Chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh: Nhiều góc nhìn, cách tiếp cận có tính chất gợi mở
10:18 30-11-2023
HNP - Sáng 29/11, trong khuôn khổ Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam-Châu Á 2023, sau phiên khai mạc, các đại biểu đã được nghe các tham luận về: Chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh; Kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh; Hạ tầng số cho đô thị thông minh; Quy hoạch, xây dựng, vận hành thông minh, bền vững dựa trên nền tảng dữ liệu; các giải pháp quản trị thực thi thông minh, hiệu quả cho chính quyền các thành phố…
Quang cảnh Hội nghị
Hà Nội phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số
Mở đầu, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng, với tham luận: “Chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh, bài toán và thách thức” cho rằng: Để Hà Nội chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đạt hiệu quả, cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của người dân; ngoài ra, Thành phố cần có mô hình thông tin, chiến lược dữ liệu...
Với vị thế dân số chiếm 8,4% dân số cả nước, tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) năm 2022 tăng 8,89%; tổng thu ngân sách 9 tháng năm 2023 là 305.300 tỷ đồng tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên, Hà Nội đứng trước nhiều thách thức như: Dân số đông; ùn tắc, ô nhiễm, năng lực cạnh tranh… Từ vị thế, cơ hội, thách thức, Thành ủy, UBND Thành phố đã có chủ trương về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh; trong đó có Nghị quyết số 18-NQ/TU, ngày 30/12/2022, của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng trình bày tham luận
Nghị quyết đặt ra mục tiêu tổng quát đến năm 2025 thực hiện chuyển đổi số phát triển Thủ đô theo hướng thông minh, hiện đại, tạo điều kiện kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Hà Nội phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại. Hà Nội duy trì và phấn đấu vị trí cao trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước, phát triển các dịch vụ sáng tạo, dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp, khai thác dữ liệu như một nguồn tài nguyên mới để phát triển kinh tế - xã hội.
Về chính quyền số, đến năm 2025, Hà Nội xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số hiện đại, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản trị nội bộ, xử lý hồ sơ công việc được thực hiện trên môi trường mạnh ở cả 3 cấp.
Về kinh tế số: Hà Nội đặt mục tiêu tỷ trọng kinh tế số trong GRPD khoảng 30%; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động tăng từ 7 - 7,5%/năm.
Về xã hội số: Thành phố đặt mục tiêu 80% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; 50% dân số trưởng thành có chữ ký số; phủ mạng internet băng rộng cáp quang tới 90% hộ gia đình; 70% người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản; 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết, UBND thành phố Hà Nội ban hành các kế hoạch về chuyển đổi số, trong đó, có Kế hoạch 239/KH-UBND ngày 27/9/2023 của UBND Thành phố về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Kế hoạch gồm 55 chỉ tiêu, 201 nhiệm vụ được phân theo nhóm các trụ cột: Chính quyền số, xây dựng Thành phố thông minh; kinh tế số, xã hội số...
Về các nhiệm vụ, lĩnh vực trọng tâm xây dựng Thành phố thông minh, Hà Nội xác định gồm hạ tầng kinh tế xã hội thông minh: Y tế, văn hóa, giáo dục, kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, thương mại thông minh.
Hà Nội cũng xác định, để tạo nền móng chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh cần phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, bảo đảm an toàn thông tin; phát triển nhân lực số; tăng cường hợp tác trong và ngoài nước, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số.
Xây dựng Thành phố thông minh: Sử dụng công nghệ để phục vụ cuộc sống
Tham luận về “Góc nhìn và kinh nghiệm xây dựng hạ tầng số cho đô thị tương lai”, theo ông Nguyễn Công Thị, Giám đốc khối Giải pháp chính quyền điện tử, Tập đoàn VNPT cho rằng, một trong những nguyên tắc trọng tâm xây dựng kiến trúc đô thị thông minh là Chuyển đổi mô hình quản trị bởi “Một thành phố thông minh bền vững và hoạt động tốt là sự phối hợp chặt chẽ giữa con người, quy trình, chính sách và công nghệ để làm việc cùng nhau trong toàn bộ hệ sinh thái đô thị thông minh”. Cùng với đó, phải thiết lập dữ liệu Thành phố bởi dữ liệu là mạch máu của Thành phố thông minh; Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, bao gồm phát triển cả cơ sở hạ tầng đô thị và hạ tầng số, nền tảng số… Và nhấn mạnh: “Thành phố thông minh không phải là về công nghệ mà là sử dụng công nghệ cùng với các lớp sinh thái khác nhau để tạo ra kết quả mà người dân, doanh nghiệp, tổ chức thành phố và du khách quan tâm”.
Các đại biểu trình bày tham luận tại Hội nghị
Trong tham luận: “Quy hoạch, xây dựng, vận hành đô thị thông minh bền vững dựa trên nền tảng dữ liệu”, Phó Chủ tịch điều hành, Giám đốc phát triển kinh doanh FPT Information System Phan Thanh Sơn đã trình bày về Giải pháp: “Quản trị thực thi dựa trên dữ liệu số, nền tảng để xây dựng Thành phố thông minh, phát triển bền vững”. Theo đại diện Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel): “Phát triển dữ liệu số bản chất là số hóa toàn bộ dữ liệu liên quan đến mọi mặt đời sống của người dân, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, quản lý, điều hành của chính quyền trên môi trường số và thay đổi cách thức làm việc dựa trên công nghệ số và dữ liệu số”. Tuy nhiên, hiện nay, dữ liệu số chưa được hình thành, lưu trữ, phân tích, khai thác tốt. Dẫn tới các nhóm chỉ tiêu cần đến vai trò của Dữ liệu số có điểm chuyển đổi số chưa cao. Mặc dù, định hướng, chiến lược đã xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, nhưng việc thực thi còn phân mảnh, không đồng bộ.
Đề xuất xây dựng chiến lược, lộ trình phát triển dữ liệu, theo đại diện Viettel, cần: Xây dựng chiến lược, kiến trúc dữ liệu của địa phương; Xây dựng quy trình quản trị dữ liệu; Xây dựng nền tảng dữ liệu dùng cho địa phương; Xây dựng các cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của sở, ngành địa phương; Kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Theo hanoi.gov.vn