức đêm Giao thừa tết Nguyên đán Ất Tỵ).

Kinh phí 36.364.573.000 đồng, từ nguồn kinh phí của Thành phố Hà Nội.

Ban hành kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2025

Ngày 24/12, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 377/KH-UBND về Thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2025.

Kế hoạch đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó:

Triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, pháp luật, kịp thời khắc phục những bất cập, sơ sở dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.

Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nhất là các quy định về công khai minh bạch. Thực hiện công tác kê khai, kiểm soát tài sản thu nhập theo quy định.

Triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhất là những vụ việc có dấu hiệu vi phạm trong thực hiện các dự án đầu tư, kinh doanh gây thất thoát, thua lỗ lớn và bức xúc trong xã hội.

Đẩy mạnh quyết liệt, hiệu quả các nội dung đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của Thành phố theo Bộ Chỉ số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trong đó, tiếp tục rà soát, xem xét cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị; rà soát, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra việc chậm muộn, nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Trụ sở Chi cục thi hành án dân sự huyện Gia Lâm

Ngày 24/12, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 6591/QĐ-UBND về Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Dốc Hội – Đại học Nông nghiệp, tỷ lệ 1/500 tại ô đất ký hiệu CCKO1.2 (Trụ sở Chi cục thi hành án dân sự huyện Gia Lâm), tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.

Theo đồ án Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết hai bên đường Dốc Hội - Đại học Nông Nghiệp, tỷ lệ 1/500 tại ô đất ký hiệu CCKO1 (gồm 03 ô đất: CCKO1.1, CCKO1.2 và CCKO1.3) đã được UBND thành phố phê duyệt tại quyết định số 2099/QĐ-UBND ngày 11/5/2021; trong đó, ô đất ký hiệu CCKO1.2 được xác định chức năng sử dụng là đất công cộng khu ở (Trụ sở Chi cục thi hành án dân sự huyện Gia Lâm), có diện tích 2.199m2, với các chỉ tiêu quy hoạch: Mật độ xây dựng 28%; hệ số sử dụng đất 0,89 lần; tầng cao công trình 1-6 tầng.

Nay, giữ nguyên phạm vi ranh giới, diện tích và chức năng sử dụng của ô đất CCKO1.2 theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt; điều chỉnh tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc tại ô đất theo nội dung sau: có diện tích 2.199m2, với các chỉ tiêu quy hoạch: Mật độ xây dựng 29,3%; hệ số sử dụng đất 0,46 lần; tầng cao công trình 1-3 tầng.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Gia hạn sử dụng đất cho Công ty cổ phần bánh kẹo Hải Châu

Ngày 24/12, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 6592/QĐ-UBND về việc gia hạn sử dụng 17.465 m2 đất tại số 15 phố Mạc Thị Bưởi, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng cho Công ty cổ phần bánh kẹo Hải Châu để tiếp tục sử dụng làm văn phòng, cơ sở sản xuất bánh kẹo, gia vị.

Trong tổng số 17.465 m2 đất có:

17.449,3 m2 đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ, để tiếp tục sử dụng làm văn phòng, cơ sở sản xuất, bánh kẹo gia vị; thời hạn sử dụng đất: từ ngày 15/10/2023 đến hết ngày 31/12/2029;

15,7 m2 đất nằm trong chỉ giới đường đỏ, tuyệt đối không được xây dựng công trình mới, khi Nhà nước thu hồi phải bàn giao lại theo quy định; thời hạn sử dụng đất: từ ngày 15/10/2023 đến khi Nhà nước thu hồi để thực hiện dự án theo quy hoạch, quy định của pháp luật (nhưng không quá ngày 31/12/2029).

Hình thức cho thuê đất: Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ tả sông Hồng, huyện Mê Linh

Ngày 24/12, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 6596/QĐ-UBND về Về việc công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ tả sông Hồng tương ứng từ K42+790 đến K43+010 đê tả Hồng, huyện Mê Linh và ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp để ngăn chặn sạt lở bờ sông Hồng.

Vị trí sạt lở bờ tả sông Hồng, huyện Mê Linh tương ứng từ K42+790 đến K43+010 đê tả Hồng với chiều dài khoảng 300m từ phạm vi cửa ra trạm bơm Văn Khê về phía hạ lưu; ảnh hưởng trực tiếp đến 03 hộ dân sinh sống ở bờ sông, làm nứt nhà, đổ tường, đổ cây của các hộ dân.

UBND Thành phố giao UBND huyện Mê Linh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sự cố sạt lở bờ sông gây ra.

Các cơ quan truyền thông: Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Báo Hànộimới, Trung tâm Thông tin điện tử Thành phố thông tin, cảnh báo về tình huống khẩn cấp trên để nhân dân biết, chủ động phòng tránh.

Đồng thời, UBND Thành phố ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp: Xử lý khẩn cấp khắc phục tình trạng sạt lở bờ tả sông Hồng trên địa bàn xã Văn Khê, huyện Mê Linh, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội thực hiện.

Dự kiến chi phí đầu tư: 35,0 tỷ đồng, từ Ngân sách Thành phố.

Dự kiến, thi công công trình hoàn thành trước 30/5/2025. Hoàn thành dự án trong năm 2025.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Công bố tình huống khẩn cấp nứt mặt đê Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ

Ngày 24/12, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 6597/QĐ-UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp nứt mặt đê Ngọc Tảo trên địa bàn huyện Phúc Thọ và ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp để ngăn chặn tình trạng nứt mặt đê Ngọc Tảo.

Vị trí lún, nứt mặt đê tương ứng vị trí K7+510 đến K7+610 đê Ngọc Tảo, xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ với chiều dài khoảng 100m; Lún, nứt mặt đê tương ứng vị trí K10+600 đến K10+700 đê Ngọc Tảo, xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ với chiều dài khoảng 100m.

Diễn biến sự cố nứt mặt đê Ngọc Tảo trên địa bàn huyện Phúc Thọ đã xảy ra và phát triển cả chiều dài, chiều rộng, chiều sâu trong thời gian mưa bão, gây nguy cơ mất an toàn cho tuyến đê Ngọc Tảo trên địa bàn các xã Ngọc Tảo, Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ; ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của người và phương tiện tham gia giao thông trong khu vực xẩy ra nứt đê.

UBND Thành phố giao UBND huyện Phúc Thọ, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sự cố nứt mặt đê gây ra.

.Các cơ quan truyền thông: Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Báo Hànộimới, Trung tâm Thông tin điện tử Thành phố thông tin, cảnh báo về tình huống khẩn cấp trên để nhân dân biết, chủ động phòng tránh.

Đồng thời, UBND Thành phố ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp: Xử lý khẩn cấp khắc phục tình trạng nứt mặt đê Ngọc Tảo, trên địa bàn xã Ngọc Tảo, Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, do UBND huyện Phúc Thọ thực hiện.

Dự kiến chi phí đầu tư: 12,0 tỷ đồng, từ Ngân sách Thành phố.

Dự kiến, thi công công trình hoàn thành trước 30/5/2025. Hoàn thành dự án trong năm 2025.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Đẩy nhanh tiến độ bàn giao, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông, kỹ thuật 16 Khu đô thị

Ngày 24/12, UBND Thành phố ban hành Công văn số 4339/UBND-ĐT về khẩn trương đẩy nhanh tiến độ bàn giao, đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật 16 Khu đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội.

UBND Thành phố yêu cầu UBND các quận: Hà Đông, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai khẩn trương đẩy nhanh tiến độ công tác GPMB phần diện tích còn lại của các Khu đô thị, bàn giao cho các Chủ đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các đoạn, tuyến đường giao thông còn lại; tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư các tuyến đường theo quy hoạch thuộc trách nhiệm đầu tư theo phân cấp để đảm bảo kết nối hạ tầng các Khu đô thị với hạ tầng giao thông khu vực.

Đối với các Chủ đầu tư 16 Khu đô thị:

* Về kết nối hạ tầng giao thông

Yêu cầu các Chủ đầu tư khẩn trương tháo bỏ toàn bộ barie, rào chắn đối với các tuyến đường đã hoàn thành đầu tư hạ tầng kết nối với hạ tầng giao thông xung quanh dự án đầu tư.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật trong Khu đô thị theo quy hoạch để tăng khả năng kết nối hạ tầng giao thông.

* Về công tác bàn giao hạ tầng Khu đô thị

Đối với các hạng mục đã hoàn thành (đảm bảo đầy đủ các quy định về nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng): yêu cầu các Chủ đầu tư thực hiện bàn giao theo quy định.

Đối với các hạng mục đã hoàn thành (chưa đảm bảo đầy đủ các quy định về nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng): đề nghị các Chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các quy trình thủ tục, hồ sơ để thực hiện bàn giao theo quy định.

* Về công tác đảm bảo an toàn giao thông trong các Khu đô thị

Chủ động phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an Thành phố, UBND các Quận, các đơn vị liên quan để được hướng dẫn thực hiện công tác đảm bảo an toàn giao thông, tổ chức giao thông các tuyến đường nội bộ, các vị trí kết nối với giao thông khu vực và xử lý các bất cập về tổ chức giao thông, công tác đảm bảo an toàn giao thông trong các Khu đô thị.

Danh sách 16 Khu đô thị theo Công văn số 4339/UBND-ĐT

1. Khu đô thị mới An Hưng, quận Hà Đông (GD1: Xây dựng đồng bộ HTKT). 

2. Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn Park City Hanoi, phường La Khê, Yên Nghĩa, quận Hà Đông.

3. Khu đô thị mới Dương Nội, quận Hà Đông.

4. Khu đô thị sinh thái Sài Đồng, quận Long Biên (Khu đô thị sinh thái tại các phường Việt Hưng và Phúc Đồng, quận Long Biên-Vinhomes Riverside1).

5. Khu công viên công nghệ phần mềm tại phường Phúc Lợi, quận Long Biên.

6. Công trình hỗn hợp tại ô đất ký hiệu G4*HH6 thuộc Khu đô thị công viên công nghệ phần mềm thuộc Khu đô thị sinh thái tại các phường Phúc Lợi, Việt Hưng, Giang Biên, quận Long Biên.

7. Khu TTTM, văn phòng và Nhà ở Hapulico tại số 01 Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân.

8. Khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây, phường Cổ Nhuế 1 và phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm.

9. Khu đô thị mới Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai. 

10. Khu đô thị Nam đường Vành đai 3 (The Manor Central Park) tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai và xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội (giai đoạn 1). 

11. Khu đô thị mới Cầu Bươu, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì. 

12. Khu đô thị mới Cổ Nhuế tại phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm. 

13. Cụm nhà cao tầng của tổ hợp chung cư CT1 tại ô đất I.C.32 thuộc khu đô thị Nam Thăng Long (giai đoạn II), phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm. 

 14. Khu chức năng đô thị Đại Mỗ giai đoạn 1, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm. 

 15. Khu chức năng cây xanh, hồ điều hòa, một phần công trình công cộng kết hợp nhà ở Vinhomes Paradise tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm (Trước là Công viên văn hóa thể thao Mễ Trì). 

16. Khu chức năng đô thị tại số 74 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân nay điều chỉnh: Khu chức năng đô thị Royal City tại số 72A Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân.  

Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố

Ngày 23/12, Văn phòng UBND Thành phố ban hành Thông báo số 602/TB-VP về Kết luận, chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn tại cuộc họp về triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, giao Sở Giao thông vận tải chủ trì:

Lập Đề án tổng thể giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2025 - 2030 và những năm tiếp theo, báo cáo UBND Thành phố trong tháng 12/2024 làm cơ sở để Ban cán sự đảng UBND Thành phố báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, cho ý kiến.

Chủ trì, phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông - Công an Thành phố tổng rà soát công tác tổ chức giao thông trên địa bàn Thành phố; kịp thời phát hiện những bất cập, tồn tại, hạn chế trong tổ chức giao thông để điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn (đặc biệt lưu ý đến việc điều tiết hệ thống các pha đèn tín hiệu tại các nút giao thông); điều chỉnh tổ chức giao thông tại một số nút giao thông, điểm quay đầu xe, sử dụng đèn tín hiệu giao thông thông minh để giảm bớt các xung đột giao thông, ùn ứ giao thông; khẩn trương khảo sát, nghiên cứu phương án phân luồng, phân làn giao thông trên một số tuyến đường có đủ điều kiện để thực hiện.

Để giải quyết kịp thời tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ phát sinh mới: Giao Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Công an Thành phố và các đơn vị liên quan cần nhanh chóng khảo sát kỹ hiện trường, làm rõ nguyên nhân, xây dựng phương án và sớm đề xuất tổ chức thực hiện, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.

Chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố và các đơn vị liên quan kiểm tra, khảo sát kỹ hiện trường, thống nhất thí điểm điều chỉnh tổ chức giao thông trong giờ cao điểm trên toàn tuyến BRT (từ Cát Linh đến Yên Nghĩa) để khai thác, sử dụng hiệu quả trên làn đường BRT, đảm bảo khoa học, phù hợp thực tiễn.

Giao Công an Thành phố:

Chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông phối hợp với Sở Giao thông vận tải tổng rà soát công tác tổ chức giao thông trên địa bàn Thành phố để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. Tăng cường lực lượng hỗ trợ cùng với Thanh tra giao thông để điều tiết giao thông tại các chốt trực, nút giao thông trên địa bàn Thành phố.

Tổ chức nghiên cứu, tham mưu UBND Thành phố xem xét điều chỉnh nâng mức xử lý vi phạm giao thông theo các cơ chế đặc thù của Luật Thủ đô nhằm đủ sức răn đe, nâng cao ý thức, tạo sự chuyển biến rõ rệt của người tham gia giao thông.

Tăng cường việc áp dụng, xử lý vi phạm bằng hình ảnh (phạt nguội); tối ưu hóa sử dụng hệ thống camera hiện có để xử lý vi phạm; tham mưu, đề xuất UBND Thành phố đầu tư, lắp đặt, bổ sung hệ thống camera theo dõi, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông theo quy định.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án nâng cấp Trung tâm thông tin chỉ huy và lắp đặt hệ thống camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự, xử lý vi phạm cho Phòng Cảnh sát giao thông - Công an Thành phố trên địa bàn Thành phố.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Tham mưu UBND Thành phố quyết định giao nhiệm vụ cho Sở Giao thông vận tải lập đề xuất chủ trương đầu tư 05 Dự án cầu vượt nhẹ bằng thép để giảm thiểu ùn tắc giao thông tại 05 nút giao (Nút giao Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo, nút giao Cổ Linh - Thạch Bàn, nút giao Hoàng Minh Giám - Nguyễn Tuân, nút giao Cổ Bi - Ngô Xuân Quảng và nút giao Nguyễn Huy Nhuận - Lý Thánh Tông).

Làm việc với các Nhà đầu tư/Chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị đẩy nhanh tiến độ triển khai các đoạn tuyến đường có tính chất kết nối thông tuyến và dự án đầu tư bến xe khách khu vực ngoại thành để giảm tải phương tiện vào khu vực nội đô.

Bổ sung khảo sát, đánh giá để bảo tồn, phát huy giá trị của hồ Tây và vùng phụ cận

Ngày 24/12, Văn phòng UBND Thành phố ban hành Thông báo số 606/TB-VP về Kết luận của đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố tại cuộc họp nghe báo cáo về Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị của hồ Tây và vùng phụ cận.

Theo đó, Đơn vị tư vấn, UBND quận Tây Hồ cần tiếp tục bổ sung việc khảo sát, đánh giá hiện trạng, chất lượng nước hồ, hệ sinh thái hồ Tây kỹ hơn, kế thừa kết quả nghiên cứu trước đây để đưa ra giải pháp xử lý nước hiệu quả, cải thiện môi trường nước, không làm phá hủy hệ sinh thái hồ; Tiếp tục nghiên cứu Dự án cải tạo khu vực hồ Trúc Bạch (giao UBND quận Ba Đình nghiên cứu đồng bộ) để tạo môi trường sinh thái khu vực liên kết giữa hồ Tây- hồ Trúc Bạch; kiểm soát toàn bộ hệ thống xả thải (hiện nay vẫn còn xả ra hồ) để có giải pháp xử lý toàn diện; Nghiên cứu bổ sung diện tích bến, bãi đỗ xe, đáp ứng chỗ đỗ xe trong tương lai, có nghiên cứu rà soát kỹ các khu vực có thể mở rộng thành quảng trường hoặc các điểm ngắm cảnh; nghiên cứu tổ chức giao thông, mở rộng mặt đường xung quanh hồ Tây, liên kết giao thông toàn bộ khu vực, mở rộng liên kết trong đê, ngoài đê, cải tạo, nâng cấp khu vực công viên, vườn hoa khu vực xung quanh hồ Tây…; Nghiên cứu kỹ hệ thống giao thông thủy nội địa, phương tiện giao thông trên mặt hồ đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng môi trường, không phát ra tiếng ồn, xả thải làm ô nhiễm môi trường (cân nhắc việc đưa thủy phi cơ vào khu vực hồ Tây, các yếu tố liên quan đến điều kiện khai thác, vận hành).

Giao UBND quận Tây Hồ rà soát, báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, lựa chọn các nội dung, công việc cần triển khai trước, có tính khả thi cao, đưa vào danh mục dự án đầu tư công giai đoạn 2025-2030 để trình HĐND, báo cáo UBND Thành phố, HĐND Thành phố; tham mưu, báo cáo UBND Thành phố cơ chế đầu tư phù hợp theo quy định.

Giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp, hướng dẫn UBND quận Tây Hồ, đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn thiện, bổ sung nội dung Đề án; báo cáo UBND Thành phố, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy theo quy định, trong tháng 12/2024./

Theo hanoi.gov.vn