Triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV
09:02 08-03-2024
HNP - Sáng 7/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị
Đồng chủ trì Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.
Dự Hội nghị còn có lãnh đạo Chính phủ, các bộ và cơ quan ngang bộ, các Ủy ban của Quốc hội.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội) và trực tuyến đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố. Dự tại điểm cầu thành phố Hà Nội có Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phạm Quí Tiên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Phạm Thị Thanh Mai, các vị đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố, đại diện các sở, ngành của Thành phố.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Hội nghị
Tại Hội nghị, sau phần phát biểu khai mạc của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, hội nghị nghe 2 báo cáo quan trọng, gồm: Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, chủ yếu trong việc triển khai luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV; Báo cáo của Chính phủ về việc tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua. Hội nghị cũng nghe một số báo cáo tham luận về công tác chuẩn bị giám sát và một số nội dung thuộc trách nhiệm các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành liên quan trong việc triển khai các luật, nghị quyết...
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua 19 luật, nghị quyết, quy định những nội dung rất quan trọng.
Khái quát những nội dung mới, nổi bật của cả 9 luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, các luật đã được Quốc hội thông qua đã kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về xây dựng và hoàn thiện thể chế, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, rào cản, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, tăng cường cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, bảo đảm tính công khai, minh bạch, không phân biệt, đối xử giữa người Việt Nam ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, giữa các doanh nghiệp của các thành phần kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hiệu quả quản lý nhà nước, thể hiện rất cụ thể trong nhiều quy định của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Căn cước số 26/2023/QH15 và các luật khác.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo
Các luật đã được Quốc hội thông qua đã bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý nhà nước, trong đó làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, bảo đảm sự quản lý tập trung thống nhất của trung ương, thực hiện việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ nhưng gắn với đề cao trách nhiệm của cơ quan chủ trì cũng như có các cơ chế phù hợp giữa các cơ quan chuyên môn có liên quan kiểm soát, giám sát cụ thể, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu đáp ứng yêu cầu tổng hợp thống nhất, kết nối, chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các luật đã được Quốc hội thông qua đáp ứng kịp thời các vấn đề thực tiễn đặt ra, bảo đảm nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bổ sung các quy định để nội luật hóa các điều ước quốc tế, bảo đảm phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế trong các hoạt động có liên quan, đáp ứng yêu cầu chủ động và tích cực hội nhập quốc tế theo đúng chủ trương của Đảng.
Cùng đó, các luật và nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua được dư luận xã hội đánh giá cao, trong đó có nhiều ý kiến của chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá cao cả về quá trình, cách thức hoàn chỉnh dự thảo, thời điểm xem xét, biểu quyết thông qua. Các nội dung của các luật bước đầu nhận được sự đồng thuận cao của xã hội, nhất là đối với những nội dung trọng tâm, những quy định mới. Đồng thời kỳ vọng các quy định này được các cơ quan triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả. Điều rất quan trọng tiếp theo là việc tổ chức triển khai cần phải được tiến hành rất khẩn trương, đồng bộ, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung đưa các quy định mới của luật đi vào thực tế và phát huy tác dụng trong cuộc sống.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thi hành luật, nghị quyết; bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm, tiếp tục ban hành và triển khai các kế hoạch cụ thể để sớm đưa chính sách, quy định trong các luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống, nhất là các chính sách, quy định mới, đặc thù, các chính sách, quy định có hiệu lực sớm hơn so với hiệu lực chung của luật; khẩn trương xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đối với gần 400 nội dung được giao trong luật, nghị quyết của Quốc hội.
Đồng thời, cần tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước, thực hiện phân cấp, phân quyền theo đúng quy định; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cả về nguồn nhân lực, điều kiện bảo đảm. Tăng cường công tác tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu các chính sách, nội dung của luật, nghị quyết và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để các cơ quan, tổ chức, cá nhân và người dân, doanh nghiệp hiểu đúng, đầy đủ các quy định…
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thông tin về tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết của Chính phủ
Báo cáo về việc tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, để quy định chi tiết các luật, nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ 6, kỳ họp bất thường lần thứ 5, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ ban hành 56 văn bản (29 nghị định, 5 quyết định, 22 thông tư) để quy định chi tiết 10 luật, nghị quyết.
Thực hiện các nhiệm vụ được giao theo các nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ đã xây dựng, trình Quốc hội thông qua đề nghị xây dựng một số luật về thuế để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, 2025.
Bên cạnh đó, Chính phủ đang xem xét Đề án về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025; nghiên cứu, xây dựng mới dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi tại một số tỉnh, thành phố…
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày tham luận
Tham luận tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Luật Đất đai năm 2024 có 97 nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết, 9 nội dung giao các bộ hướng dẫn thi hành. Để Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống, các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật phải có hiệu lực đồng bộ với hiệu lực thi hành của Luật. Trong năm 2024, dự kiến sẽ ban hành 9 nghị định, 6 thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
Các cơ quan của Quốc hội sẽ thực hiện giám sát việc ban hành các nghị định, thông tư quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật Đất đai, bảo đảm các nghị định, thông tư phải quy định chi tiết, đầy đủ, thống nhất với nội dung chính sách đã được quy định tại Luật; bảo đảm tính kế thừa, ổn định, phát triển của hệ thống pháp luật đất đai; tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và hệ thống pháp luật.
Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhận định, theo đánh giá của một số tổ chức nghiên cứu, chi phí phát triển các dự án bất động sản, đặc biệt là nhà ở có thể tăng lên khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ đầu năm 2025 do việc định giá đất sát với giá trị thị trường hơn.
Bên cạnh tập trung hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, Bộ đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị có liên quan xây dựng Đề án báo cáo Chính phủ trình Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác.
Các đại biểu tham dự hội nghị cũng tiến hành thảo luận về công tác chuẩn bị và kế hoạch triển khai nhiệm vụ; thẳng thắn nêu rõ những khó khăn, vướng mắc; đồng thời kiến nghị, đề xuất giải pháp khả thi nhằm tiếp tục tăng cường sự phối hợp, tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội vào thực tiễn cuộc sống.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận Hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, việc triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 và kỳ họp bất thường thứ 5 đòi hỏi sự tập trung, nỗ lực, quyết tâm rất lớn của các cơ quan.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm để tập trung triển khai hiệu quả công tác thi hành pháp luật. Theo đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức thực hiện các nội dung theo quy định trong luật, nghị quyết; kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội. Đồng thời, phân công cơ quan của Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thẩm tra kỹ lưỡng đối với báo cáo của Chính phủ, các cơ quan về việc thực hiện yêu cầu trong luật, nghị quyết, báo cáo Quốc hội xem xét, thảo luận trong trường hợp cần thiết. Các cơ quan của Quốc hội chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ và đôn đốc các cơ quan thực hiện kịp thời.
Cùng đó, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bám sát những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể về triển khai đối với từng luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ bất thường thứ 5 được nêu cụ thể trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sớm ban hành Danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường thứ 5 và phân công cụ thể cơ quan chủ trì soạn thảo, gắn với thời hạn hoàn thành. Tiếp tục ban hành các kế hoạch triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội; bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Nhấn mạnh cần tiếp tục tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu các chính sách, nội dung của luật, nghị quyết và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp hiểu đúng, đầy đủ các quy định; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ mong muốn và đề nghị Bộ Tư pháp, Ủy ban Pháp luật tham mưu cho Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức thật tốt kế hoạch hành động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam ngày 9/11.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận Hội nghị
Cùng đó, nghiên cứu biên soạn, xuất bản sách: Luật Đất đai - Hỏi và Đáp để đáp ứng yêu cầu phổ biến, tuyên tuyền pháp luật. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ bằng các hình thức phù hợp cho đội ngũ công chức được giao tổ chức thi hành, nhất là đối với các luật chuyên ngành có nhiều nội dung mới, phức tạp như Luật Viễn thông, Luật Căn cước, Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng,…
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác thi hành pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm và tính chủ động, tích cực của đội ngũ công chức, gắn với tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong thi hành pháp luật.
Điểm cầu thành phố Hà Nội
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố chủ động rà soát, nghiên cứu, chuẩn bị điều kiện cần thiết và tổ chức thực hiện các thẩm quyền, nhiệm vụ được giao, nhất là những thẩm quyền, nhiệm vụ mới được bổ sung trong các luật, nghị quyết của Quốc hội, cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù được áp dụng tại địa phương, cơ quan.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tin tưởng, các vấn đề được trao đổi tại hội nghị sẽ trở thành bài học, kinh nghiệm quý, những vấn đề còn vướng mắc trong triển khai thi hành luật, nghị quyết sẽ có phương án giải quyết phù hợp; qua đó, để công tác triển khai thi hành pháp luật ngày càng chuyên nghiệp, bài bản, đáp ứng được sự kỳ vọng của cử tri và Nhân dân, cùng với công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật để góp phần xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vững mạnh.
Đại biểu dự tại điểm cầu thành phố Hà Nội
Sau Hội nghị, tại điểm cầu thành phố Hà Nội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai đề nghị Sở Tư pháp với vai trò cơ quan thường trực, tiếp thu, tham mưu triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội trên địa bàn Thành phố; trong đó tập trung vào các luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… Đồng thời các sở ngành theo chức năng nhiệm vụ chủ động triển khai các Luật trong thực tiễn.
Theo hanoi.gov.vn