Thành phố Hà Nội và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao đổi kinh nghiệm hoạt động cơ quan dân cử

08:51 23-07-2024

HNP - Chiều 19/7, tại trụ sở HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội và Thường trực HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm về hoạt động của cơ quan dân cử. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh và Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đồng chủ trì Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị

 

Dự Hội nghị, đại biểu thành phố Hà Nội có các đồng chí: Bùi Huyền Mai, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân; Phạm Quí Tiên, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố; Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND Thành phố; tổ trưởng tổ đại biểu HĐND Thành phố tại các quận, huyện, thị xã; trưởng, phó các ban HĐND Thành phố.
 
Về phía tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Xinh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh; Trần Tuấn Lĩnh, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh; Trần Đình Khoa, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu; Lê Hoàng Hải, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Huỳnh Thị Phúc, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh…
 
Ban hành nhiều chính sách riêng nhằm đảm bao an sinh xã hội, phát triển kinh tế 
 
Trao đổi tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh cho biết, về tổ chức bộ máy của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026, hiện nay, HĐND tỉnh có 51 đại biểu. Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tổ chức của HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gồm: Chủ tịch HĐND tỉnh và 02 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; 03 Ban HĐND: Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội, Ban Pháp chế.
 
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh phát  biểu tại hội  nghị
 
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực, các Ban HĐND tỉnh và Văn phòng đã làm tốt công tác tham mưu, giúp việc Đảng đoàn HĐND tỉnh có ý kiến về một số nội dung theo yêu cầu của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy hoặc theo đề nghị của Ban cán sự đảng UBND tỉnh và các cơ quan Đảng của tỉnh; cho ý kiến về nội dung trình kỳ họp HĐND tỉnh và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của Đảng đoàn HĐND tỉnh…; Thường trực, các Ban HĐND tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh thực hiện tốt chức năng giám sát thông qua đó rà soát, đề xuất, kiến nghị những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các hoạt động phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Căn cứ vào Nghị quyết về kế hoạch tổ chức các kỳ họp HĐND tỉnh hàng năm và những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tế, từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 7/2024, HĐND tỉnh tổ chức thành công 22 kỳ họp (trong đó có 07 kỳ họp thường lệ, 15 kỳ họp chuyên đề), qua đó, HĐND tỉnh đã thông qua 349 nghị quyết (gồm: 72 nghị quyết quy phạm pháp luật và 277 nghị quyết cá biệt), trong đó có nhiều nghị quyết rất quan trọng, có tác động sâu rộng đến tâm tư, tình cảm của Nhân dân  cũng như hiệu lực, hiệu quả của các cấp chính quyền, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh. 
 
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bà  Rịa -Vũng Tàu dự Hội nghị
 
Đáng chú ý, vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, việc tổ chức các kỳ họp định kỳ được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương như: Họp trực tiếp tại 1 điểm cầu kết hợp trực tuyến tại 03 điểm cầu để hạn chế không quá 30 người tập trung tại 01 Hội trường; rút ngắn thời gian tổ chức kỳ họp nhưng chương trình các kỳ họp vẫn bảo đảm khoa học, đầy đủ nội dung; các nội dung trình bày tại kỳ họp được tóm tắt ngắn gọn; nội dung chất vấn và trả lời chất vấn được chuyển thành nội dung giải trình của UBND tỉnh và các sở, ngành; hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh được thực hiện linh hoạt kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến…; các đại biểu HĐND tỉnh thực hiện thảo luận thông qua hình thức trực tuyến hoặc bằng Phiếu lấy ý kiến theo những nhóm nội dung của kỳ họp được Thường trực HĐND tỉnh định hướng.
 
Trong những năm qua, bên cạnh việc triển khai thực hiện những chính sách, chương trình thực hiện theo nhiệm vụ Trung ương quy định, căn cứ các mục tiêu tại Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành nhiều chính sách riêng của tỉnh nhằm đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, như: Năm 2022, Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những tỉnh đầu tiên có chính sách hỗ trợ về giáo dục nhằm giảm bớt khó khăn cho học sinh và gia đình sau đại dịch Covid-19 và các chính sách này được duy trì cho đến nay với tổng kinh phí trên 900 tỷ đồng; Hỗ trợ 50% mức đóng bảo hiểm y tế cho học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh với số tiền hỗ trợ mỗi năm gần 40 tỷ đồng từ năm học 2020-2021; Trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng và chế độ ăn ngày lễ, Tết, khi ốm đau đối với đối tượng bảo trợ xã hội tại các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh với số tiền 7,2 tỷ/năm (có hiệu lực từ ngày 01/01/2024); Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế cho người từ đủ 65 tuổi trở lên đang thường trú ở tỉnh với số tiền mỗi năm khoảng trên 46 tỷ đồng (bắt đầu thực hiện từ 01/8/2024); Hỗ trợ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo chuẩn tỉnh và hộ thoát nghèo trong vòng 3 năm với số tiền: 21,2 tỷ đồng/năm; Hỗ trợ tiền ăn cho bệnh nhân tâm thần với số tiền mỗi năm khoảng 1,7 tỷ đồng (thực hiện từ 18/12/2023)…
 
Lãnh đạo tỉnh Bà  Rịa -Vũng Tàu trao đổi tại Hội nghị
 
Kết quả thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh đã tác động tích cực đến mọi mặt đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế xã - hội phát triển, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư tăng cao; đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Ngoài việc quyết định các vấn đề quan trọng tại kỳ họp, trong thời gian giữa hai kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh đã kịp thời có ý kiến bằng nhiều văn bản để UBND tỉnh giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình quản lý, điều hành.
 
HĐND thành phố Hà Nội hoạt động hiệu lực, hiệu quả
 
Cảm ơn những chia sẻ của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026, Thường trực HĐND Thành phố chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động; rà soát, xây dựng các quy chế làm việc, quy trình nội bộ, phân công nhiệm vụ Thường trực HĐND, các Ban của HĐND để tổ chức, triển khai các nhiệm vụ. Hằng năm, ngay từ những ngày đầu năm, Thường trực HĐND Thành phố ban hành chương trình, kế hoạch công tác năm của Thường trực HĐND, cụ thể hóa các phiên họp của Thường trực HĐND Thành phố, các Ban ban hành chương trình công tác của các Ban của HĐND, chương trình công tác của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND Thành phố. Các nội dung, công việc phát sinh giữa hai kỳ họp đều được triển khai kịp thời, thực hiện bài bản, chất lượng, hiệu quả, đúng thẩm quyền, đúng quy định pháp luật như: Cho ý kiến về đầu tư công, phân bổ ngân sách, các mức chi, nội dung chi thuộc thẩm quyền; các nội dung về tiêu chuẩn, định mức chuyên dùng; ý kiến về các nội dung hỗ trợ các địa phương trong và ngoài nước...
 
Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại Hội nghị
 
Thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về “thí điểm mô hình tổ chức mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội”, Thường trực HĐND Thành phố đã tham mưu, báo cáo Đảng đoàn HĐND Thành phố trình Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Đề án số 15-ĐA/TU ngày 12/5/2022 về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội” với 05 quan điểm chỉ đạo, 02 mục tiêu, 07 nhóm chỉ tiêu và 05 nhiệm vụ, giải pháp. Đây là cơ sở chính trị, động lực quan trọng để HĐND các cấp Thành phố hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong nhiệm kỳ 2021-2026 và các năm tiếp theo. 
 
Đến nay, các cấp ủy Đảng, Thường trực HĐND Thành phố, các quận, huyện, thị xã đã tập trung triển khai nghiêm túc, hiệu quả và đạt nhiều kết quả tích cực; hoạt động của HĐND các cấp đã có chuyển biến rõ nét, được cử tri và Nhân dân Thủ đô đánh giá, ghi nhận cao.
 
Các đại biểu thành phố Hà Nội dự Hội nghị
 
Từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 7/2024, HĐND Thành phố nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức 17 kỳ họp, trong đó có 08 kỳ họp thường lệ, 09 kỳ họp chuyên đề, ban hành 223 nghị quyết, trong đó có nhiều nghị quyết rất quan trọng, có tác động sâu rộng đến hiệu lực, hiệu quả của các cấp chính quyền, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội của Thành phố. 
 
Công tác tổ chức kỳ họp được Thường trực HĐND Thành phố chỉ đạo, triển khai từ sớm từ xa, bài bản, khoa học, chất lượng, hiệu quả, đúng thẩm quyền. Việc tổ chức kỳ họp được tiếp tục đổi mới theo hướng thực chất, hiệu quả; chương trình kỳ họp được sắp xếp khoa học, giảm thời gian trình bày các báo cáo, tờ trình, dành nhiều thời gian để các đại biểu thảo luận tại tổ và tại hội trường nhằm phát huy tối đa kinh nghiệm, trí tuệ của các đại biểu, lan tỏa không khí đổi mới, thực chất và hiệu quả hơn trong hoạt động nghị trường. 
 
Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai trao đổi tại Hội nghị
 
Hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND Thành phố tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng. Nội dung giám sát được lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề quan trọng, cấp thiết, được cử tri, Nhân dân quan tâm như: Dự án chậm triển khai, quản lý tài sản công, cải cách hành chính, chuyển đổi số, lĩnh vực môi trường, xử lý nước thải, rác thải, việc đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các khu đô thị, thiết chế văn hoá, chính sách phát triển nông nghiệp, kỷ luật kỷ cương và trách nhiệm trong thực thi công vụ…
 
Thông qua hoạt động giám sát đã đánh giá nghiêm túc việc thực hiện các quy định pháp luật, kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập và từ đó đề xuất thúc đẩy đầu tư, các cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Thành phố (như chương trình đầu tư cho 3 lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế và tu bổ các di tích văn hóa; cải tạo các biệt thự, việc đầu tư, nâng cấp các công viên, đầu tư các dự án thoát nước, xử lý nước thải, Trạm bơm tiêu Liên Mạc; xây dựng Đề án quản lý khai thác tài sản công; chính sách phát triển nông nghiệp…).
 
Các đại biểu dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm
 
Tại Hội nghị, các đại biểu 2 bên đã phát biểu trao đổi những kinh nghiệm về: Tổ chức, bộ máy HĐND tỉnh; Hoạt động kỳ họp và quyết định các vấn đề quan trọng, cơ chế, chính sách tại địa phương gắn với việc triển khai các chỉ đạo của Trung ương và nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; Kinh nghiệm và các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, chất vấn, giải trình của HĐND, Thường trực HĐND tỉnh, Thành phố…

Theo hanoi.gov.vn