Tập trung các giải pháp trọng tâm trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính
15:13 17-10-2023
HNP - Ngày 16/10, đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Phiên họp thứ hai - Hội nghị chuyên đề đánh giá về tình hình và kết quả triển khai các giải pháp đổi mới trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp tại các bộ, ngành, địa phương.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang (phải) tham dự chủ trì Phiên họp tại điểm cầu thành phố Hồ Chí Minh
Phiên họp được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Văn phòng Chính phủ và kết nối trực tuyến đến điểm cầu 63 tỉnh, thành phố. Tham dự tại điểm cầu Hà Nội có Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn, cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ngành: Thông tin và Truyền thông, Nội vụ, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an Thành phố, Văn phòng UBND Thành phố…
Báo cáo tại Phiên họp, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ Ngô Hải Phan đánh giá, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp đổi mới trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. Qua đó, đã đạt được những kết quả nhất định.
Phiên họp được kết nối trực tuyến đến điểm cầu 63 tỉnh, thành phố
Cụ thể, 9 tháng của năm 2023, tỷ lệ hồ sơ được cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử của các bộ, ngành, địa phương lần lượt đạt 22,48% và 38,94% (cùng kỳ 2022 đạt 8,78% và 13,14%). Việc chuyển hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử tại các bộ, ngành đạt 81,39% (cùng kỳ 2022 đạt 50,69%), các địa phương đạt 70,24% (cùng kỳ đạt 38,84%). Qua đó, góp phần xây dựng, đưa vào vận hành các cơ sở dữ liệu quốc gia chuyên ngành như: dân cư, bảo hiểm xã hội, đăng ký doanh nghiệp, hộ tịch điện tử, giấy phép lái xe...
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó, chất lượng thực hiện TTHC, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp được cải thiện nhưng chưa đáng kể; vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, phát sinh thêm TTHC, hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định…
Trên cơ sở kết quả đạt được và những hạn chế, tồn tại trên, Văn phòng Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp. Các bộ, ngành và địa phương cần triển khai ngay giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công…
Cần quan tâm đến tính đặc thù của các đô thị loại đặc biệt
Tại Phiên họp, đề cập đến một số vấn đề vướng mắc ảnh hưởng tới quá trình thực hiện cải cách TTHC trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết: Việc thực hiện cải cách TTHC được Hà Nội quan tâm và chỉ đạo sát sao trong quá trình tổ chức. Tới thời điểm hiện tại, Thành phố đã có một số kết quả nhất định như việc thực hiện ủy quyền giải quyết TTHC theo phương châm “cấp nào sát dân, gần dân thì cấp đó thực hiện” đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện cải cách TTHC gắn với số hóa, xây dựng và tạo lập các cơ sở dữ liệu...
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hồng Sơn, các thể chế pháp lý hiện nay đang có sự chồng chéo, không đồng nhất; có tình trạng “công nghệ đi trước nhưng thể chế không điều chỉnh, không thay đổi” vô hình tạo thành rào cản thực hiện.
“Ngay quá trình thực hiện việc bỏ sổ hộ khẩu giấy và thực hiện tra cứu với cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQD) về dân cư, sự vào cuộc thay đổi các văn bản quy phạm pháp luật trong các quy định về việc thực hiện TTHC của các bộ, ngành còn chậm sửa đổi. Hay việc thực hiện quy định về liên thông 02 dịch vụ công trực tuyến nhóm khai sinh và khai tử, đến thời điểm hiện tại chưa có văn bản pháp lý làm cơ sở thực hiện. Bên cạnh đó, việc triển khai chứng sinh, chứng tử điện tử Bộ Y tế báo cáo đã xong nhưng chưa tổ chức triển khai tại các địa phương, do vậy các địa phương hiện nay còn lúng túng…”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hồng Sơn nêu ví dụ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nêu kiến nghị tại Phiên họp
Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, việc thống nhất giữa các Bộ, ngành (đặc biệt Bộ Thông tin và Truyền thông với Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ) trong việc xác định các chỉ số, chỉ tiêu thực hiện dịch vụ công trực tuyến, số hóa dữ liệu… trong các Bộ Chỉ số đánh giá; việc thống nhất trong hướng dẫn và tính đồng bộ trong việc xây dựng các cơ sở pháp lý cần thiết cho việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cần có sự đồng thuận trong chỉ đạo thực hiện, tránh tình trạng cùng một nội dung, một chỉ số nhưng các chỉ tiêu, chỉ số khác nhau dẫn tới việc địa phương không biết thực hiện theo như thế nào hoặc thiếu cơ sở pháp lý, thiếu hướng dẫn để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cũng nêu ví dụ, hiện nay, nhiệm vụ về thực hiện thuê doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích (BCCI) đảm nhiệm một hoặc một số nhiệm vụ tại Bộ phận “Một cửa” (trong đó có nhiệm vụ số hóa hồ sơ) dù đã được giao trách nhiệm cho Bộ Thông tin và Truyền thông (Quyết định 468/QĐ-TTg và Nghị định 107/2021/NĐ-CP) nhưng đến thời điểm hiện tại các địa phương không thể thực hiện do chưa có Thông tư về đơn giá, định mức cho việc thực hiện…
“Trong khi, Hà Nội hiện nay là hơn 8 triệu dân, trên 330.000 doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, số lượng giao dịch giữa người dân và doanh nghiệp trên địa bàn là rất lớn. Nếu áp dụng đơn giá, định mức chung trên toàn quốc để phát triển hạ tầng công nghệ với một thành phố thực tế gần 10 triệu dân như Hà Nội tương tự với một số tỉnh/thành phố có 4-5 triệu dân là không phù hợp. Vì vậy, Hà Nội kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm đến tính đặc thù của các đô thị loại đặc biệt, để xác định đơn giá, định mức phù hợp với thực tiễn…”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hồng Sơn phân tích.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội cũng cho biết: Hà Nội vô cùng quan tâm việc xây dựng các CSLD chuyên ngành, hình thành hệ thống dữ liệu tập trung để khai thác, chia sẻ, kết nối với các Bộ, ngành, địa phương - làm được việc này mới có thể xác định vấn đề đơn giản hóa, tiết kiệm chi phí, hiện đại hóa trong cải cách nhưng quá trình tổ chức thực hiện gặp phải một số vướng mắc cần các Bộ chủ quản tích cực tham gia và chỉ đạo, hướng dẫn.
Cụ thể như để thực hiện số hóa và xây dựng CSDL người có công, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội đã xây dựng phương án, dự án đầu tư nhưng cần xin ý kiến Bộ Lao động để thống nhất các nội dung như: Bộ có triển khai toàn quốc theo Bộ hay cho địa phương tự thực hiện ?; Trường hợp Bộ cho phép tự thực hiện thì các trường thông tin thực hiện sẽ thống nhất như thế nào? để sau này kết nối, chia sẻ với CSDL ngành hoặc đồng bộ với CSLD ngành Lao động và các ngành khác, đảm bảo việc tránh lãng phí... hay vấn đề tương tự khi Thành phố thực hiện CSDL về đất đai.
Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội kiến nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ thông tin và Truyền thông cần có giải pháp, thống nhất mục tiêu quản lý dữ liệu đồng thời thống nhất các Bộ, ngành trong việc chia sẻ dữ liệu và đồng bộ dữ liệu trên các nền tảng dữ liệu quốc gia; tránh tình trạng “cát cứ dữ liệu”…
Nhân rộng các mô hình hay về cải cách thủ tục hành chính
Kết luận Phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác ghi nhận công tác cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương đã đạt được kết quả bước đầu. Dù chưa được như mong muốn nhưng kết quả này đã khích lệ để chúng ta có thể nỗ lực, cố gắng trong thời gian tới. Nổi lên là có những mô hình, cách làm của một số địa phương rất hay. Thường trực Tổ công tác và các địa phương nhanh chóng học tập, nhân rộng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu kết luận Phiên họp
Đánh giá nhiều việc chưa đạt được, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị, từng cấp, ngành phải xem đây là việc quan trọng, tập trung triển khai các giải pháp đổi mới thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò người đứng đầu, bởi nơi nào người đứng đầu quan tâm nơi đó kết quả tốt, tích cực và ngược lại. Do vậy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương cần nâng cao vai trò, trách nhiệm. Phó Thủ tướng lưu ý, các bộ, ngành, địa phương rà soát quy trình cũ, xây dựng quy trình mới thực sự minh bạch, tránh phát sinh thủ tục rườm rà, không cần thiết.
“Mỗi địa phương, bộ, ngành phải có sự linh hoạt trong thực hiện thủ tục hành chính, đặc biệt là xếp thứ tự ưu tiên cái nào trước, cái nào sau, bởi chúng ta không đủ nguồn lực và thời gian để làm cùng một lúc tất cả mọi việc...”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.
Lãnh đạo Chính phủ thống nhất nguyên tắc cắt giảm dịch vụ công không phát sinh hồ sơ trong khoảng 3 năm nay, đồng thời đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát trong bộ hàng trăm thủ tục, cái nào không hiệu quả thì cắt giảm; thường xuyên lắng nghe ý kiến người dân, doanh nghiệp kịp thời hoàn chỉnh nội dung công việc.
Theo hanoi.gov.vn