Hà Nội lần đầu họp báo trực tuyến với 30 quận, huyện, thị xã giải đáp nhiều nội dung báo chí quan tâm

09:14 10-03-2023

HNP - Chiều 9/3, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức Họp báo để thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2/2023. Đây là lần đầu tiên Thành phố thí điểm thực hiện họp báo trực tuyến với sự tham gia của 30 điểm cầu tại các quận, huyện, thị xã để lãnh đạo các địa phương có thể trả lời ngay những câu hỏi, vấn đề nóng trên địa bàn mà phóng viên báo chí quan tâm.

Quang cảnh buổi họp báo thông tin tình hình kinh tế-xã hội tháng 2-2023

 

Liên quan đến thông tin phản ánh hoạt động các sới gà biến tướng tại lễ hội xã Đại Thanh, huyện Quốc Oai và xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, tại buổi họp báo thông tin tình hình kinh tế-xã hội Thành phố tháng 2/2023, Phó Giám đốc Công an Thành phố Dương Đức Hải cho biết, ngay sau khi có phản ánh, Công an Thành phố đã vào cuộc xác minh. 
 
Theo đó, tại lễ hội xã Đại Thanh, huyện Quốc Oai, diễn ra từ 25/01-27/01/2023, Công an xã Đại Thanh phát hiện rất đông người xem chọi gà trong khu vực diễn ra lễ hội. Công an xã đã lập biên bản, giải tán đám người trên và tổ chức ký cam kết với Ban tổ chức lễ hội không để tái diễn. 
 
Còn tại lễ hội thôn Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên đã xin ý kiến UBND xã về việc tổ chức hoạt động chọi gà trong lễ hội. Mặc dù UBND xã không đồng ý, nhưng khi diễn ra lễ hội thì một số người tổ chức hoạt động chọi gà, Công an xã phát hiện một số người tham gia hoạt động này một cách tự phát, nên đã giải tán và lập biên bản. Trong quá trình điều tra, không phát hiện việc cá độ khi chọi gà tại 2 lễ hội nêu trên. Qua 2 vụ việc này, Công an Thành phố đã có chấn chỉnh, nhắc nhở Công an các quận, huyện, thị xã tăng cường nắm tình hình, không để diễn ra các hoạt động biến tướng tại lễ hội.
 
Phó Giám đốc Công an Thành phố Dương Đức Hải trả lời báo chí
 
Liên quan đến công tác trật tự đô thị, dành lại vỉa hè cho người đi bộ, Phó Giám đốc Công an Thành phố Dương Đức Hải cho biết, ngày 15/2, Công an Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 về "Tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023". Thực hiện kế hoạch này, lực lượng chức năng của các địa phương trên địa bàn thành phố đã, đang ra quân trên tinh thần không "đánh trống, bỏ dùi", quyết tâm giành lại vỉa hè, lòng đường.
 
Bên cạnh đó, Công an Thành phố đã đề ra giải pháp tham mưu Ban chỉ đạo 197, UBND Thành phố, triển khai theo lộ trình, từng bước chia ra các giai đoạn thực hiện từ công tác tuyên truyền đến điều tra cơ bản, đồng thời, quyết liệt xử lý vi phạm. Đặc biệt, sau xử lý sẽ tiếp tục duy trì công tác kiểm tra, giám sát một cách thường xuyên, liên tục nhằm nâng cao ý thức người dân và làm quen với khái niệm "vỉa hè không phải để kinh doanh, buôn bán". Theo Phó Giám đốc Dương Đức Hải, Công an Thành phố đã tham mưu lập quy hoạch, sắp xếp đưa chợ cóc vào các chợ chính; đưa các hộ kinh doanh trà đá, nhỏ lẻ ở vỉa hè vào các ngõ nhỏ… Về sắp xếp các điểm đỗ xe, lãnh đạo Công an Thành phố khẳng định, tiếp tục triển khai quyết liệt…
 
Phó Giám đốc Công an Thành phố cũng thẳng thắn thừa nhận, bên cạnh các quận, huyện đã triển khai tốt công tác sắp xếp vỉa hè, lòng đường, vẫn còn một số địa phương chưa vào cuộc một cách quyết liệt. Do đó, Công an Thành phố cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra, trực tiếp ghi lại hình ảnh; đồng thời, kiến nghị Công an các địa phương chấn chỉnh, phân công trách nhiệm rõ người, rõ việc, quy rõ vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; ra quân quản lý có chiều sâu và cụ thể, tránh việc chỗ làm chỗ không…
 
Khẳng định đợt ra quân tổng kiểm tra lần này, Công an Thành phố đã, đang quyết liệt sắp xếp, quản lý lòng đường, vỉa hè theo đúng quy định. Tùy tình hình thực tế địa phương sẽ triển khai ngay và sắp xếp gọn gàng. Ngoài ra, đã chỉ đạo các sở, ngành, tham mưu những chính sách có hiệu quả, khả thi…
 
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Mạc Đình Minh trả lời báo chí
 
Về vấn đề Hà Nội sẽ rà soát, xem xét lại chủ trương lát đá vỉa hè; kiểm tra, xử lý các sai phạm liên quan đến vấn đề này được dư luận quan tâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Mạc Đình Minh cho biết, ngày 16/12/2022, Chủ tịch UBND Thành phố đã ban hành Văn bản số 4236 về việc chấn chỉnh công tác đầu tư và quản lý sau đầu tư hè đường các tuyến phố trên địa bàn thành phố. Trong đó, UBND Thành phố đã giao cho Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở, ngành Thành phố và đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, đánh giá kỹ các nguyên nhân xảy ra tình trạng đá lát hè phố bị bong bật, lún nứt, vỡ.... Tham mưu, đề xuất các giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, bao gồm cả việc nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng; rà soát, đánh giá hiệu quả công tác đầu tư, mỹ quan của việc lát đá vỉa hè.
 
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng, Sở đã rà soát các tài liệu liên quan đến lát đá vỉa hè, tham khảo ý kiến chuyên gia, nghiên cứu phương án, đề xuất lên UBND Thành phố. Ngày 20/2/2023, Sở đã có văn bản gửi các quận, huyện và đơn vị thực hiện lát đá vỉa hè để tổng hợp và đánh giá tình trạng nguyên nhân hư hỏng, hiệu quả công tác đầu tư lát đá vỉa hè trên địa bàn thành phố. Theo văn bản, yêu cầu ngày 16/3/2023, các đơn vị sẽ phải gửi văn bản báo cáo về Sở Xây dựng. Sau khi nhận được văn bản của các quận, huyện và các ý kiến đóng góp của chuyên gia, Sở sẽ có văn bản tham mưu UBND Thành phố. Trong đó đề xuất giải pháp cụ thể, thiết thực. Đồng thời sẽ thanh tra, kiểm tra các dự án sau ngày 16/3.
 
Thông tin thêm về vấn đề này, Chánh Văn phòng UBND Thành phố Trương Việt Dũng cho biết, hôm nay (ngày 9/3), Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ thanh đã ký ban hành văn bản liên quan đến tăng cường kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường. Trong đó, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu: Chủ tịch các quận, huyện, thị xã; Giám đốc các Sở, ngành phải xây dựng các kế hoạch phân công cụ thể tổ chức thực hiện rà soát điều kiện chuẩn bị cho công tác sắp xếp, lập lại trật tự hè phố, lòng đường và kiểm tra xử lý vi phạm, hoàn thành trước ngày 20/3. Đồng thời, tổ chức kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm, thường xuyên duy trì lập lại trật tự hè phố, lòng đường, thực hiện từ ngày 21/3. Báo cáo kết quả về UBND Thành phố trước ngày mùng 2 hàng tháng qua Công an Thành phố để tổng hợp. Giao Công an Thành phố, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 197 Thành phố chủ trì, phối hợp với các sở ngành kiểm tra việc giám sát, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố... thiết lập đường dây nóng, kênh thông tin để tiếp nhận thông tin phản ánh về các tường hợp vi phạm, duy trì kiểm tra đôn đốc các quận, huyện, thị xã xử lý vi phạm khi cần thiết.
 
Văn phòng UBND Thành phố được giao công khai thông tin Chủ tịch UBND quận huyện, thị xã và chủ tịch UBND các xã phường thị trấn để xảy ra tình trạng vi phạm về trật tự hè phố trên địa bàn tại buổi họp báo của UBND Thành phố hàng tháng. Chủ tịch UBND Thành phố cũng yêu cầu các quận, huyện, Sở, ngành xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý trật tự đô thị năm 2023, với quyết tâm giành lại hè phố cho người đi bộ. 
 
Liên quan đến công tác quản lý, sử dụng tài sản công, lãnh đạo Sở Tài chính cho biết, Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng đề án quản lý tài sản công Thành phố giai đoạn 2022-2025. Đề án đã xác định được 4 nhóm giải pháp chung và 4 nhóm giải pháp cụ thể để thực hiện. Đề án sau khi được HĐND Thành phố thông qua, sẽ được UBND Thành phố ban hành tới các quận, huyện để triển khai. Song song việc triển khai đề án thì Thành phố cũng cương quyết xử lý triệt để những vi phạm liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công.
 
Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Sáng trả lời báo chí
 
Về phương án điều chỉnh giá nước sạch, Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Sáng thông tin, căn cứ vào các quy định cụ thể về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch tại Thông tư số 44 năm 2021 của Bộ Tài chính, Sở Tài chính đã chủ trì cùng các sở, ngành và doanh nghiệp xây dựng phương án điều chỉnh giá nước sạch trên địa bàn Thành phố, dự kiến lộ trình trước mắt thực hiện trong 2 năm 2023-2024.
 
Mức giá sẽ áp dụng cho các đối tượng khách hàng cụ thể, như hộ gia đình, đơn vị cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp, trong đó phương án giá dự kiến 1 hộ gia đình tiêu thụ thực tế đến 10m3 trong 1 tháng sẽ tăng 15.270 đồng/tháng. Các nhóm khách hàng khác có hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ thì tăng khoảng 20%. Mức tăng này chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng chi phí của các doanh nghiệp, các đơn vị.
 
“Tại dự thảo phương án giá trình UBND Thành phố, chúng tôi cũng đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá nước sạch đối với các đối tượng sử dụng… theo tính toán của liên ngành, với phương án giá dự kiến, CPI sẽ tăng khoảng 0,17%, không có tác động lớn đến giá của các hàng hóa, dịch vụ có liên quan”, Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Sáng thông tin.
 
Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng trả lời báo chí
 
Về câu hỏi của phóng viên liên quan đến chất lượng đường truyền khi thực hiện giải quyết TTHC trên địa bàn một số phường, Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Việt Hùng cho biết, khi thực hiện TTHC có 2 đường truyền, người dân kết nối để thực hiện TTHC thì kết nối bằng hệ thống Internet công cộng; khi hệ thống giải quyết TTHC kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư thì phải sử dụng đường truyền chuyên dùng do Cục Bưu điện Trung ương quản lý để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do vậy, việc nghẽn đường truyền có thể xảy ra ở một trong 2 đầu. Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo chuyển đổi số quốc gia gắn với Đề án 06 cũng đã nêu giải pháp về nâng cao chất lượng đường truyền, thường xuyên cập nhật dữ liệu dân cư, đảm bảo đúng, đủ, sống, sạch. Giải quyết song song, căn cơ 3 giải pháp trên sẽ thấy rất rõ tác dụng của Đề án trong thời gian tới.
 
* Về thông tin hàng nghìn m2 đất tại khu vực Cửa Nghè, cụm Tư Đình, phường Long Biên là đất nông nghiệp nhưng bị sử dụng sai mục đích thành nhà hàng, bến bãi, đại diện UBND quận Long Biên cho biết, khu vực này là đất công do phường Long Biên quản lý. Năm 2005, phường đã phối hợp với Phòng Kinh tế xây dựng phương án khai thác, sử dụng, tránh hoang hóa, lãng phí, giao cho phường ký hợp đồng với cá nhân từ năm 2006. Tuy nhiên đến năm 2011, cá nhân này sử dụng không đúng mục đích, xây dựng công trình trên đất và có một số hộ cũng xây dựng, nên phường đã thanh lý hợp đồng. Hiện nay, trên khu vực này hiện có 5 hộ đang quản lý, khai thác. UBND phường Long Biên đã yêu cầu phá dỡ các công trình vi phạm, nhưng hiện nay mới phá dỡ một phần. 
 
Song song với khu vực Cửa Nghè thì dọc phố Thượng Cầu cũng có gần 90 trường hợp vi phạm từ năm 1993-2014, trong đó, có 60 trường hợp vi phạm có yếu tố kinh doanh. Các trường hợp này quận và phường đều nắm được. Năm 2019, quận đã rà soát, tổng hợp toàn bộ vi phạm trên đất công, đất nông nghiệp trên địa bàn quận, trong đó, có các trường hợp nêu trên và báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường. Trên cơ sở báo cáo của quận và quá trình rà soát, Sở đã có Kết luận Thanh tra; Quận ủy và UBND quận đã xây dựng các nội dung để thực hiện kết luận thanh tra. Trong đó quận sẽ lập toàn bộ biên bản đối với các trường hợp vi phạm, yêu cầu phường xử lý, khôi phục tình trạng ban đầu theo quy định pháp luật. 
 
Đại diện UBND quận Long Biên cũng chia sẻ, do khu vực vùng bãi trước đây chưa có quy hoạch nên công tác quản lý rất khó khăn. Từ đầu năm 2023 đến nay, tại khu vực nêu trên có 17 trường hợp vi phạm, quận yêu cầu các phường phát hiện và xử lý ngay. Song song với xử lý vi phạm, quận cũng chỉ đạo các phường tăng cường tuyên truyền. Về giải pháp căn cơ, quận đang chỉ đạo các ngành lập quy hoạch 1/500 để quản lý đối với các khu vực nằm trong quy hoạch đất ở; với khu vực nằm ngoài khu vực đất ở thì xây dựng quy hoạch sản xuất nông nghiệp và du lịch sinh thái, sau đó tổ chức đấu giá để vừa tăng thu ngân sách, vừa quản lý, không để phát sinh vi phạm.
 
* Liên quan đến Dự án Công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa cho biết, tháng 10/2022, Văn phòng UBND Thành phố đã có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn về việc xem xét lập quy hoạch chi tiết và triển khai thực hiện dự án đầu tư Công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông theo 2 phân kỳ. Để thực hiện chỉ đạo của Thành phố, quận đã cho dừng toàn bộ hoạt động khai thác tạm tại khu quy hoạch Công viên từ tháng 12/2022. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch chi tiết gửi Sở Quy hoạch và Kiến trúc thẩm định, trình UBND Thành phố phê duyệt; lập hồ sơ đề xuất dự án đối với phần diễn tích đã GPMB… Sau khi hoàn thiện, Công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông sẽ cải thiện môi trường sống của người dân và là lá phổi xanh của Thành phố, qua đó, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt chung của người dân Hà Đông nói riêng và Hà Nội nói chung… Phó Chủ tịch quận Hà Đông kiến nghị, để dự án sớm trở thành hiện thực, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, cơ quan, doanh nghiệp, các nhà đầu tư và sự ủng hộ của người dân trên địa bàn…
 
Về vấn đề này, Chánh Văn phòng UBND Thành phố Trương Việt Dũng cho biết, Thành phố đã tổ chức đoàn kiểm tra những tồn tại xung quanh dự án Công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông. Qua đó, ghi nhận công tác xử lý vi phạm của quận. Hiện, Thành phố đang xem xét công tác quy hoạch và các phương thức đầu tư…

Theo hanoi.gov.vn