Hội nghị triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024

09:15 07-03-2024

HNP - Chiều 6/3, tại Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã chủ trì Hội nghị trực tiếp và trực tuyến triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 tới 63 tỉnh thành. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn chủ trì tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội.

Các đại biểu dự Hội nghị triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024

 

Sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh: “Luật Đất đai 2024 chính là thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW và các nghị quyết, kết luận của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai; giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất. Tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế,... Đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư…”.
 
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu khai mạc
 
Theo đó, Luật Đất đai (Luật số 31/2024/QH15) gồm 16 chương, 260 điều, trong đó, sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều. Trong đó, có một số điểm mới nổi bật cần đáng lưu ý tại: Chương II về quyền hạn và trách nhiệm của nhà nước, quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai (gồm 14 điều, từ Điều 12 đến Điều 25); Chương III về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất (gồm 23 điều, từ Điều 26 đến Điều 48); Chương IV về địa giới đơn vị hành chính, điều tra cơ bản về đất đai (gồm 11 điều, từ Điều 49 đến Điều 59); Chương V về Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (gồm 18 điều, từ Điều 60 đến Điều 77); Chương VI về thu hồi đất, trưng dụng đất (gồm 13 điều, từ Điều 78 đến Điều 90); Chương VII về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất (gồm 21 điều, từ Điều 91 đến Điều 111); Chương VIII về phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất (gồm 4 điều, từ Điều 112 đến Điều 115); Chương IX về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (gồm 12 điều, từ Điều 116 đến Điều 127); Chương X về  đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất (gồm 15 điều, từ Điều 128 đến Điều 152); Chương XI về tài chính về đất đai, giá đất (gồm 10 điều, từ Điều 153 đến Điều 162); Chương XII về hệ thống thông tin về đất đai và cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai (gồm 8 điều, từ Điều 163 đến Điều 170);…
 
Bổ sung nhiều quyền mới
 
Trong đó, tại Chương III quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đã hoàn thiện quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, theo hướng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam ở trong nước (cá nhân trong nước).
 
Đặc biệt, bổ sung quyền lựa chọn hình thức trả tiền cho thuê đất, theo đó, người sử dụng đất đang được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm nhưng thuộc trường hợp được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê theo quy định của Luật này được lựa chọn chuyển sang thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho thời gian thuê đất còn lại. Trường hợp đang được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê được lựa chọn chuyển sang thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm.
 
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội
 
Bổ sung quy định tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất để thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư hoặc để thực hiện dự án đầu tư có mục đích kinh doanh mà được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì có quyền và nghĩa vụ như trường hợp không được miễn hoặc không được giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; trường hợp chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì phải nộp cho Nhà nước một khoản tiền tương ứng với số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã được miễn, giảm tại thời điểm giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
 
Bổ sung quy định cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa trong hạn mức giao đất, trường hợp quá hạn mức thì phải thành lập tổ chức kinh tế, phải có phương án sử dụng đất trồng lúa và phải được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt. Cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng đơn vị hành chính cấp tỉnh cho cá nhân khác và không phải nộp thuế thu nhập từ việc chuyển đổi quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ. Tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận.
 
Tại Chương IV của Luật Đất đai 2024 cũng đã phân cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất quốc gia cho Chính phủ, thẩm quyền quyết định kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh cho HĐND cấp tỉnh để tạo sự chủ động, linh hoạt trong điều hành của Chính phủ và các địa phương; đối với kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, kế hoạch sử dụng đất an ninh sẽ được quy định lồng ghép trong nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh. Bổ sung quy định đối với thành phố trực thuộc Trung ương đã có quy hoạch đô thị thì không lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh mà căn cứ vào quy hoạch đô thị để lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.
 
Còn về quy định thu hồi đất, trưng dụng đất thì tại Điều 79 (Chương VI) của Luật đã quy định cụ thể 31 trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp này phải là các dự án: xây dựng công trình công cộng; xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp; các trường hợp khác, bao gồm nhiều nhóm tiêu chí như: nhà ở, khu sản xuất, phát triển quỹ đất, khoáng sản, công trình ngầm và các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để đấu giá, đấu thầu nhằm tăng thu ngân sách….
 
Với 31 trường hợp cụ thể Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đã cơ bản bao quát các trường hợp cần thiết phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên, để bảo đảm cho trường hợp thực sự cần thiết thu hồi đất phát sinh nhưng chưa có trong quy định của Luật này, tại Khoản 32 Điều 79 đã quy định trường hợp khác thì Quốc hội sửa đổi, bổ sung các trường hợp thu hồi đất của Điều này theo trình tự, thủ tục rút gọn.
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn chủ trì tại điểm cầu thành phố Hà Nội
 
Được biết, ngay sau khi Luật Đất đai 2024 được thông qua, thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo triển khai thi hành Luật trên địa bàn. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động nghiên cứu, xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai 2024 trên địa bàn Thành phố.
 
Hiện, Sở đang tổng hợp ý kiến các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tham gia  góp ý vào dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Tính đến ngày 6/3, đã có 8 sở, ngành và 10 UBND cấp huyện có văn bản tham gia ý kiến góp ý dự thảo. Dự kiến trong tháng 3/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ hoàn thành văn bản tham mưu UBND Thành phố góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai theo đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

 

Theo hanoi.gov.vn