Hà Nội: 108 mô hình, điển hình trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ

09:14 07-03-2024

HNP - Sáng 6/3, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố, Phó Ban Chỉ đạo 138 và Ban Chỉ đạo 89 thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đã chủ trì Hội nghị quán triệt nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Ban Chỉ đạo 138 và Ban Chỉ đạo 89 thành phố Hà Nội.

Quang cảnh Hội nghị

 

Dự Hội nghị có Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, đơn vị thường trực 2 Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các sở ngành. Hội nghị kết nối trực tuyến tới 579 xã, phường, thị trấn.
 
108 mô hình, điển hình trong phòng trào toàn dân bảo vệ ANTQ
 
Năm 2023, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ, Thành ủy, UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thành phố Hà Nội (BCĐ 138), các đơn vị đã chủ động làm tốt công tác phòng ngừa, giải quyết được các vấn đề mới phát sinh; Triển khai thực hiện có hiệu quả, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, yêu cầu, chỉ tiêu đề ra trong các đợt cao điểm đấu tranh, trấn áp tội phạm.
 
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an Thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 138 và 89 Thành phố phát biểu
 
Trong đó, Công an Thành phố đã tiếp tục thực hiện Quy chế phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội trong cung cấp thông tin phòng ngừa tội phạm cho Bản tin 141; Tổ chức 43 buổi tuyên truyền pháp luật phòng, chống ma túy cho hơn 43.570 học sinh các trường THCS, THPT trên địa bàn các quận, huyện, thị xã; tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch tuyên truyền 205 buổi cho 80.000 lượt sinh viên tại 45 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố trong tuần lễ sinh hoạt chính trị đầu khóa năm học 2023-2024.
 
Ban Chỉ đạo 138 Thành phố đã ban hành, triển khai Hướng dẫn số 07/HD-BCĐ ngày 12/6/2023 về Quy trình, thủ tục xây dựng, duy trì và nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Hiện, Thành phố đang duy trì 108 mô hình, điển hình trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và được nhân rộng đến 6.419 điểm tổ dân phố, khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan doanh nghiệp, cơ sở giáo dục.
 
Nhiều mô hình được xây dựng mới, nhân rộng phát huy hiệu quả góp phần bảo đảm an ninh, trật tự. Công an Thành phố đã đề nghị và được Bộ Công an đã ghi nhận, giới thiệu 3 mô hình (“Mô hình Họ giáo an toàn về an ninh, trật tự xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ”, “Mô hình số tay phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật" của Công an quận Hà Đông; “Mô hình chuyên đề liên kết đảm bảo ANTT, PCCC và cứu hộ cứu nạn tại các khu đô thị, khu chung cư cao tầng" trên địa bàn quận Tây Hồ).
 
Lực lượng công an tiếp tục phát huy tốt vai trò chủ công nòng cốt trong công tác phòng, chống tội phạm; triển khai đồng bộ, toàn diện các biện pháp, giải pháp trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tội phạm và tệ nạn xã hội.
 
Kết quả điều tra khám phá án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt tỷ lệ 96,4% - vượt chỉ tiêu công tác năm của Công an Thành phố và chỉ tiêu Nghị quyết 96 ngày 27/11/2019 của Quốc hội đề ra.
 
Điều tra khám phá nhanh các vụ án nghiêm trọng, triệt phá nhiều ổ nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm; không để các ổ nhóm tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội, tội phạm có tổ chức hoạt động lộng hành, kéo dài; không để tồn tại các tụ điểm về tệ nạn xã hội gây nhức nhối trong dư luận...
 
Kết quả điều tra khám phá án kinh tế, ma túy, môi trường, công nghệ cao đều đạt kết quả cao, đảm bảo mục tiêu, tiến độ, chỉ tiêu đề ra, trong đó đã phát hiện, điều tra khám phá nhiều vụ án gây được tiếng vang, được các cấp, các ngành ghi nhận, khen thưởng.
 
Công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư, tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, công tác giải quyết án đảm bảo chất lượng, thời gian, tiến độ đề ra. Chấp hành nghiêm pháp luật trong công tác bắt, giam, giữ, xử lý tội phạm và vi phạm, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm đạt 90,7% (đạt mục tiêu Nghị quyết 96 đề ra).
 
Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật còn tiềm ẩn nhiều phức tạp
 
Theo Ban Chỉ đạo 138, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trong năm qua vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, nổi lên là: Các đối tượng phạm tội sử dụng những phương thức, thủ đoạn cũ nhưng gia tăng hoạt động trên địa bàn, tập trung vào một số loại tội phạm như: giết người, cướp tài sản... Đặc biệt, có xuất hiện trở lại thủ đoạn bắt cóc trẻ em, đòi tiền chuộc của gia đình nhằm chiếm đoạt tài sản.
 
Tội phạm hoạt động "tín dụng đen" có sự ẩn danh ngày càng cao; gia tăng hoạt động trên không gian mạng, sử dụng công nghệ cao để cho vay lãi và đòi nợ, xuất hiện hình thức "tín dụng đen" mà người vay không biết đối tượng cho vay.
 
Đối tượng sử dụng công nghệ "deepfake" (công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo) để tạo ra các sản phẩm công nghệ dưới dạng âm thanh, hình ảnh, video giả mạo người có quan hệ với bị hại, sau đó thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
 
Tình trạng các nhóm đối tượng thanh thiếu niên tụ tập, sử dụng các loại hung khí, điều khiển xe máy lạng lách, tốc độ cao để đuổi đánh nhau, giải quyết mâu thuẫn, gây rối trật tự công cộng trên đường phố có những thời điểm diễn biến phức tạp.
 
Tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn biến phức tạp, nổi lên các đối tượng lợi dụng chính sách, kẽ hở của pháp luật, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để chiếm đoạt tài sản, trục lợi, nhất là liên quan đến các trung tâm đăng kiểm.
 
Năm 2024, BCĐ 138 Thành phố đề ra loạt nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, BCĐ yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm. Tập trung thực hiện các kế hoạch, tăng cường các giải pháp kiềm chế, kéo giảm tội phạm và các điều kiện, nguy cơ phát sinh tội phạm, đẩy lùi tệ nạn xã hội, triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội, không để tội phạm lộng hành, tạo chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh.
 
Cần tập trung đấu tranh, triệt phá tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng vũ khí “nóng”, vật liệu nổ gây án; tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, tội phạm lợi dụng công nghệ cao, tội phạm xâm phạm sở hữu (cướp, cướp giật, cưỡng đoạt, trộm cắp tài sản...), tệ nạn cờ bạc, mại dâm; Đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm ma túy, kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, khai thác tài nguyên cát, sỏi lòng sông trái phép; Chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm.
 
Cùng đó, cần xây dựng đội ngũ, cán bộ công chức các cơ quan bảo vệ pháp luật về phẩm chất, năng lực, uy tín phục vụ nhân dân; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, góp phần phòng ngừa sai phạm từ sớm, từ xa.
 
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng ngừa nghiệp vụ của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm, chuyển đổi trạng thái công tác từ thủ công sang ứng dụng công nghệ khoa học, nhất là việc thực hiện Đề án 06 của Chính phủ. 
 
Người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm cao nhất trong việc đảm bảo ANTT trên địa bàn và lĩnh vực quản lý
 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
 
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố đánh giá cao và biểu dương những kết quả các Ban Chỉ đạo đã đạt được trong năm 2023. Trong năm 2024, đồng chí Lê Hồng Sơn yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: gồm: Công tác tham mưu, chỉ đạo; tuyên truyền, phòng ngừa; đấu tranh; công tác cai nghiện ma túy.
 
Công an Thành phố tiếp tục phát huy vai trò chủ công, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan: tập trung thực hiện các kế hoạch, tăng cường các giải pháp kiềm chế, kéo giảm tội phạm và các điều kiện, nguy cơ phát sinh tội phạm, đẩy lùi tệ nạn xã hội, triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội, về ma túy, mại dâm, không để tội phạm lộng hành, tạo chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh.
 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, người đứng đầu các sở, ngành, chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm cao nhất trong việc bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn, lĩnh vực quản lý, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của đơn vị. Đơn vị nào để tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật gia tăng, diễn biến phức tạp, gây bức xúc dư luận Nhân dân, báo chí phản ánh… thì Trưởng Ban Chỉ đạo 138, 89 phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố và Trưởng Ban Chỉ đạo 138, 89 Thành phố.
 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn trao Bằng khen cho các tập thể
 
Nhân dịp này, Ban Chỉ đạo 138 Thành phố đã trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố cho 39 tập thể, 22 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác phòng, chống ma túy năm 2023.

 

Theo hanoi.gov.vn