Sẽ tổ chức các chuyên đề tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực tư pháp
11:23 13-12-2023
HNP - Sáng 12/12, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy chủ trì Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Tham dự Hội nghị có Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức; Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn; Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phạm Quí Tiên.
Các đại biểu dự Hội nghị giao ban Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Thành ủy
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, năm 2023, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy và các quận, huyện, thị ủy và các đơn vị trong Thành phố kịp thời, thường xuyên, phát huy hiệu quả thiết thực. Các cấp, các ngành đã tập trung chỉ đạo, bám sát chương trình công tác năm 2023.
Nổi bật, hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật được triển khai sâu rộng, bám sát các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác cải cách hành chính của các Cơ quan tư pháp Thành phố được đẩy mạnh.
Ngoài ra, việc lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật và soạn thảo dự án Luật Thủ đô (sửa đối) triển khai đúng tiến độ, chất lượng và hiệu quả. Công tác điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện nghiêm, đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra việc kết án oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm. Chất lượng hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được Tòa án Nhân dân Thành phố khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương được dư luận đồng tình ủng hộ.
Việc tổ chức thi hành án dân sự liên quan đến hình sự về kinh tế, tham nhũng, án tín dụng ngân hàng, vụ việc có giá trị thi hành lớn được quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Công an Thành phố đã tiếp nhận và giải quyết 27.577 đơn, tin báo, tố giác tội phạm (tăng 6231 đơn, tin so với năm 2022); tổ chức xác minh, kết thúc: 25.339 đơn, tin (đạt tỷ lệ 92%, vượt chỉ tiêu do Quốc hội và Bộ Công an đề ra); Tổng thụ lý điều tra: 12.334 vụ/17.674 bị can (tăng 2.362 vụ/2.884 bị can so với năm 2022). Đã kết thúc điều tra: 8.016 vụ/14.217 bị can (tăng 566 vụ so với năm 2022, đạt tỷ lệ kết thúc 81,1% tổng thụ lý điều tra).
Viện kiểm sát hai cấp Thành phố thụ lý thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 12.672 vụ/19.877 bị can, trong đó, khởi tố mới 10.228 vụ/14.691 bị can (tăng 2.076 vụ, 2.469 bị can so với cùng kỳ năm 2022). Tòa án Nhân dân hai cấp Thành phố thụ lý 39.335 vụ việc, giải quyết 35.551 vụ việc, đạt tỷ lệ 90,38%. So với cùng kỳ năm 2022, số thụ lý tăng 493 vụ việc, số giải quyết tăng 740 vụ việc, số tồn giảm 247 vụ việc.
UBND các cấp Thành phố đã quan tâm bố trí, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các cơ quan tư pháp.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn phát biểu tại Hội nghị
Công tác xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) thực hiện đúng lộ trình, kế hoạch
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn cho biết: Công tác cải cách tư pháp trên địa bàn Thành phố đảm bảo tính kịp thời, thường xuyên và phát huy hiệu quả. Nổi bật, công tác xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) được thực hiện đúng lộ trình, kế hoạch; UBND Thành phố đã kiện toàn Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự Thành phố; quan tâm hỗ trợ các cơ quan tư pháp; tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, bố trí kinh phí cải tạo cơ sở vật chất…
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn đề xuất Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Thành ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy Đảng các cơ quan tư pháp các cấp Thành phố hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành Thành phố. Đồng thời, tiếp tục kiến nghị Trung ương chỉ đạo hoàn thiện thể chế liên quan đến Thi hành án dân sự, hoạt động công chứng, giám định tư pháp, thừa phát lại… nhằm tạo điều kiện pháp lý thuận lợi cho các địa phương tổ chức thực hiện.
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, UBND Thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), tăng cường tuyên truyền về dự thảo Luật để tranh thủ sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị và Nhân dân. Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo tăng cường hỗ trợ kinh phí hoạt động, trang thiết bị làm việc, đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo điều kiện hoạt động cho các cơ quan, đơn vị.
Tập trung giải quyết tin tố giác tội phạm đủ điều kiện truy tố xét xử
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, năm 2023, việc thực hiện cải cách tư pháp có nhiều điều kiện thuận lợi, có cơ sở pháp lý nên hoạt động của Ban Chỉ đạo khá phong phú. Đồng chí ghi nhận 10 kết quả lớn, trong đó, nổi bật là sự phối hợp giữa Sở Tư pháp và cơ quan chuyên môn trong tham mưu xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố đạt chất lượng tốt hơn, thể hiện uy tín của Thủ đô; đã tập trung cho xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) để tạo thuận lợi cho Hà Nội trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ; Công tác phổ biến giáo dục pháp luật được triển khai sâu rộng. Cùng với đó, chất lượng hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục có chuyển biến tích cực, đã hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận Hội nghị
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá cao các cơ quan tư pháp, đặc biệt là Tòa án đã xét xử các vụ án trọng điểm do Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ đạo xử lý đảm bảo nghiêm minh, thượng tôn pháp luật, đúng người đúng tội, được dư luận đánh giá cao, ủng hộ. Về công tác thi hành án, có nhiều đổi mới, trong đó, đã phối hợp với các quận, huyện thi hành án dân sự đúng thời hạn, vượt chỉ tiêu đề ra…
Về nhiệm vụ năm 2024, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Chương trình hành động số 18-CTr/TU, ngày 19/01/2023, của Thành ủy Hà Nội về; Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 05/5/2022, của Bộ Chính trị; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII; Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 07/8/2023, của Ban Thường vụ Thành ủy “về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”.
Ban Chỉ đạo đề nghị Bán cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, cơ quan thường trực là Sở Tư pháp, hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi) để báo cáo Quốc hội trong kỳ họp tới. Năm 2024, đồng chí cũng đề nghị tập trung giải quyết tin tố giác tội phạm đủ điều kiện truy tố xét xử theo quy định pháp luật; phối hợp tốt giải quyết đơn thư tố giác tội phạm không để tồn đọng.
Đề nghị Trưởng ban Nội chính, Phó Ban Chỉ đạo chủ trì làm việc với một số cơ quan trong Ban Chỉ đạo về công tác giám định, định giá… để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về pháp lý. Riêng về chuyên đề xây dựng trụ sở các cơ quan, xây dựng kho vật chứng Công an Thành phố, kho vật chứng của 21 quận, huyện; trụ sở Viện kiểm sát, Tòa án hai cấp, sẽ tổ chức một chuyên đề, giao Ban cán sự Đảng Thành phố thành lập Tổ công tác, giao lãnh đạo UBND Thành phố trực tiếp đảm nhiệm.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cũng cho biết, trong năm 2024, sẽ đưa vào tổ chức thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, trong đó, có Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương và chỉ đạo của Thành ủy liên quan đến hoạt động này.
Cùng với đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong các cơ quan, đơn vị; rà soát các quy trình, quy định nội bộ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là khi Luật Thủ đô được ban hành để Luật thẩm thấu đến từng cơ quan, công chức, từng người dân Thủ đô.
Theo hanoi.gov.vn