Cần thể hiện rõ sự ưu đãi đối với người dân Thủ đô khi sử dụng các dịch vụ tự nguyện tại cơ sở y tế trực thuộc Thành phố
09:02 07-03-2024
HNP - Sáng 6/3, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương đã chủ trì Hội nghị phản biện xã hội đối với hồ sơ dự thảo Nghị quyết quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế mà không phải là dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc thành phố Hà Nội.
Quang cảnh Hội nghị phản biện
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đình Hưng, hiện các dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc thành phố Hà Nội quản lý đang tiếp tục thực hiện thu theo mức giá quy định tại Nghị quyết số 14/2019/NQ-HĐND ngày 04/12/2019 của HĐND Thành phố với mức lương cơ sở trong cơ cấu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là: 1.490.000 đồng/tháng. Việc trình ban hành Nghị quyết vào kỳ họp gần nhất năm 2024 của HĐND Thành phố là cần thiết, nhằm đảm bảo việc triển khai kịp thời, thống nhất với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, cơ quan Trung ương trên địa bàn Thành phố, thống nhất với mức giá thu dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT và đảm bảo nguồn tài chính cho các đơn vị trực thuộc Thành phố để thực hiện cơ chế tự chủ chi hoạt động thường xuyên trong giai đoạn hiện nay.
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đình Hưng trình bày dự thảo Nghị quyết
Do đó, UBND Thành phố đề xuất mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT mà không phải là dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc thành phố Hà Nội bằng mức giá tối thiểu theo quy định tại Phụ lục I, II, III kèm theo Thông tư số 21/2023/TT-BYT và thực hiện áp giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với một số trường hợp theo nguyên tắc sau:
Thứ nhất, các viện có giường bệnh, trung tâm y tế tuyến tỉnh có chức năng khám bệnh, chữa bệnh; trung tâm y tế huyện thực hiện cả hai chức năng phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh đã được xếp hạng: áp dụng mức giá của bệnh viện hạng tương đương.
Thứ hai, đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa được phân hạng: áp dụng mức giá của bệnh viện hạng IV.
Thứ ba, đối với phòng khám đa khoa khu vực: Trường hợp được cấp giấy phép hoạt động bệnh viện hoặc trường hợp quy định tại khoản 12 Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ: áp dụng mức giá của bệnh viện hạng IV; Trường hợp chỉ làm nhiệm vụ cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú: áp dụng mức giá của bệnh viện hạng IV. Đối với trường hợp được Sở Y tế quyết định có giường lưu: áp dụng mức giá bằng 50% mức giá ngày giường nội khoa loại 3 của bệnh viện hạng IV. Số ngày được thanh toán tối đa 3 ngày/người/đợt điều trị. Không thanh toán tiền khám bệnh trong trường hợp đã thanh toán tiền giường lưu.
Thứ tư, đối với Trạm y tế xã, phường, thị trấn: Mức giá khám bệnh: áp dụng mức giá của trạm y tế xã. Mức giá các dịch vụ kỹ thuật bằng 70% mức giá của các dịch vụ tại Phụ lục III; Đối với các trạm y tế được Sở Y tế quyết định có mức giường lưu: áp dụng mức giá bằng 50% mức giá ngày giường nội khoa loại 3 của bệnh viện hạng IV.
Thứ năm, đối với Nhà hộ sinh: áp dụng mức giá của bệnh viện hạng IV. Mức giá thanh toán tiền giường bệnh áp dụng bằng 50% mức giá ngày giường nội khoa loại 3 của bệnh viện hạng IV.
Tại Hội nghị, các nhà khoa học, chuyên gia đã nêu ý kiến sâu sắc, tâm huyết đóng góp vào dự thảo Nghị quyết. Theo đó, các đại biểu đều nhất trí và cho rằng việc ban hành nghị quyết là sự cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế cũng như đáp ứng giá dịch vụ khám, chữa bệnh hiện nay.
Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Phạm Ngọc Thảo phát biểu
Ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố cho rằng cần bổ sung việc đánh giá tác động đến xã hội như thế nào, bổ sung thêm đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức thực hiện, giám sát. Theo ông, hiện nay, giá giường dịch vụ quá cao. Đề nghị cơ quan bảo hiểm cần xem xét lại việc quy định chữa một bệnh hay hai bệnh cùng một đợt điều trị.
Ông Nguyễn Văn Dung, Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội cho rằng, độ bao phủ y tế càng rộng thì người dân tiếp cận dịch vụ càng tốt. Quan điểm của Đảng, Nhà nước thể hiện một nền y tế công bằng, hiệu quả, phát triển. Theo Bảo hiểm xã hội Thành phố, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế của Hà Nội đạt 94% dân số, với gần 8 triệu người dân, tăng 4,7% so với cùng thời điểm năm 2023 và tăng so với cuối năm 2023. Như vậy, chỉ còn khoảng 6% dân số (hơn 500 nghìn người) không tham gia bảo hiểm y tế, đây không thuộc đối tượng nghèo hoặc cận nghèo. Giá dịch vụ đề xuất theo Thông tư 22/2023/TT-BYT tăng khoảng 10% so với giá cũ. Như vậy, mức giá theo nghị quyết là đảm bảo đáp ứng được với sự phát triển kinh tế xã hội và thu nhập của người dân.Tuy nhiên, người dân thường quan tâm đến chất lượng và lo lắng về tình trạng bệnh nên mong muốn được bác sĩ tư vấn, khám chữa bệnh nhiệt tình.
Ông Vũ Hào Quang, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Tổng hợp và phân tích Dư luận xã hội băn khoăn về thời hạn thực hiện Nghị quyết này vì từ 1/7/2024 chế độ tiền lương thay đổi, mức lương cơ sở có thể thay đổi, việc trả lương theo chức vụ và vị trí việc làm có thể kéo theo nhiều quy định khác về tiền lương. Do đó việc dựa vào bậc lương cơ sở để áp giá cho hoạt động khám chữa bệnh có thể sẽ không còn giá trị. Ngoài ra, đối với người nghèo, cận nghèo thì giá dịch vụ còn khá cao, do đó, ông đề xuất với mức thu nhập và mức lương khác nhau, cần đưa tiêu chí mức nghèo đa chiều nông thôn và thành thị vào căn cứ giá dịch vụ.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương phát biểu kết luận
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu cũng như đánh giá cao công tác chuẩn bị của UBND Thành phố, Sở Y tế trong chuẩn bị dự thảo Nghị quyết. Bày tỏ tán thành với dự thảo nghị quyết đã tạo sự công bằng giữa bệnh viện Trung ương và Hà Nội, đồng chí Nguyễn Lan Hương cho rằng việc tăng mức giá còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tăng vật tư, thuốc, trang thiết bị y tế, do đó, nếu chỉ dựa vào tăng lương cơ sở thì chưa đầy đủ. Theo đồng chí, mức giá điều chỉnh, cách lựa chọn của Thành phố là áp dụng mức thấp nhất, thể hiện sự đầu tư tốt nhất của Thành phố cho lĩnh vực y tế. Do đó, cần thể hiện rõ vai trò của Sở Y tế trong việc tổ chức thực hiện, vai trò giám sát của Mặt trận tổ quốc Thành phố và đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân nắm được.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương lưu ý cần quan tâm, ban hành chính sách đặc thù của Thành phố dành cho người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận dịch vụ y tế; nâng cao chất lượng dịch vụ tại cơ sở y tế, giảm khoảng cách giữa các bệnh viện công và bệnh viện tư; song song việc tăng giá dịch vụ, cần nâng cao chất lượng y tế đối với bệnh viện công lập để nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
Theo hanoi.gov.vn