Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

09:24 15-03-2024

HNP - Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 31, sáng 14/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp

 

Đại biểu thành phố Hà Nội tham dự phiên họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo tại phiên họp
 
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Về cơ bản, các đại biểu Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết, mục đích, quan điểm sửa đổi Luật và nội dung cơ bản của dự thảo Luật, đồng thời, tham gia nhiều ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.
 
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương và 55 điều (giảm 4 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội, trong đó, đã tiếp thu, chỉnh lý trong toàn bộ 55 điều, bỏ 6 điều, bổ sung mới 2 điều). Về nguyên tắc áp dụng pháp luật, dự thảo Luật đã bổ sung 2 nội dung mới trong nguyên tắc áp dụng pháp luật theo hướng ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô và áp dụng quy định thuận lợi hơn cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.
 
So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng phân quyền mạnh hơn, xác định rõ phạm vi, trách nhiệm của chính quyền thành phố Hà Nội trong một số lĩnh vực.
 
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu thảo luận
 
Thảo luận về dự thảo Luật, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường bày tỏ tán thành nhiều nội dung trong báo cáo và đánh giá cao sự nghiêm túc, khẩn trương trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. 
 
Với hình thành phân cấp, phân quyền rất cao cho Thủ đô, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường tán thành cao quy định tại dự thảo Luật là UBND thành phố Hà Nội có thẩm quyền điều chỉnh và giao HĐND thành phố Hà Nội quy định chi tiết về trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch để tạo sự chủ động cho Thủ đô trong việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành, hạ tầng kỹ thuật. Đồng chí Bùi Văn Cường nhấn mạnh, quy định này sẽ rút ngắn trình tự, thủ tục thực hiện, nâng cao trách nhiệm cũng như kịp thời đáp ứng những vướng mắc thực tiễn ở Thủ đô Hà Nội.
 
Góp ý vào nội dung về việc xác định cụ thể giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động, đồng thời, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để quy định cho phù hợp nhằm chủ động quản lý, khai thác, sử dụng không gian ngầm một cách hiệu quả, xác định rõ giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất, minh bạch hóa quyền và trách nhiệm của người sử dụng đất, tạo thuận lợi cho việc khai thác giá trị gia tăng từ đất. Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Luật cũng cần cụ thể mức giới hạn độ sâu mà người sử dụng đất được sử dụng.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp
 
Về việc bảo đảm quốc phòng - an ninh khi xử phạt vi phạm hành chính, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm các nước để quy định cho phù hợp, bảo đảm tính khả thi.
 
Quan tâm đến quy định liên quan đến cơ sở giáo dục chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh băn khoăn về việc nếu ở địa bàn chỉ có cơ sở giáo dục chất lượng cao sẽ không có sự công bằng trong tiếp cận giáo dục. Bởi trong cùng một địa bàn, vẫn có nhu cầu của phụ huynh, học sinh được học các trường công lập, với mức học phí vừa phải, phù hợp với thu nhập của họ. Vì vậy, khi quyết định quy hoạch về hệ thống giáo dục, HĐND Thành phố nên cân nhắc đến vấn đề trên để tất cả học sinh đều có cơ hội tiếp cận với giáo dục.
 
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này đã cơ bản bám sát đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn trong xây dựng và phát triển Thủ đô, cũng như thể chế được các chủ trương lớn của Đảng, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
 
Theo Chủ tịch Quốc hội, các nội dung của dự thảo Luật đã cơ bản đạt được sự thống nhất và thông suốt cả về quan điểm, tư duy và tầm nhìn giữa các cơ quan. “Nếu Luật Thủ đô hiện hành chủ yếu mang tính chất khung, thì dự thảo Luật sửa đổi lần này đã đi vào những nội hàm rất cụ thể liên quan đến phân cấp, phân quyền”, đồng chí Vương Đình Huệ nói.
 
Liên quan đến nội dung xin ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, dự thảo Luật đã được chỉnh sửa thêm một bước nhưng vẫn cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, biên tập và thể hiện chặt chẽ hơn, bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong hệ thống pháp luật…
 
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp
 
Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cảm ơn Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội thời gian vừa qua đã phối hợp với Hà Nội, Bộ Tư pháp trong hoàn thiện dự thảo luật. Các ý kiến của các đại biểu cơ bản đã đồng tình với các nội dung cơ bản trong dự thảo luật.
 
Về nội dung phân cấp, phân quyền cho Thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, các ý kiến đóng góp của các đại biểu rất đúng đắn. Cần rà soát kỹ và đầy đủ những vấn đề về định mức, đơn giá, quy chuẩn, tiêu chuẩn trên tất cả các lĩnh vực. Hiện nay, quy chuẩn tiêu chuẩn về vấn đề môi trường còn rất thiếu, quy định về định mức, đơn giá còn vướng mắc, dẫn đến khó khăn trong triển khai các công trình đặc biệt của Thủ đô. Vì vậy, việc quy định giao thẩm quyền cho Thành phố là rất quan trọng.
 
Ngoài ra, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, cần bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán trong phân cấp, phân quyền, giao thêm thẩm quyền hợp lý cho Thành phố hoặc cho Chính phủ trong vấn đề liên quan đến giới hạn sử dụng không gian ngầm, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn.
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại phiên họp
 
Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, dự thảo luật Thủ đô (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này có rất nhiều điểm mới, tiến bộ, đưa ra những cơ chế vượt trội để Hà Nội có thể phát triển, vừa là Thủ đô, vừa là đầu tàu của cả nước. Về sự đồng bộ thống nhất trong quy định của pháp luật, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, cần giải quyết luôn các vấn đề vướng mắc, mâu thuẫn, bất cập trong cách thức thực hiện tại luật này, tránh trường hợp trong thực tế có nhiều cách hiểu về quy định pháp luật thì sẽ rất khó trong quá trình triển khai.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận phiên họp
 
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao công tác phối hợp giữa cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tư pháp, cấp ủy và chính quyền thành phố Hà Nội, các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Dự án này đủ điều kiện để tiếp thu, hoàn chỉnh để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ Bảy.

 

Theo hanoi.gov.vn