Trẻ thiếu chỗ chơi trong khi nhiều công viên đóng cửa bỏ hoang
10:29 30-11-2022
VOV.VN - Trong khi người dân Thủ đô đang thiếu không gian công cộng, nơi vui chơi thì rất nhiều công viên lớn của Hà Nội lại "đắp chiếu" bỏ hoang, ngập rác và cỏ dại mọc um tùm.
Hà Nội hiện có hơn 2.200 điểm vui chơi dành cho trẻ em, trong đó có 1.700 điểm vui chơi cấp phường, xã. Thế nhưng, có tới 40% các điểm vui chơi này, hệ thống trang thiết bị đã quá cũ kỹ, không được thay mới hay cải tạo trong nhiều năm. Cùng với đó, hàng chục công viên, vườn hoa xây xong rồi bị bỏ hoang hay xây dựng dở dang rồi bỏ đó. Điều này dẫn đến nghịch lý, có nơi người dân thiếu chỗ vui chơi nhưng có nơi công viên, vườn hoa lại bị bỏ hoang lãng phí.
Đưa cháu đến vườn hoa Hồ Đắc Di chơi, ông Hoàng Văn Chất, người dân phường Nam Đồng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, ngày nào cũng đưa cháu đi dạo nhưng chẳng bao giờ ông dám cho cháu mình chơi các trò chơi ở sân chơi này. Bởi các dụng cụ, đồ chơi cho trẻ em cái thì xuống cấp, hư hỏng nặng, cái thì gỉ sét, rất mất vệ sinh và không đảm bảo an toàn.
Chị Hoàng Ngọc Thu (phố Võ Thị Sáu, quận Hai Bà Trưng) cho hay, gần khu nhà chị ở chỉ có duy nhất công viên Tuổi trẻ Thủ đô, tuy nhiên, nhiều năm nay công viên này đã bị bỏ hoang, không được sửa chữa, nâng cấp và đưa vào hoạt động. Đưa con đến đây chơi vào các buổi chiều trong tuần, chị chỉ dám dẫn con đi dạo ở những đoạn đường thoáng, ít rác thải.
Do nhà nằm trong khu dân cư đông đúc, không có không gian vui chơi cho trẻ nhỏ nên mỗi buổi chiều, chị Thu cố gắng dành chút thời gian đưa con đi dạo trong công viên này. Mặc dù rác thải tràn ngập và các hạng mục xuống cấp, nhưng không còn chỗ nào vui chơi “lý tưởng” hơn nên chị đành chọn giải pháp đưa con vào đây, cho con chạy nhảy.
Chị Thu tiếc nuối: “Khuôn viên của công viên Tuổi trẻ rất đẹp, rất rộng nhưng lại không được nâng cấp, cải tạo, thật lãng phí. Công viên thì bỏ hoang trong khi người dân, trẻ em quanh khu vực chúng tôi ở lại thiếu không gian vui chơi. Chưa kể, trong khuôn viên rác thải đổ bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, hàng quán bày bừa la liệt, rất mất mỹ quan. Chúng tôi chỉ mong sao công viên này sớm được cải tạo để người dân có chỗ giao lưu, tập thể dục còn trẻ em thì có chỗ vui chơi giải trí”.
Công viên Tuổi trẻ Thủ đô ngập rác thải và hàng quán đua nhau "mọc" lên.
Hà Nội hiện có gần 70 công viên và vườn hoa nhưng có gần 10 công viên bị bỏ hoang. Riêng tại quận Hoàn Kiếm và khu vực nội đô, tổng diện tích đất cây xanh và làm không gian công cộng chỉ bằng gần 2% tổng diện tích đất sử dụng. Những con số này cho thấy, người dân Hà Nội đang rất “khát” không gian công cộng, “khát” công viên cây xanh. Trong khi đó, hàng loạt dự án công viên mọc lên tại các quận, huyện khác vẫn không giải được "cơn khát" không gian xanh của người dân trong suốt một thập kỷ qua. Nhiều dự án bị bỏ hoang lãng phí mặc dù các hạng mục đã triển khai xây dựng.
Đáng nói, một số công viên lớn trên địa bàn Thủ đô cũng rơi vào tình cảnh xuống cấp nghiêm trọng. Cụ thể, Công viên Thống Nhất với diện tích khoảng 50ha, nhiều hạng mục trong khuôn viên như đường đi, vỉa hè... đã xuống cấp, mất an toàn cho người lớn, trẻ nhỏ khi vui chơi, tập thể dục tại đây.
Ngoài ra, nhiều công viên, vườn hoa mặc dù đưa vào hoạt động từ lâu hay mới xây dựng cũng trong tình trạng xuống cấp, ghế đá hay các trò chơi ngoài trời thì bị hư hỏng nặng như Công viên Cầu Giấy, Công viên hồ Đền Lừ, Công viên Yên Sở...
Cần giải pháp để hóa giải “cơn khát” công viên cây xanh
Theo ông Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, hiện tại, Hà Nội đang đứng trước nhiều thách thức như dân số ngày một đông, các phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy nhiều, gây ô nhiễm môi trường, tỷ lệ cây xanh trên đầu người lại thấp hơn 15 lần so với nhiều nước trên thế giới... Ngoài ra, một số công viên bị lấn chiếm bởi các dự án xây dựng bãi đỗ xe, khách sạn. Đây là một sự lãng phí rất lớn.
"Hà Nội đang rất phát triển, là thành phố sáng tạo, thành phố vì hòa bình… thế nhưng khi nhìn bộ mặt của đô thị thì thấy, công viên xuống cấp, các vườn hoa cũ gần như không được quan tâm chăm sóc. Hà Nội được mở rộng không còn như ngày trước nữa. Thế nhưng, tại sao công viên, vườn hoa luôn luôn là vấn đề bức xúc của xã hội? Chúng ta đều muốn phát triển để có thêm nhiều công viên, thế nhưng lại quên đi một điều, chúng ta đã có công viên nhưng chất lượng công viên như thế nào? Hiện nay người dân cần cái gì thì lại chưa làm được. Theo tôi, những công viên đã có cần được chỉnh trang, tôn tạo, nâng cấp cho phù hợp với sự phát triển của xã hội, đáp ứng đời sống tinh thần ngày một lớn của người dân”, ông Phạm Thanh Tùng cho hay.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính
Ở một khía cạnh khác, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính cho rằng, thiếu không gian công cộng, thiếu công viên cây xanh là một bài toán mà thành phố Hà Nội chưa thể giải được trong nhiều năm qua. Đặc biệt, các công ty quản lý công viên cây xanh thiếu chủ động cũng như thiếu đi sự sáng tạo để có thể đáp ứng được nhu cầu đời sống tinh thần của người dân. Khả năng tài chính của các công ty này khó có thể đáp ứng được yêu cầu đó, nhưng nếu họ có phương án và có các dự án đầu tư một cách cụ thể thì họ hoàn toàn có thể kêu gọi sự đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia xây dựng các sân chơi.
“Tính chủ động, tính linh hoạt và trách nhiệm của các công ty công viên cây xanh chưa đến nơi đến chốn, họ chưa thực hiện được yêu cầu, mong muốn của người dân. Vì thế tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta xem xét lại cách thức sử dụng các công viên, các đầm hồ đã được cải tạo trên địa bàn Thủ đô để nâng cấp nó trở thành sân chơi phục vụ lợi ích chung của cộng đồng cũng như phục vụ cho lợi ích của thanh thiếu nhi Thủ đô”, ông Đinh Trọng Thịnh nói.
Cũng theo ông Thịnh, chúng ta có các dự án có hiệu quả và mang tính thượng tôn pháp luật, vì hiện nay, việc cải tạo nâng cấp các dự án ở các địa phương đang bị một số tổ chức cá nhân xâm lấn và sử dụng không đúng với thẩm quyền cũng như mục đích. Do đó, chúng ta nên lặp lại khâu trật tự, trong công viên cây xanh thì cần phải có phương án tạo sân chơi cho cộng đồng, cho người dân. Nhà nước cũng có thể đầu tư hoặc kêu gọi các nhà đầu tư hợp lý. Đây là điều cần phải làm ngay và luôn để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng, sự phát triển cả về vật chất lẫn tinh thần cho người dân Thủ đô trong thời gian tới.
Cùng với đó, phải chấn chỉnh lại các công viên cây xanh để thực hiện việc xã hội hóa, làm sao để các công viên cây xanh không phải là những công viên chết. Không để tồn tại việc, người dân ra, vào công viên phải trả tiền. Người dân, người lao động Thủ đô phải được quyền ra, vào các công viên đó một cách tự do; Phải thay đổi ngay từ trong tư duy và cách quản lý của các Công ty công viên cây xanh để họ phải có trách nhiệm hiến kế, đưa ra các dự án khai thác công viên cây xanh một cách hợp lý. Có như vậy mới thu hút được sự đầu tư của chính quyền thành phố cũng như sự hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp./.
theo vov.vn