Thủ tướng đối thoại với nông dân: Khơi dậy khát vọng làm giàu
09:35 02-01-2025
HNP - Ngày 31/12/2024, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024 đã diễn ra với chủ đề: "Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới".
Hội nghị được tổ chức tại Trụ sở Chính phủ, thu hút 300 đại biểu tham dự, với sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính; kết nối 63 điểm cầu trên cả nước.
Dự hội nghị có Trưởng ban Dân vận Trung ương Mai Văn Chính; Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lâm Phương Thanh; lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương, tổ chức chính trị - xã hội, các tỉnh, thành phố...
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chủ trì tại điểm cầu Hà Nội, cùng lãnh đạo HĐND Thành phố, Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo Thành ủy, các sở ngành, tổ chức hội - đoàn thể, hộ nông dân, hợp tác xã tiêu biểu...
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh, đây là diễn đàn để Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương trực tiếp lắng nghe ý kiến, kiến nghị của nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp, từ đó tìm giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách "tam nông" (nông nghiệp, nông dân, nông thôn).
Theo Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, qua 5 lần tổ chức, Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân đã giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Từ những chỉ đạo của Thủ tướng, nhiều địa phương đã tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố với nông dân, biến diễn đàn trở thành cầu nối ý nghĩa giữa chính quyền và bà con.
Theo ông Lương Quốc Đoàn, Hội nghị năm nay có nhiều nét mới. Trước đó, Trung ương Hội đã phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hai diễn đàn "Lắng nghe nông dân nói" vào tháng 10 và tháng 11/2024. Đồng thời, tại 63 địa phương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đã tổ chức đối thoại trực tiếp với nông dân.
Tại Hội nghị có hơn 2.000 ý kiến gửi về, tập trung vào 6 nhóm vấn đề chính.
Đối với nhóm vấn đề thúc đẩy kinh tế tập thể trong nông nghiệp, bà con nông dân đề nghị Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách mạnh mẽ để hỗ trợ phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác. Đây là xu hướng tất yếu nhằm xây dựng chuỗi sản xuất bền vững. Theo mục tiêu đến năm 2030, cả nước sẽ có gần 200.000 hợp tác xã, tổ hợp tác với 10 triệu thành viên.
Nhóm vấn đề tích tụ và tập trung đất đai, bà con kiến nghị có các giải pháp đồng bộ để thực thi Luật Đất đai 2024, trong đó chú trọng tập trung và tích tụ đất đai, nhằm khai thác tối đa nguồn lực đất đai cho sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn và tăng thu nhập cho nông dân.
Về xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, đề xuất Chính phủ ban hành chính sách phát triển thí điểm 5 vùng nguyên liệu tập trung, tiến tới mở rộng quy mô các vùng khác, gắn với sản xuất chất lượng cao, giảm phát thải và bảo vệ môi trường.
Khơi thông nguồn vốn tín dụng, chính sách tín dụng cần hỗ trợ mạnh hơn để khắc phục thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu; mở rộng bảo hiểm nông nghiệp và thúc đẩy sản xuất nông thôn.
Về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cần đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề để đáp ứng yêu cầu lao động chất lượng cao, thích ứng với chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Về thực thi Nghị quyết số 69/NQ-CP, bà con đề nghị nhanh chóng triển khai các nhiệm vụ tại nghị quyết, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh cả nước quyết tâm hoàn thành các mục tiêu của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: "Nông nghiệp, nông thôn và người nông dân là nền tảng quan trọng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc". Hội nghị là cơ hội để lắng nghe và đồng hành cùng người nông dân, hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững và hiện đại hóa đất nước.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, năm 2024, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân và doanh nghiệp cả nước, sự hỗ trợ, hợp tác của bạn bè quốc tế, chúng ta dự kiến đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu.
Trong thành tựu chung của cả nước, lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, người nông dân đóng góp rất quan trọng. Nổi bật là kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản dự kiến vượt 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023; thặng dư thương mại đạt 17,9 tỷ USD, chiếm 72% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế. Các mặt hàng nông sản Việt Nam có mặt tại 190 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong các cân đối lớn của nền kinh tế, chúng ta không chỉ "làm đủ ăn" mà còn đạt thặng dư cao. Việt Nam xuất khẩu hơn 9 triệu tấn gạo, mang về 5 tỷ USD, góp phần bảo đảm an ninh lương thực của Việt Nam và thế giới. Nông nghiệp vẫn phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.
Những thành tựu, kết quả này đã góp phần khẳng định tính đúng đắn của chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
"Chúng ta phải đạt mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 100 tỷ USD trong những năm tới", Thủ tướng phát biểu và trân trọng cảm ơn đóng góp của ngành Nông nghiệp, nông dân với sự phát triển của đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh 9 vấn đề quan trọng mà các chủ thể liên quan cần tiếp tục quan tâm trong thời gian tới để thúc đẩy thực hiện mục tiêu nông nghiệp, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Trước hết, Thủ tướng nhấn mạnh, thể chế, chính sách vẫn là điểm nghẽn của điểm nghẽn và phải biến khâu này trở thành đột phá của đột phá. Thủ tướng mong muốn bà con nông dân tiếp tục góp ý để cùng nhau xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, gồm cơ chế, chính sách về đất đai, thuế, phí, lệ phí, về vốn tín dụng…; từ đó tháo gỡ nút thắt trong thực tiễn, để mọi người dân có thể đóng góp sức lực, nguồn lực của mình cho sự phát triển, đưa mục tiêu phát triển nông nghiệp hiện đại, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh thành hiện thực nhanh hơn, qua đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, để bà con nông dân ngày càng ấm no và hạnh phúc hơn.
Thứ hai, công tác quy hoạch cần được quan tâm hơn nữa, nhất là quy hoạch ngành, quy hoạch đất đai, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp…
Thứ ba, về vấn đề đất đai, phải tiếp tục rà soát quy định pháp luật để giải phóng nguồn lực đất đai, phát huy cao nhất hiệu quả từ đất đai, bởi đất đai là hằng số, là nguồn lực có hạn. Cùng với đó, mở rộng mạng lưới bao phủ internet, sóng viễn thông cho vùng sâu, vùng xa; khai thác không gian biển như phát triển năng lượng mặt trời, gió…; khai thác không gian ngầm để mang lại nhiều hơn nữa lợi ích, tiện ích cho nông dân.
Vấn đề thứ tư là vốn và bảo hiểm, muốn làm giàu thì phải có vốn, muốn thúc đẩy nông nghiệp theo hướng phát triển xanh, phát triển các ngành chủ lực theo quy hoạch, phát triển các mặt hàng mà thế giới có nhu cầu thì phải có chính sách tín dụng và bảo hiểm theo nguyên tắc đóng - hưởng để khuyến khích. Đồng thời, phải khuyến khích doanh nghiệp tham gia hợp tác, hỗ trợ, liên kết chặt chẽ với nông dân để bảo đảm đầu vào, đầu ra cho sản xuất; đẩy mạnh liên kết vùng, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng.
Vấn đề thứ năm là thị trường, phải tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm nông nghiệp, người nông dân phải bảo đảm chất lượng và xây dựng thương hiệu cho nông sản, cùng với mẫu mã, bao bì, đóng gói thuận tiện, bắt mắt để chiếm lĩnh thị phần.
Vấn đề thứ sáu là đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, số hóa nông nghiệp, xây dựng cơ sở dữ liệu, nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Nghiên cứu, tiếp cận, chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, công nghệ xanh.
Vấn đề thứ bảy là đào tạo nhân lực chất lượng cao và chuyển đổi nhân lực từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang khu vực công nghiệp và đô thị. Chuyển đổi lao động bền vững là chuyển đổi ngay tại chỗ, công nghiệp hóa nông thôn.
Vấn đề thứ tám, xác định văn hóa là sức mạnh nội sinh, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mang tính dân tộc, khoa học, đại chúng, văn hoá soi đường cho quốc dân đi. Thủ tướng nhấn mạnh, phải khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của mình, phải quốc tế hóa các giá trị văn hóa, thương mại hóa văn hóa thành nguồn lực, khai thác tiềm lực, thu hút đầu tư.
Thứ chín, hệ thống chính trị cơ sở phải luôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người nông dân và chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới người nông dân. Đồng thời, chủ động đề xuất thể chế, cơ chế, chính sách trên cơ sở thực tiễn; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và người dân để phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Thủ tướng cũng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền địa phương định kỳ đối thoại, lắng nghe với nông dân. Thủ tướng kêu gọi, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông dân Việt Nam tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo và đoàn kết, thống nhất để đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển, cùng cả nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Theo hanoi.gov.vn