Thông tin chỉ đạo, điều hành của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố (Ngày 25/12/2024)
10:54 30-12-2024
HNP - Ngày 25/12, Ban Tổ chức Cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng, giải pháp CCHC trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024 của UBND Thành phố ban hành Quyết định số 05/QĐ-BTC về việc công nhận kết quả và giải thưởng Cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng, giải pháp Cải cách hành chính trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024. Theo đó, Ban Tổ chức Cuộc thi công nhận trao giải thưởng cho 03 tập thể và 11 tác giả/nhóm tác giả đạt giải.
VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH
Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Ngày 25/12, UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 4362/UBND-KTTH về việc Tổ chức triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 125/CĐ-TTg ngày 01/12/2024 về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Theo đó, UBND Thành phố giao yêu cầu các Sở, ban, ngành, đơn vị thuộc Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã, các Tổng Công ty, Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc UBND Thành phố tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, gồm:
Tổ chức quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả Công điện 125/CĐ-TTg ngày 01/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực được giao quản lý, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Thành phố tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả Chỉ thị của Trung ương, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí; các văn bản của Trung ương, Thành uỷ, UBND Thành phố về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP), coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị Thành phố và xã hội.
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, công tác tham mưu trong các cấp, thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu THTK, CLP năm 2024; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về THTK, CLP; tăng cường công tác tổ chức thực hiện về quản lý: ngân sách nhà nước, sử dụng vốn đầu tư công, tài sản công, tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là đất đai, quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, công tác tổ chức bộ máy, quản lý lao động, thời gian lao động. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra công tác THTK, CLP và xử lý nghiêm vi phạm nếu có. UBND Thành phố giao Sở Tài chính chủ trì, tham mưu nếu cần phải sửa Luật THTK, CLP.
Quy định đối tượng đặc thù được vay vốn từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội của thành phố Hà Nội
Ngày 25/12, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 378/KH-UBND về việc Triển khai thực hiện Nghị quyết số 21/2024/NQ-HĐND ngày 04/10/2024 của HĐND Thành phố về quy định đối tượng đặc thù được vay vốn từ nguồn vốn ngân sách địa phương uỷ thác quan Ngân hàng Chính sách xã hội của thành phố Hà Nội.
Kế hoạch nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng thụ hưởng có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách phục vụ nhu cầu về học tập, việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân Thủ đô.
UBND Thành phố yêu cầu chính sách cho vay hướng tới đúng đối tượng, đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời, không để xảy ra tiêu cực.
Theo đó, UBND Thành phố yêu cầu các đơn vị: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về Nghị quyết 21/2024/NQ-HĐND, và quan điểm, chủ trương của Thành phố về việc mở rộng đối tượng được hưởng chính sách; thực hiện rà soát nhu cầu, xác nhận đối tượng thụ hưởng; tham mưu bố trí nguồn vốn cho vay; triển khai cho vay đúng đối tượng theo quy định hiện hành của các chương trình tín dụng tương ứng như; tín dụng cho học sinh, sinh viên, tín dụng thực hiện cấp nước sạch và vệ sinh môi trường, tín dụng hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng việc làm; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
UBND Thành phố giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì tham mưu tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 21/NQ-HĐND trên địa bàn Thành phố; Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND Thành phố trình HĐND Thành phố bố trí ngân sách Thành phố bổ sung nguồn vốn ủy thác qua Chi nhánh NHCSXH Thành phố hằng năm để cho các đối tượng vay.
Công nhận kết quả Cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng, giải pháp Cải cách hành chính năm 2024
Ngày 25/12, Ban Tổ chức Cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng, giải pháp CCHC trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024 của UBND Thành phố ban hành Quyết định số 05/QĐ-BTC về việc công nhận kết quả và giải thưởng Cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng, giải pháp Cải cách hành chính trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024.
Theo đó, Ban Tổ chức Cuộc thi công nhận trao giải thưởng cho 03 tập thể và 11 tác giả/nhóm tác giả đạt giải, gồm:
Về giải tập thể:
Giải Nhất: UBND huyện Mỹ Đức;
Giải Nhì: UBND huyện Ba Vì;
Giải Ba: UBND quận Cầu Giấy.
Về giải cá nhân:
Giải Nhất: Văn phòng UBND Thành phố;
Giải Nhì: Nhóm tác giả UBND quận Bắc Từ Liêm và Nhóm tác giả thuộc quận Long Biên;
Giải Ba: Nhóm tác giả thuộc Sở Y tế; Tác giả thuộc UBND quận Đống Đa; Tác giả thuộc UBND huyện Mê Linh.
Giải Khuyến khích: UBND các huyện Thường Tín, Hoài Đức, Chương Mỹ, Sơn Tây, Hoàn Kiếm.
Kiện toàn Hội đồng thẩm định, đánh giá xác định Chỉ số cải cách hành chính Thành phố năm 2024
Ngày 25/12, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 6642/QĐ-UBND về việc Kiện toàn Hội đồng thẩm định, đánh giá xác định Chỉ số cải cách hành chính Thành phố năm 2024.
Theo đó, Hội đồng thẩm định, đánh giá xác định Chỉ số cải cách hành chính Thành phố năm 2024 (gọi tắt là Hội đồng) gồm có:
Chủ tịch Hội đồng: Chủ tịch UBND Thành phố.
Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng: Phó Chủ tịch UBND Thành phố phụ trách CCHC.
Phó Chủ tịch Hội đồng: Giám đốc Sở Nội vụ.
11 thành viên của Hội đồng là thủ trưởng, Giám đốc các đơn vị: Văn phòng UBND Thành phố; Thanh tra Thành phố; Sở Tư pháp; Sở Tài chính; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Khoa học và Công nghệ; Trung tâm Phục vụ Hành chính công Thành phố; Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Thành phố.
Hội đồng có nhiệm vụ thẩm định điểm tự chấm công tác CCHC năm 2024 của các đơn vị; xem xét thông qua kết quả điều tra xã hội học xác định chỉ số CCHC của các cơ quan, đơn vị; trình UBND Thành phố phê duyệt và công bố kết quả chỉ số CCHC của các cơ quan, đơn vị.
Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Phê duyệt Dự án Xây dựng đường trục phát triển kinh tế xã hội Bắc - Nam đoạn qua huyện Thạch Thất (giai đoạn 1 từ Km14+200 đến Km18+500)
Ngày 25/12, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 6641/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Dự án Xây dựng đường trục phát triển kinh tế xã hội Bắc - Nam đoạn qua huyện Thạch Thất (giai đoạn 1 từ Km14+200 đến Km18+500).
Mục tiêu đầu tư dự án nhằm xây dựng tuyến đường tạo nên một vành đai huyết mạch kết nối các tuyến trục đường giao thông chính khu vực với trung tâm hành chính, chính trị của huyện, kết nối các khu đô thị, khu du lịch - dịch vụ, các làng nghề truyền thống, các khu công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và du lịch, dịch vụ của địa phương, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng địa bàn huyện Thạch Thất và khu vực phía Tây Hà Nội.
Quy mô tuyến đường có chiều dài 4,42km, 02 nhánh thuộc nút giao kết nối với đường gom Đại Lộ Thăng Long: Điểm đầu Km14+200 tại nút giao đường tỉnh 419 (km9+710) gần cầu Liêu, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất; Điểm cuối Km18+500 đấu nối vào vị trí chân đường đầu cầu vượt Đại Lộ Thăng Long, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai; mặt cắt ngang đường rộng 42m. Dự án có tổng mức đầu tư 715,418 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn Ngân sách Thành phố. Thời gian thực hiện năm 2024-2025.
Công trình giao thông thuộc dự án Nhóm B, cấp công trình: cấp đặc biệt (cao nhất) gồm: Công trình giao thông đường bộ - Đường ô tô (tốc độ thiết kế 100km/h) và Công trình giao thông đường bộ - Đường đô thị (tốc độ thiết kế 80km/h).
Hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025
Ngày 25/12, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 379/KH-UBND về việc Hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025.
Kế hoạch nhằm triển khai Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025 và các kế hoạch của UBND Thành phố ban hành trước đó về phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm trên địa bàn Thành phố.
Mục tiêu kế hoạch nhằm thực hiện chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi, phát triển thị trường lao động Thủ đô toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; thực hiện nghiêm, đầy đủ và hiệu quả các chính sách của Chính phủ. Đồng thời, tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động, góp phần thúc đẩy các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, đảm bảo kết nối thị trường lao động của Thủ đô với cả nước.
Năm 2025, UBND Thành phố đặt chỉ tiêu giải quyết việc làm mới cho 169.000 lao động; giảm tỉ lệ thất nghiệp thành thị xuống dưới 3% và tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%.
Theo đó, thành phố Hà Nội đặt ra 2 nhiệm vụ lớn là đẩy mạnh thực hiện các chính sách về bảo hiểm xã hội và phát triển thị trưởng lao động; cùng với 5 nhóm giải pháp thực hiện gồm: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động và giải quyết việc làm, tăng cường hoạt động xuất khẩu lao động và nhóm giải pháp về nâng cao hiệu quả hoạt động vay vốn giải quyết việc làm từ nguồn ngân sách Thành phố uỷ thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội.
Tiến độ thực hiện đặt ra cho mỗi Quý trong năm 2025:
Quý I/2025: Tạo việc làm cho 13.600 lao động, giải quyết cho vay ủy thác qua Chi nhánh NHCSXH 978 tỷ đồng; xuất khẩu lao động có thời hạn cho 600 người; tổ chức 53 phiên giao dịch việc làm.
Quý II/2025: Tạo việc làm cho 18.800 lao động, giải quyết cho vay ủy thác qua Chi nhánh NHCSXH 1.357 tỷ đồng; xuất khẩu lao động có thời hạn cho 1.300 người; tổ chức 67 phiên giao dịch việc làm.
Quý III/2025: Tạo việc làm cho 9.900 lao động, giải quyết cho vay ủy thác qua Chi nhánh NHCSXH 716 tỷ đồng; xuất khẩu lao động có thời hạn cho 1.400 người; tổ chức 67 phiên giao dịch việc làm.
Quý IV/2025: Tạo việc làm cho 8.300 lao động, giải quyết cho vay ủy thác qua Chi nhánh NHCSXH 599 tỷ đồng; xuất khẩu lao động có thời hạn cho 1.300 người; tổ chức 68 phiên giao dịch việc làm.
UBND Thành phố giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện Kế hoạch. Đồng thời, chủ trì triển khai Đề án "Phát triển quan hệ lao động thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025" và Đề án "Nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống Sàn giao dịch việc làm thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo".
Các sở, ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện Kế hoạch kèm theo chế độ thông tin báo cáo định kỳ hàng 06 tháng.
Triển khai Kế hoạch của Thành ủy về công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới
Ngày 25/12, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 380/KH-UBND về việc Thực hiện Kế hoạch số 297-KH/TU ngày 19/11/2024 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới" trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Kế hoạch nhằm cụ thể hóa nội dung, nhiệm vụ, gỉải pháp trọng tâm tại Kế hoạch số 297-KH/TU ngày 19/11/2024 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới".
Theo đó, yêu cầu tăng cường trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp trong việc quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương và Thành phố; việc tổ chức thực hiện phải nghiêm túc, đồng bộ, bám sát với yêu cầu, nhiệm vụ và đặc điểm tình hình của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Mục tiêu đặt ra, năm 2030, bình quân mỗi năm thực hiện giải quyết việc làm cho 4.800 người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; mở rộng thị trường lao động có thu nhập cao, phù hợp với trình độ của lao động Thủ đô; tạo việc làm ổn định cho lao động khi trở về nước, đồng thời khích lệ người lao động áp dụng kinh nghiệm, trình độ để phát triển kinh tế tại địa phương; tạo điều kiện cho lao động thành lập doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ổn định và phát triển lâu dài. Hướng tới nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Sàn giao dịch việc làm, giúp người lao động dễ dàng tiếp cận thông tin, kết nối dịch vụ đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng.
UBND Thành phố yêu cầu tập trung 5 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức các cấp ủy, chính quyền đối với công tác người đi lao động nước ngoài trong tình hình mới; tăng cường đào tạo, liên kết đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động quốc tế. Đặc biệt, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác đưa người Việt Nam đi làm việc nước ngoài trong tình hình mới. Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với xử lý vi phạm (nếu có) trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực này.
Theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn Thành phố năm 2025
Ngày 25/12, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 381/KH-UBND về việc Theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025.
Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn Thành phố, qua đó đánh giá thực tiễn thi hành pháp luật và kiến nghị, xử lý các vấn đề phát sinh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật.
Theo đó, UBND Thành phố yêu cầu việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật phải thực hiện đồng bộ, thường xuyên, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, các cấp chính quyền và xác định rõ trách nhiệm cho từng cấp, ngành, đơn vị cụ thể, rõ ràng, công khai.
Kế hoạch tập trung theo dõi, đánh giá 2 lĩnh vực:
Lĩnh vực trọng tâm của Thành phố: Theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy (PCCC). Cụ thể, theo dõi tình hình thi hành pháp luật về các điều kiện an toàn PCCC thời gian từ 2021 đến hết năm 2024. Đối tượng theo dõi gồm các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã.
Lĩnh vực trọng tâm liên ngành theo Quyết định của Thủ tướng Chỉnh phủ: Sở Tư pháp Thành phố sẽ tham mưu xác định và bổ sung cụ thể.
UBND Thành phố yêu cầu triển khai 6 hoạt động theo dõi thi hành pháp luật, gồm: Xây dựng ban hành Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật; tổ chức quán triệt, tập huấn nghiệp vụ theo dõi thi hành pháp luật; tổ chức thu thập, xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật; kiểm tra, điều tra khảo sát tình hình thi hành pháp luật. Sở Tư pháp sẽ chủ trì thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về PCCC trong Quý II và III/2025 và tiến hành điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật lĩnh vực trọng tâm liên ngành theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Sở Tư pháp phải gửi báo cáo theo dõi về tình hình thi hành pháp luật trước ngày 25/11/2025./.
Theo hanoi.gov.vn