Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống dịch Covid-19
11:11 30-10-2023
HNP - Sáng 29/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo) chủ trì Hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu Trụ sở Chính phủ tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự hội nghị còn có Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia và đại diện một số tổ chức quốc tế. Dự tại điểm cầu Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà cùng đại diện lãnh đạo một số Sở, ngành.
Mở đầu Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chia sẻ những ngày tháng không thể nào quên trong phòng chống dịch Covid-19 thời gian vừa qua, những khó khăn, phức tạp, nhất là thời điểm đầu đại dịch và khi dịch bùng phát mạnh, trong điều kiện Việt Nam thiếu thốn nhiều mặt, chưa có kinh nghiệm, đại dịch chưa có tiền lệ…
Nhìn lại thời gian hơn 3 năm phòng, chống dịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, tháng 12/2019, thế giới ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên; ngày 23/01/2020, Việt Nam ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên. Trước tình hình dịch, ngày 30/3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra lời kêu gọi tới đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài trong trận chiến chống dịch Covid-19. Ngay sau đó, ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày để phòng, chống dịch.
Tuy vậy, sau hơn 1 năm chống dịch, tháng 4/2021, cả nước đối mặt với đợt dịch thứ 4, chủ đạo là biến chủng Delta có độc lực cao, tốc độ lây lan nhanh, xâm nhập sâu trong cộng đồng tại 62/63 tỉnh, thành phố, gây hậu quả rất nặng nề, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 29/7/2021 lần thứ hai, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ra lời kêu gọi phòng chống đại dịch Covid-19.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà cùng đại diện lãnh đạo một số Sở, ngành tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị, sự đồng hành của Quốc hội, với tinh thần “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”, cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp, người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế chung sức, đồng lòng phòng, chống đại dịch. Trong đó, tháng 7/2021, Việt Nam đưa ra công thức phòng, chống dịch Covid-19; đẩy mạnh thực hiện thực hiện chiến lược vaccine, tổ chức tiêm vaccine phòng, chống dịch Covid-19 miễn phí cho toàn dân.
Thủ tướng khẳng định, “Đây là vấn đề mấu chốt, có tính chất quyết định đi đến thắng lợi trong phòng, chống dịch Covid-19. Việt Nam đi sau về trước; mở cửa kinh tế, đón khách du lịch, tổ chức SEA Games 31… đến ngày 20/10/2023, Covid-19 đã chính thức được chuyển phân loại từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B tại Việt Nam”.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Hội nghị tập trung đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, các địa phương trong phòng, chống dịch. Trong đó, tập trung đánh giá kết quả đã đạt được; cách làm hay, các phong trào, mô hình hiệu quả trong phòng, chống dịch; phân tích những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân và bài học kinh nghiệm đúc rút trong phòng, chống dịch để từ đó chuẩn bị tốt hơn ứng phó với những sự kiện khẩn cấp y tế cộng đồng; đồng thời, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế-xã hội.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị
Cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục cảnh giác, phòng ngừa từ sớm, từ xa với các loại dịch bệnh có thể xảy ra và cũng chưa thể hoàn toàn yên tâm với đại dịch Covid-19, hậu quả đại dịch Covid-19 còn tiếp tục kéo dài.
Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tập trung khắc phục các bất cập, vướng mắc trong pháp luật hiện hành và tạo lập hệ thống khuôn khổ pháp lý đồng bộ, đầy đủ, phù hợp, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch bệnh (nhất là về mua sắm thuốc, vaccine, trang thiết bị, vật tư y tế...) trong mọi tình huống, kể cả trong tình trạng khẩn cấp.
Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để ứng phó với các đại dịch có thể xảy ra; tăng cường đầu tư phát triển hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế, bảo đảm chính sách cho lực lượng phòng, chống dịch; triển khai Luật Khám chữa bệnh vừa ban hành; nâng cao hơn nữa năng lực quản lý hành chính và công nghệ đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch…
Các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục hậu quả dịch bệnh có thể còn kéo dài, ổn định đời sống nhân dân, nhất là đối với những người chịu hậu quả, tác động của đại dịch, đặc biệt là trẻ em mồ côi cả về vật chất và tinh thần; tiếp tục hoàn thành xử lý các vấn đề tồn đọng liên quan công tác phòng, chống dịch thời gian qua và xử lý các chính sách theo thẩm quyền khi chuyển Covid-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B; đẩy mạnh tổ chức thực hiện và sớm hoàn thành việc tôn vinh, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Thủ tướng yêu cầu tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới và Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội về giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; làm tốt công tác tổng kết kinh nghiệm.
Thủ tướng cho rằng, dù còn những khiếm khuyết, song về tổng thể, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 và Ban Chỉ đạo các cấp đã hoàn thành nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó và kết thúc nhiệm vụ tại đây.
Theo hanoi.gov.vn