Xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn gắn với chế biến

10:53 15-01-2024

HNP - Chiều 12/1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Dự và chỉ đạo Hội nghị có Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền trao Bằng khen của Bộ NN&PTNT cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc

 

18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới
 
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, trong năm 2023, ngành Nông nghiệp đã khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu đề ra. Điểm sáng trong bức tranh nông nghiệp Thủ đô đó là tốc độ tăng trưởng nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74% so với cùng kỳ năm 2022 (kế hoạch là 2,5-3%). Về giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (theo giá so sánh) ước đạt 41.681 tỷ đồng, tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó: Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 38.023 tỷ đồng, tăng 2,67%; giá trị sản xuất trồng trọt ước đạt 16.318 tỷ đồng, tăng 0,70%; giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 20.810 tỷ đồng, tăng 4,3%; giá trị sản xuất dịch vụ nông nghiệp đạt 895 tỷ đồng, tăng 2,21%; giá trị sản xuất thủy sản đạt 3.566 tỷ đồng, tăng 3,31% so với năm 2022... 
 
Có thể thấy, các nhóm lĩnh vực chính của ngành đều có sự gia tăng về giá trị sản xuất. Qua đó, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung, khẳng định vai trò là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội khu vực nông thôn Thủ đô. 
 
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại phát biểu tại Hội nghị
 
Để đạt được kết quả như trên, ngoài các giải pháp về công tác chỉ đạo, điều hành, ngành còn thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại; Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhân rộng thực hiện mã số vùng trồng, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, chất lượng và an toàn thực phẩm; Khuyến khích, hỗ trợ các mô hình khuyến nông sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ và các mô hình kết hợp nông nghiệp du lịch; tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao; sản xuất theo nhu cầu thị trường….
 
Đến nay, trên địa bàn Thành phố đã hình thành gần 400 vùng sản xuất chuyên canh tập trung, 159 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 46% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn Thành phố (tăng 6% so với năm 2022). Bên cạnh đó, trong năm 2023, trên 13.000 sản phẩm nông, lâm sản và thuỷ sản đã được cấp mã truy xuất trên Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm sản và thuỷ sản thành phố Hà Nội; công bố 1 chỉ dẫn địa lý “La tinh Hoài Đức” cho sản phẩm bưởi đường La Tinh, huyện Hoài Đức.
 
Hà Nội được đánh giá là dẫn đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2023, Thành phố có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 6 huyện (Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Thanh Oai) phấn đấu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2023, Thành phố giao các huyện, thị xã hoàn thành 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Theo đăng ký của các huyện, thị xã đến cuối năm 2023 dự kiến hoàn thành 69 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 41 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Như vậy dự kiến hết năm 2023 có 180 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (vượt chỉ tiêu của Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy đến năm 2025 là 149 xã); có 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. 
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền trao Bằng khen của UBND Thành phố cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới 
 
Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao từ Thành phố đến cơ sở Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2023, dự kiến Hội đồng OCOP cấp huyện, cấp Thành phố đánh giá, phân hạng được 550 sản phẩm (vượt chỉ tiêu Thành phố giao là 400 sản phẩm), trong đó có 96 sản phẩm 4 sao, 454 sản phẩm 3 sao. Lũy kế đến hết năm 2023, thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng được 2.717 sản phẩm, trong đó: 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.465 sản phẩm 4 sao và 1.234 sản phẩm 3 sao.
 
Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 1.410 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 1.216 hợp tác xã đang hoạt động. Các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả cũng góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. 
 
Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp
 
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phục hồi tốc độ tăng trưởng của ngành thông qua nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị, mở rộng thị trường. Xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ mới với năng suất chất lượng cao, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu; tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất cây, con giống; phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái thông minh, gắn với phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch nông thôn, giáo dục trải nghiệm, tạo việc làm cho người lao động ở nông thôn.
 
Về phát triển kinh tế nông thôn sẽ gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại, ngành nghề, làng nghề nông thôn. Trong đó ưu tiên hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm làng nghề tiêu biểu, có sức cạnh tranh cao, phát huy lợi thế so sánh và lợi thế về thị trường, nâng cao thu nhập, đời sống dân cư nông thôn…
 
Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị đã tham luận làm rõ thêm một số kết quả năm 2023 và đề xuất một số giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn của Thành phố năm 2024.
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
 
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được của ngành Nông nghiệp trong năm qua.
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cần xây dựng kế hoạch bám sát đặc thù, điều kiện phát triển của Thủ đô. Theo đó, phải tập trung phát triển nông nghiệp sạch, xanh, nông nghiệp chất lượng cao, hướng tới xuất khẩu. Trong đó, đẩy mạnh liên kết giữa các ngành, địa phương, doanh nghiệp trong phát triển các chuỗi.
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng yêu cầu, ngành Nông nghiệp cần đẩy mạnh tư duy, xây dựng cơ chế phối hợp với các địa phương, sở, ngành để xây dựng vùng sản xuất quy mô lớn gắn với chế biến. Song song, tập trung phát triển con giống, tạo thế mạnh, lợi thế riêng cho ngành Nông nghiệp Thủ đô. Hà Nội phải lựa chọn phân khúc thị trường, lựa chọn những mô hình đặc thù, không đại trà, tạo điểm nhấn riêng cho nông nghiệp Thủ đô.
 
Thời gian tới, với những điểm mới trong Luật Thủ đô sửa đổi, nông nghiệp sẽ có cơ sở để quy hoạch sản xuất theo vùng, có cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp.
 
 
Tại Hội nghị, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho đồng chí Chu Phú Mỹ, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội; trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho đồng chí Phạm Khắc Diễn, Trưởng phòng Tổ chức Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội.
 
Nhân dịp này, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới đã vinh dự nhận Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bằng khen của UBND Thành phố và Giấy khen của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo hanoi.gov.vn