Tập trung đầu tư, nâng cấp các tuyến đường “ngoại giao giao thông”, nâng cao hiệu quả kết nối liên tỉnh

08:54 08-12-2023

HNP - Chiều 7/12, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tiếp thu, làm rõ một số ý kiến của các đại biểu chất vấn tại kỳ họp thứ 14, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI.

Quang cảnh kỳ họp

 

Thay mặt UBND Thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh trân trọng cảm ơn các vị đại biểu HĐND Thành phố, cử tri và nhân dân Thủ đô đã cơ bản đồng tình, quan tâm và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, sâu sắc, trách nhiệm về các nội dung báo cáo, tờ trình của UBND Thành phố trình tại kỳ họp, nhất là kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thu - chi ngân sách năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Thành phố.
 
“UBND Thành phố trân trọng tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu chỉ đạo, định hướng quan trọng, toàn diện, sâu sát của đồng chí Bí thư Thành ủy đối với các nhóm vấn đề được gợi ý thảo luận tại kỳ họp. Đồng thời, UBND Thành phố nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các ban HĐND Thành phố, các tổ đại biểu, các vị đại biểu HĐND Thành phố”, Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh.
 
Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, năm 2023, Thành phố luôn bám sát chỉ đạo của Trung ương, chú trọng và nỗ lực đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành, trong đó điểm nổi bật là tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển Thủ đô; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của các cấp; tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị Thành phố, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất, không dám chịu trách nhiệm trong cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức; chủ động thực hiện nhiệm vụ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh ngay từ cơ sở…
 
Hiện nay, Thành phố đang tích cực triển khai 3 nội dung quan trọng: Xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); Lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
 
“Có thể nói, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) và 2 Quy hoạch nói trên là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhằm kiến tạo và phân bổ không gian phát triển cho Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xa hơn nữa; Đồng thời xây dựng thể chế phát triển đồng bộ, vượt trội, đặc thù và thực hiện các giải pháp, cơ chế về huy động các nguồn lực, động lực để xây dựng và phát triển Thủ đô”, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh chia sẻ.
 
Với nhận thức đó, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đã tập trung chỉ đạo triển khai rất công phu, bài bản, như: Tổ chức tổng kết, đánh giá và phân tích kỹ những tồn tại, hạn chế; phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các bộ, ngành Trung ương và các cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng dự thảo; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến các nhà khoa học, lịch sử học, nhân sỹ, trí thức,… và Nhân dân Thủ đô. Đặc biệt là có sự tham gia tư vấn của những tổ chức quốc tế có kinh nghiệm, qua đó đã góp phần hoàn thiện Luật và 2 Quy hoạch đảm bảo chất lượng khá tốt.
 
Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV vừa qua, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được các đại biểu đánh giá cao; đã có tổng số 117 ý kiến góp ý với tinh thần ủng hộ việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) với 9 nhóm chính sách lớn, trong đó nhiều đại biểu có ý kiến cần có nhiều chính sách đặc thù, vượt trội hơn nữa nhằm tạo cơ hội và động lực cho Thủ đô phát triển. Theo kế hoạch, Luật Thủ đô (sửa đổi) và 2 Quy hoạch sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp tháng 5/2024.
 
Trả lời một số vấn đề được đại biểu chất vấn tại kỳ họp, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định, để có được những kết quả khả quan về phát triển kinh tế - xã hội cũng như những lĩnh vực khác là nhờ sự vào cuộc của lãnh đạo và hệ thống chính trị Thành phố, sự cộng đồng trách nhiệm của doanh nghiệp, người dân...
 
Về việc thực hiện một số nội dung nghị quyết, kết luận tại các phiên chất vấn của HĐND Thành phố, đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, năm 2023 là năm đầu tiên tỷ lệ giải ngân của Hà Nội vượt lên bình quân chung của cả nước. Ước thực hiện giải ngân cả năm 2023 đạt 91,5% kế hoạch Thành phố giao và hơn 100% kế hoạch Trung ương giao.
 
Đối với việc trình phê duyệt chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư công, cuối năm 2023, Ban Cán sự đảng UBND Thành phố sẽ chủ động kiểm điểm sâu về vấn đề này để phân định rõ trách nhiệm nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế.
 
Về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý 712 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, quan điểm của Thành phố là tháo gỡ, thúc đẩy, giúp các chủ đầu tư hoàn thành các dự án đủ điều kiện; đối với những dự án không thể triển khai, thành phố sẽ xử lý theo quy định pháp luật.
 
Về nguồn lực phát triển Thủ đô, đặc biệt là phát triển hạ tầng giao thông, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, những nội dung này đã được Thành phố đề xuất, kiến nghị trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với những cơ chế đặc thù, từ đó bảo đảm nguồn lực phát triển hạ tầng. Thành phố đã rà soát, đánh giá thực trạng quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô, trong đó đặc biệt ưu tiên những tuyến đường giao thông kết nối với các tỉnh giáp ranh Hà Nội, từ đó nghiên cứu xây dựng kế hoạch đầu tư, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường “ngoại giao giao thông” nhằm nâng cao hiệu quả kết nối liên tỉnh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng Thủ đô.
 
Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, Thành phố sẽ báo cáo Bộ Chính trị đề án riêng về phát triển đường sắt đô thị để bảo đảm có cơ chế, cách làm riêng, nguồn lực riêng một cách tổng thể, phấn đấu hoàn thành 12 tuyến đường sắt đô thị trong khoảng 20 năm tới.
 
Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh phát biểu tiếp thu tại phiên chất vấn
 
Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, Hà Nội là địa phương tiên phong thực hiện phân cấp, ủy quyền, qua đó đưa chỉ số cải cách hành chính PAR-Index tăng 7 bậc; Chỉ số SIPAS tiếp tục giữ nguyên thứ hạng.
 
Để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân, Thành phố đã thống nhất chủ trương thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công Thành phố, hướng tới mục tiêu “Minh bạch - Công khai - Hiện đại và phi địa giới hành chính trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính”. Công dân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ chỉ cần đến một địa điểm hoặc nộp hồ sơ qua mạng để giải quyết các thủ tục hành chính cấp Thành phố, từ đó rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
 
Đối với những vấn đề chất vấn bằng văn bản hoặc các đại biểu HĐND Thành phố chất vấn trực tiếp nhưng chưa được trả lời đầy đủ, ngay sau kỳ họp này, Chủ tịch UBND Thành phố sẽ chỉ đạo và yêu cầu các thành viên UBND Thành phố nghiêm túc trả lời bằng văn bản.
 
“Với tinh thần cầu thị, UBND Thành phố luôn nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu và sẽ chỉ đạo triển khai khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế được chỉ ra tại phiên chất vấn. Tôi xin gửi đến các đại biểu HĐND Thành phố, toàn thể cử tri và nhân dân Thủ đô lời cảm ơn sâu sắc vì sự sẻ chia, sự chung tay, đồng lòng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô”, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh chia sẻ.

Theo hanoi.gov.vn