Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông

15:00 06-07-2023

HNP - Sáng 6/7, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quán triệt Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 25/5/2023, của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong tình hình mới. Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu trụ sở Bộ Công an tại Hà Nội đến công an 63 tỉnh, thành phố và các quận, huyện, thị xã với sự tham dự của hơn 35 nghìn đại biểu.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Bộ Công an

 

Tham dự và đồng chủ trì Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia. 
 
Về phía thành phố Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn, cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan của Thành phố.
 
Các đại biểu thành phố Hà Nội dự Hội nghị trực tuyến
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Chỉ thị số 23-CT/TW được ban hành trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 4/9/2021, của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”. Trong đó nhấn mạnh công tác bảo đảm TTATGT là nhiệm vụ rất quan trọng, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội và an toàn tính mạng, sức khỏe của mỗi người dân. 
 
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, qua đó, góp phần bảo đảm TTATGT. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhiều cách làm mới, sáng tạo đã được các đơn vị, địa phương triển khai hiệu quả như: Kiểm soát nồng độ cồn, kiểm soát xe quá tải, quá khổ… Qua đó, ý thức chấp hành pháp luật giao thông có chuyển biến rõ nét, số người chết, bị thương và thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra giảm mạnh (năm 2022 giảm khoảng 3.000 người chết so với năm 2012. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, giảm 548 người chết vì tai nạn giao thông).
 
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu khai mạc Hội nghị
 
Tuy nhiên, những chuyển biến vừa qua chưa đáp ứng yêu cầu, tình hình TTATGT còn nhiều diễn biến phức tạp, thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra vẫn rất nghiêm trọng (trong 10 năm qua trung bình mỗi năm ở Việt Nam xảy ra gần 20.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết 7.000 người, bị thương 16.000 người), trong đó, khoảng 70% người bị chết, bị thương trong độ tuổi lao động để lại hệ luỵ rất nặng nề cho xã hội. Trong khi đó, một số cấp uỷ, chính quyền địa phương chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác bảo đảm TTATGT; công tác quản lý Nhà nước về TTATGT có mặt hạn chế, bất cập, chưa xác định rõ trách nhiệm trên một số lĩnh vực, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả chưa cao, chưa có bước chuyển biến mang tính đột phá trong công tác này. Đồng chí Tô Lâm đánh giá cao việc Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW, phù hợp với thực tiễn hiện nay nhằm góp phần tạo chuyển biến thực chất về công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới. 
 
Trình bày báo cáo tóm tắt kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, tình hình TTATGT thời gian qua có chuyển biến tích cực. Tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và trên các quốc lộ trọng điểm đang có xu hướng cải thiện. Qua đó số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông tiếp tục giảm sâu, số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng được kiềm chế, góp phần đảm bảo trật tự xã hội trên các tuyến, địa bàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.
 
Tuy nhiên, tại các thành phố lớn, tình hình ùn tắc giao thông vẫn phức tạp.. Từ ngày 16/12/2012 đến 14/12/2022, toàn quốc xảy ra 1.114 trường hợp ùn tắc giao thông kéo dài, chủ yếu xảy ra trên tuyến quốc lộ trọng điểm và các khu vực đông dân cư, đô thị lớn. Trong 10 năm qua, toàn quốc đăng ký 3.260.715 xe ô tô và 30.029.576 xe mô tô, xe gắn máy (mỗi năm, số lượng phương tiện đăng ký mới tăng trung bình trên 25%).

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã quán triệt những nội dung quan trọng của Chỉ thị 23-CT/TW. Trong đó, Chỉ thị nhấn mạnh kiên trì xây dựng văn hóa chấp hành pháp luật, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông; tiếp tục giảm tai nạn giao thông, hạn chế cơ bản ùn tắc giao thông. Đồng thời, hoàn thiện thể chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm, bảo đảm công tác quản lý nhà nước thống nhất, thông suốt, hiệu quả. Chỉ thị nhấn mạnh việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nhanh, đồng bộ hạ tầng giao thông phù hợp với quy mô, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực giao thông…

Chỉ thị đề ra 6 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, trong đó: tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đảm bảo TTATGT. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về giao thông. Cùng với đó là nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp các lực lượng trong bảo đảm TTATGT; khắc phục cơ bản ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, trọng điểm là Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh...
 
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá các nội dung lớn: Tổng kết đánh giá, làm rõ những kết quả đã đạt được và kinh nghiệm, những cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW để nhân rộng. Đồng thời, phân tích làm rõ những vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo đảm TTATGT, từ đó, kiến nghị các giải pháp khắc phục, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT trong thời gian tới… 
 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn tham luận tại Hội nghị
 
Tham luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, thời gian qua, Thành phố đã quyết liệt, triển khai đồng bộ, toàn diện và có hiệu quả các nhiệm vụ về bảo đảm TTATGT, từng bước quy hoạch, phát triển, đồng bộ hạ tầng giao thông gắn chặt với công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự công cộng, góp phần phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu đi lại của nhân dân và phục vụ các sự kiện chính trị, thể thao, văn hóa quan trọng diễn ra trên địa bàn Thủ đô.
 
Thời gian tới, UBND thành phố Hà Nội tham mưu Thành ủy ban hành các Chỉ thị, Kế hoạch, Chương trình hành động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức Đảng từ Thành phố đến cơ sở, địa phương để triển khai, thực hiện đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả, trong đó, tập trung một số nhiệm vụ công tác trọng tâm:
 
Thứ nhất, huy động tối đa nguồn lực và ưu tiên xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ; đẩy mạnh công tác triển khai và hoàn thành các đồ án quy hoạch để trên cơ sở đó, quy hoạch nâng cao tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông, đẩy nhanh phát triển mạng lưới giao thông tĩnh theo quy hoạch; khởi công các dự án giao thông để tăng tính kết nối giao thông giữa các khu vực ...
 
Tăng cường công tác duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, xóa bỏ các điểm đen về tai nạn giao thông, các điểm nguy cơ ùn tắc giao thông; phát triển đồng bộ và tăng tính kết nối giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng, tính tiếp cận và đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại, từ đó giảm thiểu phương tiện cá nhân.
 
Thứ hai, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo đảm TTATGT, trật tự đô thị, trật tự công cộng, trong đó, huy động và vận dụng triệt để các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học, công nghệ, thành tựu của cuộc Cách mạng 4.0 trong công tác quản lý, điều hành giao thông; tiếp tục đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa Trung tâm điều khiển giao thông, lắp đặt bổ sung hệ thống camera giám sát giao thông; tăng cường tính đồng bộ, liên thông, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu về giao thông giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an và Giao thông vận tải. 
 
Thứ ba, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT, trật tự đô thị, trật tự công cộng; Gắn trách nhiệm công tác bảo đảm TTATGT, trật tự đô thị, trật tự công cộng với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương. Đồng chí cũng nêu kiến nghị, đề xuất 2 vấn đề, thứ nhất, sớm ban hành Luật trật tự an toàn giao thông và Luật đường bộ. Đồng thời, đề nghị Ban Bí thư, các Bộ, ngành ủng hộ thành phố Hà Nội có các cơ chế đặc thù và vượt trội để phát huy tối đa các nguồn lực trong phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đô thị.
 
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đánh giá cao ý nghĩa cũng như kết quả nổi bật trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW và sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng trên cả nước nhằm bảo đảm TTATGT thời gian qua. 
 
Nhấn mạnh tầm quan trọng phải xây dựng văn hóa giao thông hiện nay, đồng chí Trương Thị Mai nêu thực trạng ý thức chấp hành pháp luật trong giao thông của một bộ phận người dân vẫn còn là vấn đề lâu dài; tai nạn giao thông giảm chưa bền vững; vi phạm giao thông tại các đô thị lớn vẫn là thách thức… Thực tế này đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần vào cuộc quyết liệt, đồng bộ hơn nữa để từng bước góp phần bảo đảm TTATGT, giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho mỗi người dân khi tham gia giao thông.
 
Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai đồng bộ các giải pháp để góp phần bảo đảm TTATGT. Trong đó, cần chú trọng đến nâng cao ý thức, trách nhiệm của người tham gia giao thông; xây dựng và quy hoạch mạng lưới giao thông. Đặc biệt, các cán bộ đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trước nhân dân khi tham giao thông; nghiêm cấm việc can thiệp, tác động khi xử lý các vi phạm về giao thông. Đồng thời, cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; nâng cao năng lực quản lý điều hành hệ thống giao thông thông minh. Đối với các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu cần sớm có giải pháp để hạn chế phương tiện cá nhân, qua đó, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông.

Theo hanoi.gov.vn