Tòa án xét xử nghiêm khắc, không có vùng cấm nhiều vụ án tham nhũng năm 2022

10:55 11-01-2023

VOV.VN - Các bản án xét xử tham nhũng vừa qua rất nghiêm khắc và người dân rất đồng tình, thể hiện tinh thần mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không có vùng cấm, cho dù cán bộ đương chức hay đã nghỉ hưu.

Trong năm 2022, Tòa án nhân dân (TAND) đã triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và các Nghị quyết của Quốc hội về công tác của tòa án. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của ngành tòa án có những chuyển biến tích cực, góp phần đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, bảo vệ công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, các tổ chức xã hội và quyền cơ bản của công dân, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII.


Các bản án đúng người đúng tội, rất nghiêm khắc và cũng rất nhân văn.
Báo cáo về công tác năm 2022 cho biết, các tòa án đã thụ lý 567.521 vụ việc, đã giải quyết được 504.681 vụ việc, đạt tỷ lệ 88,9 %. Riêng các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ, tòa án đã thụ lý 3147 vụ với 7.409 bị cáo, đã xét xử 2.626 vụ với 5.586 bị cáo, trong đó có những vụ án lớn được Đảng, Nhà nước đánh giá cao, dư luận đồng tình ủng hộ.

Khi xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng, tòa án đã áp dụng hình phạt đối với các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội, vừa nghiêm khắc, vừa bảo đảm tính khoan hồng, đồng thời quan tâm nhiều hơn việc áp dụng các quy định pháp luật về tịch thu tài sản do phạm tội mà có, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các biện pháp tư pháp và các hình phạt bổ sung nhằm đảm bảo thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị chiếm đoạt.


Tòa án coi trọng cả chức năng gỡ tội và chức năng buộc tội, xác định tranh tụng chính là biện pháp phản biện trực diện và khoa học để tìm ra sự thật của vụ án.
Trong năm qua, các tòa án đã tuyên thu hồi tiền, tài sản đối với 840 vụ, gần 2.000 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng với số tiền hơn hơn 4.000 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác....

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho rằng, đây là một trong nhiều thành công để lại dấu ấn nổi bật của ngành tòa án trong trong năm 2022, góp phần vào thành tựu chung của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII.

"Xét xử các vụ án tham nhũng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một điểm sáng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong nhiều năm qua và kể cả năm 2022. Tham gia vào tiến trình giải quyết các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo, hệ thống tòa án cũng đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, các bản án đúng người, đúng tội, rất nghiêm khắc và cũng rất nhân văn, thu hồi được nhiều tài sản", ông Nguyễn Hòa Bình nói.

Qua theo dõi hoạt động xét xử cũng như báo cáo của ngành tòa án, nhiều chuyên gia đánh giá cao những thành tựu mà tòa án đã đạt được, nhất là trong hoạt động xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn. Qua xét xử các vụ án tham nhũng kinh tế, các tòa án đã chú trọng hơn đến biện pháp thu hồi tài sản bị thất thoát cho Nhà nước, đồng thời phát hiện và kiến nghị các cơ quan có thảm quyền sữa chữa, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong ban hành - xây dựng chính sách và công tác quản lý.

PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo, Giảng viên lý luận chính trị cao cấp (Học viện Báo chí và tuyên truyền) nhận xét, các bản án xét xử tham nhũng vừa qua rất nghiêm khắc và người dân rất đồng tình, thể hiện tinh thần mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không có vùng cấm, cho dù cán bộ đương chức hay đã nghỉ hưu. Qua hoạt động xét xử không những trừng trị, răn đe kẻ phạm tội mà còn phát hiện, kiến nghị các cơ quan khắc phục, chấn chỉnh những thiếu sót trong công tác cán bộ và quản lý kinh tế.

Một điểm nhấn trong hoạt động của các tòa án, đó là trong xét xử, các thẩm phán và Hội đồng xét xử đã thực hiện tốt các nguyên tắc tố tụng, đặc biệt như nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc tranh luận công khai theo tinh thần cải cách tư pháp. Tòa án coi trọng cả chức năng gỡ tội và chức năng buộc tội, xác định tranh tụng chính là biện pháp phản biện trực diện và khoa học để tìm ra sự thật của vụ án.


Chất lượng, hiệu quả hoạt động của ngành Tòa án có những chuyển biến tích cực, góp phần đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, bảo vệ công lý.
Ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cho biết: "Trên cơ sở xem xét các chứng cứ toàn diện, khách quan mà các bên cung cấp, lời trình bày của bị cáo, người tham gia tố tụng, căn cứ vào kết quả tranh tụng, Hội đồng xét xử mới đưa ra quyết định, bản án chính xác. Đây có thể coi là bước tiến trong cải cách tư pháp".
Bàn về các kết quả nổi bật của tòa án, không thể không nhắc tới những nỗ lực trong hoàn thiện thể chế pháp luật và những đột phá minh bạch hóa hoạt động xét xử. Trong năm 2022, TAND Tối cao đã xây dựng và hoàn thành với chất lượng cao 4 chuyên đề, đề án quan trọng về cải cách tư pháp. Các đề án này đã cung cấp những luận cứ quan trọng để Ban Chấp hành Trung ương nghiên cứu, ban hành Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Có thể khẳng định, với những hoạt động hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực công tác, TAND đã khẳng định được vị thế của mình trong hệ thống chính trị, từng bước “xây dựng TAND xứng đáng là biểu tượng của công lý, lẽ phải và niềm tin”./.

theo vov.vn