Cơ cấu lại ngành du lịch bền vững và hội nhập quốc tế

11:03 16-03-2023

HNP - Ngày 15/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển”. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố và các hiệp hội, doanh nghiệp về du lịch, các hãng hàng không.

Quang cảnh Hội nghị

 

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
 
Tại Hội nghị, các đại biểu đóng góp nhiều giải pháp để giúp cho hoạt động du lịch có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn, có thể tăng tốc phục hồi, có sức cạnh tranh cao với các nước trong khu vực.
 
Các đại biểu tại điểm cầu thành phố Hà Nội
 
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình kiến nghị, cần có chính sách cụ thể cho hoạt động du lịch, trong đó, cần có chính sách điều chỉnh giá điện, ưu đãi về sử dụng đất cho các doanh nghiệp để giúp các doanh nghiêp du lịch khắc phục khó khăn.
 
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga đề nghị tăng cường tập trung quảng bá cho du lịch và tiếp thị hình ảnh thương hiệu du lịch quốc gia. Trong đó, Chính phủ cần tăng ngân sách cho công tác này. Ngoài ra, nên ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch. Đồng thời, xây dựng bản sắc văn hóa du lịch cho từng vùng, từng miền. Đối với vấn đề visa, đề nghị tăng hạn visa từ 2 đến 4 tuần cho khách có thời gian đi du lịch nhiều hơn, chi nhiều tiền cho du lịch để doanh thu du lịch của chúng ta được tăng hơn.
 
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga kiến nghị tại Hội nghị
 
Phó Tổng Giám đốc Công ty Saigontourist Võ Anh Tài đề xuất sớm kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp Trung ương về du lịch, nhằm tăng cường vai trò chỉ đạo của Chính phủ, sự liên kết, phối hợp của các bộ, ngành giúp nhanh chóng phục hồi, phát triển du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn; tăng cường quảng bá, tiếp thị trực tiếp tại các thị trường quốc tế trọng điểm và các thị trường mới, đặc biệt là các thị trường Đông Bắc Á bắt đầu mở cửa phục hồi như Nhật Bản, Hàn Quốc và thị trường Trung Quốc.
 
Trong khi đó, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn SunGroup đề xuất, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần sớm xem xét, sửa đổi, bổ sung thủ tục xuất nhập cảnh, tăng thời gian lưu trú từ 30 ngày lên 45 ngày, cho phép khách có thể được nhập cảnh nhiều lần…
 
Tại Hội nghị, các bộ, ngành, địa phương cũng đề xuất nhiều giải pháp hiệu quả, thiết thực để việc đón khách thời gian tới hiệu quả hơn, đặc biệt là tập trung vào việc đón khách quốc tế, nhất là khi Trung Quốc đã đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt 2, từ ngày 15/3.
 
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, thời gian qua, ngành Du lịch đã có nhiều cố gắng trong việc phục hồi. Lượng khách du lịch trong nước tăng trưởng nhanh là minh chứng cho những cố gắng của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự phấn đấu, nỗ lực của ngành Du lịch. Kết quả này cũng giúp ngành Du lịch thêm tự tin trong việc phát triển du lịch ngày càng tiến bộ, hiệu quả để có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
 
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng cũng lưu ý, ngành Du lịch cần thẳng thắn nhìn nhận hoạt động phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng về con người, thiên nhiên đang có. So với năm 2019, đến nay, lượng khách quốc tế vẫn chưa được như mong muốn, chưa đạt được mục tiêu đề ra; nhiều thủ tục về xuất nhập cảnh, lưu trú… còn bất cập; sản phẩm du lịch chưa đa dạng; công tác quản lý du lịch chưa đồng bộ, vấn đề vệ sinh, môi trường chưa được quan tâm đầy đủ…
 
Về một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về du lịch, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, nhất là Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các nghị quyết của của Bộ Chính trị về phát triển các vùng kinh tế-xã hội. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại, đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế.
 
Tập trung rà soát, kịp thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định về du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại và hội nhập, tạo thuận lợi cho khách du lịch cả nội địa và quốc tế. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, giải pháp đột phá để phát triển ngành du lịch, nhất là khai thác các yếu tố riêng có của Việt Nam.
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị
 
Tiếp tục tăng cường đầu tư và huy động các nguồn lực cho phát triển du lịch. Trong đó, tham mưu, báo cáo đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp đầu tư hoặc cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư cho hạ tầng du lịch (hệ thống sân bay, bến cảng; phương tiện vận chuyển, dịch vụ du lịch có quy mô lớn; hệ thống chỉ dẫn công cộng theo hướng hiện đại...).
 
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh du lịch tiếp cận các nguồn vốn, gói kích cầu; nâng cao năng lực kinh doanh và chất lượng sản phẩm dịch vụ, phù hợp với nhu cầu và biến động của thị trường du lịch.
 
Đẩy mạnh chuyển đổi số; hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam. Tiếp tục đầu tư, phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu; đa dạng hóa hình thức đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp, thu hút các tập đoàn du lịch lớn trên thế giới tham gia đào tạo nhân lực du lịch.
 
Sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế theo hướng tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú phù hợp với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử. Tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước, quốc tế mở các đường bay và trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng.
 
Tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các Tập đoàn, Tổng công ty du lịch lớn, đa quốc gia trong thúc đẩy kết nối, thu hút các thị trường khách lớn, tiềm năng theo nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
 
Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai thực hiện Đề án "Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn", trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc cơ cấu lại thị trường khách du lịch. Tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu du lịch nội địa. Tập trung khai thác có hiệu quả các thị trường nguồn khách quốc tế lớn, chú trọng khai thác các thị trường có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày, đẩy mạnh phát triển và khai thác phân khúc khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có thế mạnh. Tăng cường nghiên cứu thị trường, nắm bắt những xu hướng du lịch mới và phản ứng chính sách nhanh, phù hợp. Triển khai thực hiện hiệu quả, thực chất, đúng hướng đối với các nguồn lực đầu tư cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Khẩn trương kiện toàn cơ cấu, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí góp phần phát triển du lịch.
 
UBND các tỉnh, thành phố tích cực, chủ động phối hợp, thúc đẩy liên kết du lịch để cùng phát triển sản phẩm, nguồn nhân lực, quản lý, đầu tư phát triển du lịch. Thường xuyên lắng nghe, trao đổi, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững, đúng pháp luật. Đẩy mạnh hợp tác công-tư, nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới. Tập trung xây dựng nếp sống văn minh, bảo đảm vệ sinh, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh, an toàn cho khách du lịch. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch trên địa bàn. Đẩy mạnh hướng dẫn du khách trên nền tảng số.
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Hiệp hội du lịch Việt Nam cần phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt, cánh tay đắc lực của cơ quan quản lý nhà nước. Tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển lành mạnh, làm giàu chính đáng, tuân thủ đúng pháp luật và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Phát hiện, tổng hợp ý kiến và đề xuất, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp du lịch.
 
Các doanh nghiệp hoạt động du lịch tích cực nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm dịch vụ, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp; thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, nói không với tiêu cực. Đề cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường; trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động; quan tâm xây dựng môi trường lao động an toàn, thân thiện, hài hòa, bền vững, nhân viên cởi mở, thân thiện; góp phần đào tạo nhân lực thông qua hợp tác công-tư....

Theo hanoi.gov.vn