Xây dựng Đề án vị trí việc làm: Thực hiện phân cấp mạnh nhất cho các Bộ, ngành, địa phương

10:34 11-12-2023

HNP - Sáng 8/12, đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng, quản lý vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì tại Điểm cầu UBND thành phố Hà Nội.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Chính phủ

 

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng hệ thống vị trí việc làm (VTVL), cán bộ, công chức, viên chức, đến nay, 20/20 Bộ, ngành đã ban hành Thông tư hướng dẫn về VTVL công chức nghiệp vụ chuyên ngành; 15/15 Bộ, ngành đã ban hành Thông tư hướng dẫn về VTVL lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập.


Về xây dựng danh mục vị trí việc làm, đã xây dựng 840 VTVL trong cơ quan, tổ chức hành chính và 31 VTVL trong cơ quan thuộc Chính phủ; 559 VTVL trong đơn vị sự nghiệp công lập và 17 VTVL cán bộ, công chức, viên chức cấp xã.

Về triển khai xây dựng và phê duyệt VTVL, thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai xây dựng và phê duyệt VTVL công chức, viên chức làm cơ sở để tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức, viên chức theo VTVL. Một số Bộ, ngành, địa phương có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng và phê duyệt VTVL như: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam...; các địa phương: Hà Nội, Đà Nẵng, Hưng Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu...

 

Hà Nội kiến nghị xem xét không tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế công chức, viên chức hưởng lương ngân sách

 

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu thành phố Hà Nội

 

Tham luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, để triển khai quy định của Chính phủ về vị trí việc làm, Thành phố Hà Nội chia 2 giai đoạn: Giai đoạn 1: Trước và sau khi Nghị định 62/2020/NĐ-CP, ngày 1/6/2020 và Nghị định số 106/2020/NĐ-CP, ngày 10/9/2020. có hiệu lực. Giai đoạn 2: Sau khi Bộ Nội vụ, các Bộ chuyên ngành ban hành Thông tư hướng dẫn.

Theo đó, trong giai đoạn 1, trên cơ sở việc làm phê duyệt, 100% cơ quan, đơn vị thực tiện tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo đúng quy định. Việc tiếp nhận, bố trí công tác phù hợp với bản mô tả công việc và khung năng lực đã góp phần giảm được tình trạng làm việc trái với ngành nghề, nâng cao chất lượng giải quyết công việc.

Việc rà soát, đánh giá, sắp xếp, bố trí công chức, viên chức, người lao động theo đúng VTVL, đã góp phần phát hiện các đối tượng chưa đủ tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để cử tham gia, đào tạo, bồi dưỡng hoặc luân chuyển, điều động đến những vị trí phù hợp; giải quyết có lý, có tình số công chức, viên chức, người lao động dôi dư sau khi sắp xếp; Thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị đã áp dụng, thí điểm trả lương cho viên chức, người lao động theo vị trí việc làm giúp nâng cao trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của viên chức, người lao động.

Giai đoạn 2, từ tháng 2/2023 đến nay, UBND Thành phố ủy quyền cho Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND Thành phố ủy quyền cho Giám đốc Sở Nội vụ phê duyệt vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Việc ủy quyền giúp rút ngắn thời gian thực hiện, làm cơ sở để các cơ quan, đơn vị sớm triển khai thực hiện rà soát, sắp xếp đội ngũ theo Đề án vị trí, việc làm; tiến tới cải cách tiền lương trong năm 2024.

Đồng thời, Thành phố cũng xác định rõ quy trình 6 bước để xây dựng vị trí việc làm. Giai đoạn hiện nay, danh mục VTVL thực hiện theo hướng dẫn của Bộ chuyên ngành, do vậy, các cơ quan, đơn vị cần rà soát kỹ, lựa chọn VTVL trong danh mục đã quy định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và thực tiễn triển khai nhiệm vụ.

Thành phố yêu cầu các đơn vị xác định biên chế đáp ứng yêu cầu VTVL trên cơ sở tổng biên chế giao cho đơn vị năm 2024; đồng thời, xác định biên chế dự kiến đến năm 2026, cắt giảm theo tỷ lệ 5% biên chế công chức, 10% biên chế viên chức so với năm 2021, đảm bảo phù hợp với quy định của Trung ương. Do yêu cầu tinh giản biên chế, khi xác định biên chế công chức, biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước tương ứng với vị trí việc làm, đơn vị phải tính toán, ưu tiên các vị trí việc làm trọng yếu và xác định tỷ lệ cắt giảm phù hợp với quy định.

Do xác định cơ cấu ngạch chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp là nội dung phức tạp, chưa có hướng dẫn cụ thể của các Bộ chuyên ngành. Do vậy, Thành phố xây dựng các tiêu chí về ngạch tối đa, đảm bảo sự công bằng, khách quan khi xác định cơ cấu ngạch giữa các đơn vị có tương đồng về khối lượng công việc và mức độ phức tạp về chuyên môn.

 

Các đại biểu dự tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội

 

Phản ánh những khó khăn, vướng mắc của Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn cho rằng, việc quản lý, giao biên chế hành chính hiện nay chưa phù hợp với thực tiễn của đô thị loại đặc biệt đang phát triển rất nhanh về tốc độ đô thị hóa và tăng dân số cơ học như Hà Nội, với khối lượng công việc lớn, tính chất phức tạp, nhạy cảm ngày càng cao. Đồng chí dẫn chứng, Hà Nội với dân số 8 triệu người, tính bình quân, 1.016 người/1 công chức, trong khi, số dân/biên chế công chức trung bình tại 63 địa phương là 686 người/1 công chức. Do đó, mặc dù, Hà Nội đã tập trung đẩy mạnh CCHC, ứng dụng CNTT mức độ 3, 4, song, việc liên tục giảm biên chế hành chính gây khó  khăn trong việc thực hiện đúng vị trí việc làm đã được xây dựng, công chức chịu sức ép lớn về khối lượng và yêu cầu công việc được giao, nhất là lĩnh vực giáo dục và y tế.

Ngoài ra, giai đoạn từ năm 2022-2026, tiếp tục cắt giảm theo tỷ lệ 5% biên chế công chức, 10% biên chế viên chức dẫn đến việc xác định biên chế gắn với vị trí việc làm càng khó khăn, gây áp lực lớn đối với đội ngũ công chức, viên chức và bộ máy hành chính. Thêm vào đó, Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm chưa cụ thể về định mức biên chế công chức, định mức số lượng người làm việc, do đó, việc xác định biên chế công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo tính khoa học và đồng bộ. Đặc biệt, một số vị trí phù hợp với thực tiễn triển khai nhiệm vụ nhưng không có trong Thông tư hướng dẫn của các Bộ nên khó khăn khi triển khai thực hiện.

Từ đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn kiến nghị các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, ban hành hướng dẫn cụ thể định mức biên chế công chức đối với các cơ quan, tổ chức hành chính và định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực; xác định biên chế đáp ứng đúng, đủ với yêu cầu của VTVL; đề nghị xem xét không tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế công chức, viên chức hưởng lương ngân sách đối với thành phố Hà Nội. Có chính sách cụ thể, hợp lý trong việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ dôi dư, luân chuyển, điều động khi thực hiện Đề án vị trí việc làm…

 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ biểu dương sự nỗ lực, sáng tạo, linh hoạt của Hà Nội

 

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm, cố gắng của các Bộ, ngành, đã hoàn thành bước đầu xây dựng vị trí việc làm, cơ bản nhiều địa phương đã nỗ lực, sáng tạo, linh hoạt trong triển khai thực hiện như Đà Nẵng và Hà Nội.

Cho rằng, đây là việc làm khó, phức tạp khi phải chuyển từ môi trường, tư duy, tác phong cũ sang chế độ công vụ mới theo VTVL, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh việc chuyển đổi này là xu thế chung của thế giới; chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc, bất cập với các Bộ, ngành, địa phương, nhất là trong phương thức, cách làm có nhiều khó khăn, lúng túng, vướng mắc.

Thời gian tới, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà quán triệt tinh thần không cầu toàn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và bổ sung, hoàn thiện. Đặc biệt là nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương. Các Bộ, ngành phải phối hợp chặt chẽ để cùng triển khai thực hiện đạt mục đích, yêu cầu đề ra.
 

Đồng chí yêu cầu, về nguyên tắc, phải đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ liên thông trong cả hệ thống chính trị, nhưng cũng phát huy tinh thần năng động, sáng tạo trên cơ sở nguyên tắc, quy định chung, điển hình như thành phố Hà Nội và Đà Nẵng.

Xây dựng VTVL trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ cơ quan, đơn vị, tổ chức và mức độ phức tạp về tính chất, đặc điểm công việc và sản phẩm đầu ra, nhưng mục tiêu phải xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng VTVL phải gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, công chức cũng như thực hiện tinh giản công chức, viên chức và giảm số lượng viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, không áp dụng một cách máy móc. Bên cạnh đó, phải gắn với cơ cấu ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức để xác định biên chế, để nâng ngạch, thăng hạng, tuyển dụng, bố trí sử dụng, quy hoạch, đào tạo, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hằng năm.

Về tiến độ thực hiện, từ nay đến tháng 3/2024: Hoàn thành việc xây dựng Đề án. Từ tháng 4/2024 trở đi: Rà soát, hoàn thiện các quy định về VTVL và điều chỉnh kịp thời VTVL…

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị


Quyết tâm làm với quan điểm "Khó tới đâu gỡ tới đó"
 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cảm ơn và đồng tình với các ý kiến, thông tin rất giá trị của các đại biểu. Đồng chí khẳng định về chủ trương, đường lối, mục tiêu đã mạch lạc, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của của tất cả mọi người. Đồng thời, đã có sự chuyển động tích cực với sự vào cuộc của các địa phương, Bộ, ngành Trung ương. “Việc đã có thông tư hướng dẫn là rất tích cực, là thành tích bước đầu. Việc hoàn tất khung pháp lý là đáng biểu dương”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Đồng chí cho biết: Kinh nghiệm là việc gì quyết tâm đều sẽ làm được. Đây là việc khó nhưng bắt buộc phải làm với quan điểm “khó tới đâu gỡ tới đó”.

Thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm, quyết liệt và người đứng đầu địa phương, đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Lưu ý phải phấn đấu chất lượng cao nhất trong điều kiện cụ thể phải đáp ứng nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc chung và phải có sự linh hoạt nhất định, không cầu toàn, đặc biệt không chủ quan, hời hợt để tránh các hệ lụy về sau và không phát huy được sự năng động, sáng tạo, nhiệt tình của các địa phương, đơn vị. “Trong khuôn khổ cho phép của các quy định, thực hiện phân cấp mạnh nhất cho các địa phương, Bộ, ngành, vì đấy là những người hiểu nhất tổ chức của mình”, đồng chí chỉ đạo.


Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng yêu cầu phải có sự phối hợp giữa cấp Trung ương và địa phương, giữa các địa phương vì qua thực tế cho thấy các kinh nghiệm trao đổi là rất có giá trị. Về thời gian triển khai, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng thống nhất việc phê duyệt Đề án phải kết thúc trước 31/3/2024.

 

Theo hanoi.gov.vn