Vì sao nhiều người sập bẫy khi làm “cộng tác viên online”?

10:59 11-01-2023

VOV.VN - Thời gian qua, mặc dù đã được cơ quan chức năng cảnh báo nhưng nhiều người vẫn sập bẫy các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tiền bằng thủ đoạn tuyển cộng tác viên online.

Nạn nhân là nữ, làm việc tại nhà, cần thêm thu nhập

Thời gian qua, không ít người ở nhiều địa phương trên cả nước đã bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn tuyển cộng tác viên online với mức lương “hấp dẫn”. Thủ đoạn phổ biến là sử dụng tài khoản Facebook ảo để đăng tin tuyển dụng và chạy quảng cáo khắp các mạng xã hội (Facebook, Zalo,…) với nội dung như "Tuyển cộng tác viên mua bán hàng trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki…". Khi có người nhận làm việc, các đối tượng sẽ cho "hệ thống" tự động hoàn lại tiền mua hàng cộng thêm một khoản tiền hoa hồng dao động từ 10 - 20% khi cộng tác viên hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên. Việc hoàn tiền chỉ diễn ra nhanh chóng với những đơn hàng giá trị nhỏ đầu tiên để tạo lòng tin.

Sau khi tạo được lòng tin với các nạn nhân, các đối tượng dẫn dụ chốt nhiều đơn hàng với số tiền lớn ở những lần tiếp theo, sau đó đưa ra nhiều lý do để không hoàn tiền và thanh toán hoa hồng như: Cú pháp soạn tin bị sai, hệ thống bị lỗi… Lúc này, nếu muốn nhận lại tiền, phía bên kia sẽ yêu cầu nạn nhân phải chuyển khoản thêm tiền cho đơn hàng để lấy lại số tiền trước đó, nếu không sẽ bị mất toàn bộ.


Nạn nhân trong các vụ lừa đảo cộng tác viên bán hàng online đa số đều là những người làm việc tại nhà, cần thêm thu nhập
Với tâm lý muốn lấy lại tiền, nhiều người đã tin theo và liên tục chuyển khoản cho các đối tượng lừa đảo. Sau khi nạn nhân hết tiền để chuyển khoản hoặc phát hiện bị lừa, các đối tượng sẽ chặn toàn bộ liên lạc với nạn nhân qua điện thoại, Facebook.

Một trong số những vụ lừa đảo liên quan đến hình thức tuyển cộng tác viên online là trường hợp của chị Nguyễn Thị L. (SN 1984, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội). Cụ thể, chị L. nhận được lời mời làm cộng tác viên bán hàng và theo hướng dẫn sẽ được hưởng tiền hoa hồng. Chị L. cài đặt ứng dụng "Lark", theo hướng dẫn, tạo tài khoản và bắt đầu làm nhiệm vụ. Sau 2 lần nạp tiền vào tài khoản (lần 1 nạp 366 nghìn đồng, lần 2 nạp 375 nghìn đồng), chị L nhận được thông báo được 1 triệu đồng tiền hoa hồng.

Thấy kiếm tiền đơn giản, chị L tiếp tục thực hiện 4 nhiệm vụ và nạp tổng số tiền 80 triệu đồng nhưng sau đó các đối tượng yêu cầu cần nạp số tiền lớn hơn mới được rút tiền. Chị L. tiếp tục nạp thêm hơn 200 triệu đồng thì các đối tượng báo, chị L cài sai ID tài khoản.

Để chứng minh mình không sai, chị L. nộp thêm hơn 300 triệu nữa mới được giải ngân. Tuy nhiên, sau nhiều lần giải trình, chị L. đã chuyển tổng số 3,24 tỷ đồng vào tài khoản của các đối tượng nhưng vẫn không nhận được tiền.

Tương tự, chị T.T.H.T (32 tuổi, trú tại huyện Đồng Phú (Bình Phước) được một người tự xưng là nhân viên của sàn TMĐT Shopee tư vấn, mời tham gia cộng tác viên bán hàng online. Làm theo hướng dẫn của "nhân viên tư vấn", chị T thực hiện 3 giao dịch chuyển tiền cho 3 đơn hàng với số tiền lần lượt là 300.000 đồng, 300.000 đồng và 10.000.000 đồng.

Sau mỗi đơn hàng giao dịch thành công, chị T. được hệ thống chuyển lại số tiền tương ứng 380.000 đồng, 345.000 đồng và 12.000.000 đồng. Thấy có lợi, chị T. liên tục thực hiện thêm nhiều giao dịch với tổng số tiền chuyển đi là hơn 4,2 tỷ đồng nhưng không thấy hệ thống chuyển tiền lại như các lần trước. App luôn thông báo nhiều lý do và yêu cầu chị T. chuyển thêm 2 tỷ đồng để nâng cấp lên gói “cộng tác viên VIP”. Lúc này chị T. mới nhận ra mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

Nạn nhân trong các vụ lừa đảo cộng tác viên bán hàng online đa số đều là những người làm việc tại nhà, cần thêm thu nhập. Chị H. (Quảng Ninh) là một trường hợp như vậy. Chị H. lên mạng xã hội Facebook, kích vào mục “Tuyển dụng 2” và nhận được tin nhắn qua messenger với nội dung “Tuyển dụng nhân viên bán hàng online”.


Sau khi chủ động để lại số điện thoại, chị H. nhận được lời mời kết bạn Zalo tên “Nguyễn Thùy Dung” và tự giới thiệu là chuyên viên tư vấn của Shopee, yêu cầu chị H. cung cấp thông tin cá nhân, trong đó có tài khoản ngân hàng. Dung cấp cho chị một mã cộng tác viên rồi gửi các đường link (mỗi đường link tương ứng với một sản phẩm) và bảo chị H. nhấp vào đường link này sẽ thấy mã sản phẩm kèm giá tiền. Ngoài ra, Dung còn cung cấp một tài khoản ngân hàng mang tên “PHAM THU HA” và hướng dẫn chị H. thực hiện thao tác mua sản phẩm có trong đường link, rồi thanh toán bằng cách chuyển tiền đến số tài khoản trên.

Khi đã chuyển tiền qua ứng dụng Internet banking, khoảng 10 phút sau, tài khoản chị H. nhận được số tiền đã mua sản phẩm cùng với 10% hoa hồng giá trị sản phẩm. Do ham lợi nhuận, chị H. tiếp tục bị các đối tượng lừa đảo, dẫn dắt mua bán lòng vòng, chuyển tổng cộng hơn 822 triệu đồng và bị chiếm đoạt hết.

Chị C.T.H bán tạp hóa (23 tuổi, ở Mộc Châu, Sơn La) cho biết, thời gian qua, chị thấy nhiều bài đăng tuyển CTV trên Facebook, sau khi liên hệ để làm việc, nhóm này liên lạc với chị bằng Telegram. Tại đây, chị H. được hướng dẫn đăng kí tài khoản làm việc, đánh giá sản phẩm. Khi làm được tới hợp đồng thứ 5, chị H. bị yêu cầu nạp tiền để nhận thưởng hợp đồng làm việc tiếp và bắt buộc liên kết ngân hàng để rút tiền. Nhưng may mắn, số tiền chị H. nạp vào chỉ từ vài trăm nghìn đồng, sang ngày hôm sau liên lạc lại với “công ty” thì bị chặn, vào web rút tiền thì không thể rút được.


Cơ quan chức năng đã cảnh báo nhưng nhiều người vẫn sập bẫy các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tiền bằng thủ đoạn tuyển cộng tác viên online.

16 hình thức lừa đảo thường xuyên diễn ra trên không gian mạng Việt Nam
VOV.VN - Năm 2022 ghi nhận hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến, với 2 loại hình chính: lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân (chiếm 24.4%) và lừa đảo tài chính (chiếm 75,6%).

“Mình cũng chỉ muốn kiếm thêm thu nhập thôi. Thấy đơn giản nên mình tham gia, làm được một nửa kêu nạp tiền để nhận thưởng hợp đồng, nạp xong thì bùng luôn”- Chị H giãi bày.

Làm gì để không “sập bẫy” lừa đảo?

Trước thực trạng này, đại diện các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee… cho biết, thời gian qua, có việc giả mạo thương hiệu để tuyển cộng tác viên bán hàng nhằm chiếm đoạt tài sản của người dùng. Theo đó, mặc dù các sàn thương mại điện tử đã nhiều lần đưa ra cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như các kênh truyền thông chính thống, song không thể loại bỏ được những tin nhắn, bài đăng mạo danh.

Để bản thân không trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo với thủ đoạn tuyển cộng tác viên online, trước hết, chúng ta cần nâng cao hiểu biết của bản thân với công việc mình sắp làm, đồng thời cần lưu ý những công việc kiếm tiền quá dễ dàng đều tiềm ẩn những rủi ro khó lường. Cơ quan chức năng lưu ý những vấn đề sau để không sập bẫy lừa đảo:

- Tìm hiểu kỹ thông tin tuyển dụng và đối tượng đăng tin tuyển dụng.

- Cảnh giác trước những lời mời chào hấp dẫn, hứa hẹn thu nhập cao mà không đòi hỏi kinh nghiệm hay kỹ năng.

- Khi thực hiện nhiệm vụ mà phát hiện bên kia có dấu hiệu chần chừ trong việc thanh toán tiền thì cần dừng ngay việc mua hàng. Nếu tiếp tục mua sản phẩm theo yêu cầu của bên kia, nạn nhân sẽ càng mất thêm nhiều tiền chứ không có chuyện được hoàn tiền và hoa hồng./.

theo vov.vn